DMagazine

Nữ giáo viên cắm bản: "Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi"

(Dân trí) - "Đến bây giờ, dù bản Bạch Đàn đã có đường vào nhưng đi lại cũng hết sức vất vả, sạt lở và bùn lầy, tôi cũng không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi...".

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 1

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp về xã miền núi Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Nơi miền biên giới, mùa này thường xuyên có những cơn mưa rừng bất chợt. Trên chiếc xe máy cà tàng, tôi cùng thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy "rẽ màn mưa", tiến về bản Bạch Đàn - bản nghèo nằm hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 4

Nói đến hành trình vào bản Bạch Đàn, ai cũng phải ngán ngẩm. Bởi lẽ con đường gần 10km từ trung tâm xã vào đến bản gập ghềnh khó đi, thường xuyên xảy ra sạt lở, nhiều đoạn đường dốc cao dựng đứng, bùn ngập nửa bánh xe.

Bản Bạch Đàn hiện có một điểm lẻ, thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy. Điểm trường này có 2 giáo viên và 18 học sinh đồng bào Bru - Vân Kiều. Một trong 2 giáo viên cắm bản Bạch Đàn là cô là Phạm Thị Liên - người đã có hơn 10 năm gắn bó với các điểm trường ở Lâm Thủy.

Cô Liên kể, năm 2011 sau khi tốt nghiệp đại học, cô bắt đầu bước vào hành trình tìm công việc mà mình mơ ước. Và rồi cái duyên đã đưa cô sinh viên vừa tốt nghiệp về với xã miền núi Lâm Thủy trong niềm vui được trở thành một nhà giáo và cả những thử thách, chông gai đang đón đợi phía trước.

Trong suốt hơn 10 năm gắn bó với xã biên giới Lâm Thủy, chưa có điểm trường nào thiếu dấu chân cô Liên, từ Eo Bù - Chút Mút, Tân Ly, Xà Khía và giờ là bản Bạch Đàn. Cô Liên đã dành cả thanh xuân để "cõng con chữ" đến với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng tại nơi đây, cô Liên đã bén duyên và nên nghĩa vợ chồng với thầy giáo Nguyễn Ánh Văn - giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy.

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 5

"Được làm giáo viên là niềm vui lớn nhất của tôi, thế nhưng ngày đầu về cắm bản, gian nan vô cùng. Hồi đó mình tuổi còn trẻ, mà sống giữa rừng núi hoang vu, không có điện lưới, sóng điện thoại, thiếu thốn đủ bề, muốn ra ngoài phải đi bộ băng rừng, băng suối nên rất buồn. Đến bây giờ, dù bản Bạch Đàn đã có đường vào nhưng đi lại cũng hết sức vất vả, sạt lở và bùn lầy, tôi cũng không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi", cô Liên chia sẻ.

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 7

Khó khăn, thiếu thốn chồng chất, thế nhưng cô giáo Phạm Thị Liên chưa bao giờ chùn bước. Hơn 10 năm qua, tình yêu với nghề đã giúp cô Liên vượt qua mọi gian nan, thử thách, gắn bó với các em học trò nhỏ thân yêu. Để có thể thực hiện công tác giảng dạy, ngoài việc truyền đạt kiến thức, cô giáo Liên cũng thường xuyên phải vượt suối, băng rừng đến nhà học trò để động viên các em đi học đầy đủ, buổi tối thì đến gõ cửa nhà sàn, hướng dẫn các em học hành.

Sau nhiều năm gắn bó, cô Liên dường như đã quá quen với những vất cả, thiếu thốn của chính bản thân mình, thế nhưng băn khoăn lớn nhất của cô giáo bản lại chính là 2 con nhỏ phải gửi bà nội chăm sóc, khi vợ chồng đều phải công tác cách nhà đến hơn cả trăm cây số. Đường sá xa xôi, vài ba tuần cô Liên mới có điều kiện về thăm con, có những đêm nhớ con, cô Liên lại lặng lẽ khóc một mình.

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 10

Điểm trường bản Bạch Đàn, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy.

"Ngày còn trẻ, mới vào cắm bản nhớ nhà, lại ở giữa rừng núi hoang vu, tủi thân khóc như cơm bữa. Giờ quen vất vả rồi thì lại nhớ và thương 2 con phải xa bố, xa mẹ. Làm giáo viên cắm bản thiếu thốn đủ thứ nhưng xa gia đình vẫn là điều buồn nhất. Có những chiều cuối tuần, chuẩn bị về xuôi thì mưa, sạt lở, đành ở lại, cứ nghĩ đến việc các con đang ngóng mẹ về là lòng quặn thắt. Tuy vậy, đã là giáo viên cắm bản thì phải chấp nhận những thiệt thòi, cố gắng gắn bó với nghề và vì các em học sinh", cô Liên tâm sự thêm.

Ở điểm trường Bạch Đàn còn có cô Hoàng Thị Vân, vì không có nhà nội trú nên phòng học cũng chính là nơi ở lại của các cô. Xác định vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm, các cô giáo cắm bản ở đây đã không quản ngại vất vả, thiếu thốn để bám bản, bám điểm trường.

Với cô Liên và cô Vân, cứ đầu tuần thì khăn gói vào bản, dạy đến cuối tuần lại ra trung tâm, có những khi gặp thời tiết xấu đành phải ở lại. Bữa cơm hàng ngày, đôi khi các cô được các phụ huynh ở bản giúp cho con cá, nắm rau rừng, tình nghĩa của người Bru - Vân Kiều nơi miền biên viễn cũng tạo động lực với các cô giáo bản.

"Mỗi lứa học sinh trưởng thành chính là niềm hạnh phúc lớn của những người thực hiện sứ mệnh gieo chữ như tôi. Dù biết vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng hàng ngày, nhìn những ánh mắt hồn nhiên, những nét chữ, giọng đọc còn ngượng nghịu, chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để mang những điều tốt đẹp nhất đến với các em", cô Vân bộc bạch.

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 12
Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 13

Ở miền biên viễn Lâm Thủy, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là việc quan tâm học hành của con em, tình trạng học sinh bỏ học còn diễn ra, nhất là sau những đợt nghỉ lễ, Tết, nghỉ hè. Do vậy, suốt nhiều năm qua, để duy trì sĩ số, các thầy, cô giáo phải đến từng bản, đi từng nhà gặp gỡ và thuyết phục gia đình cho các em trở lại trường.

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 15

Dù gian nan, vất vả nhưng các cô giáo bản vẫn sẽ luôn cố gắng, dành trọn tình thương đến học trò dân tộc, tiếp tục ươm mầm, gieo tri thức với sứ mệnh "trồng người" nơi miền biên viễn.

Cũng nhờ sự kiên trì của các thầy, cô giáo cắm bản, suy nghĩ của bà con dần thay đổi, hiểu hơn về tầm quan trọng của việc học và tạo điều kiện để các em học sinh được đến lớp mỗi ngày.

"Bà con ở đây rất quý mến các thầy, cô giáo, bởi họ đã vượt qua khó khăn để vào cắm bản, đưa con chữ, tri thức đến với con em mình. Cũng nhờ thầy cô mà các cháu được đến trường, học những cái hay, cái tốt, để sau này giúp bản làng phát triển, không còn đói nghèo nữa", ông Hồ Tình, già làng bản Bạch Đàn nói.

Trao đổi với Dân trí, thầy giáo Ngô Mậu Tình cho hay, năm học vừa qua, tỷ lệ huy động học sinh đến trường của đơn vị đạt 99,7% ở cả 2 cấp  học. Để làm được điều đó, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên học sinh, vận động phụ huynh và tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Ho để học sinh được đến trường.

"Nhà trường hiện có một điểm chính và 3 điểm lẻ với 18 lớp, 227 học sinh. Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào Bru - Vân Kiều, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hiện nhà trường có 120 học sinh nội trú. Trong số các điểm trường thì điểm bản Bạch Đàn là khó khăn nhất, ở đây chưa có nhà nội trú cho giáo viên nên các cô còn vất vả, rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để các cô giáo yên tâm cắm bản", thầy Tình bày tỏ.

Nữ giáo viên cắm bản: Tôi không biết đã ngã bao nhiêu lần rồi - 18

Chia tay cô Liên, cô Vân khi bóng chiều dần buông, cái bắt tay thật chặt và ánh nhìn hân hoan, chào tạm biệt của cô và trò điểm trường bản Bạch Đàn như một sự khẳng định niềm tin về tương lai. Chúng tôi tin rằng, dù gian nan, vất vả nhưng các cô giáo luôn cố gắng hết mình, dành trọn tình thương đến học trò, tiếp tục ươm mầm tri thức nơi miền biên viễn.

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Đỗ Diệp