Ninh Bình: Yên Thắng một mô hình Xã hội học tập từ cơ sở

(Dân trí) - Phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học, xã Yên Thắng (Yên Mô, Ninh Bình) nhận thức khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là sự sáng tạo của đường lối “xã hội hóa giáo dục”, là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.

Phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học, Đảng bộ và nhân dân Yên Thắng nhận thức rằng khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là sự sáng tạo của đường lối “xã hội hóa giáo dục”, là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, ngay từ khi Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình ra đời, Yên Thắng đã tích cực hưởng ứng, Đảng bộ bắt tay vào việc xây dựng tổ chức, lựa chọn ra những cán bộ vừa có uy tín, vừa tâm huyết để chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Được sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng và chính quyền, sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành trong xã, đặc biệt là ngành giáo dục, Hội Khuyến học xã đã tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện trong nhà trường và ngoài nhà trường, cả chính qui và phi chính qui. Toàn xã thành lập 18 chi hội (trong đó 15 chi hội thôn, 3 chi hội trường học, 23 Ban khuyến học dòng họ). Như vậy 100% khu dân cư đều có chi hội khuyến học. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, toàn xã đã có 1.717 hội viên, đạt tỷ lệ 20% dân số của xã. Đặc biệt, cán bộ khuyến học cơ sở đều được tập huấn tại xã hoặc huyện.

Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ và bằng khen cho Hội Khuyến học Ninh Bình
Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ và bằng khen cho Hội Khuyến học Ninh Bình.

Ở Ninh Bình, nơi sớm có những phong trào khuyến học như xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. “Mùa xuân khuyến học”, “Tháng Tám khuyến học”... do tỉnh Hội phát động đã được Yên Thắng hưởng ứng với tinh thần sáng tạo, ngoài việc phát động phong trào xây dựng quĩ khuyến học trong các dòng họ, các chi hội và đóng góp của cộng đồng, mỗi năm Yên Thắng có tới hơn 200 triệu đồng để cấp học bổng cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học tập tốt hàng năm, Hội Khuyến học Yên Thắng còn phát động các gia đình đăng ký phấn đấu trở thành gia đình hiếu học. Từ phong trào xây dựng gia đình hiếu học, nhiều gia đình làm nghề nông, ngoài cây lúa, mớ rau, con lợn không còn thu nhập gì khác nhưng vẫn ra sức chăm lo cho con em mình đi học, như ông Nguyễn Văn Cung ở thôn Cầu Mễ, vợ chết, một mình cần cù lao động nuôi 3 con ăn học, nay đã có hai con vào đại học, một con học cao đẳng; chị Dương Thị Năm, mẹ góa con côi nhưng vẫn nuôi 3 con ăn học, hai đứa vào đại học, một con học phổ thông, năm nào cũng đạt học sinh giỏi...; gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, ông Đinh Văn Lân, ông Đinh Văn Tiếp... mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các gia đình vẫn động viên con cháu học hành tới nơi, tới chốn,...

Trong xã có 25 dòng họ, thì 23 dòng họ có Ban Khuyến học, trong đó 21 dòng họ đạt tiêu chuẩn “dòng họ hiếu học”. Các dòng họ như Đinh Nhất Lang, Đinh Nhị Lang, họ Dương, họ Lê Văn, Lê Đình, Lê Huy; họ Dương, họ Đinh, họ Nguyễn Văn, Nguyễn Phúc, Nguyễn Kim, họ Lưu, họ Bùi, họ Mai... là những dòng họ có phong trào khuyến học với những hoạt động sôi nổi đã tạo động lực cho nhiều học sinh vượt khó học giỏi, mang vinh danh về cho gia đình, dòng họ; vì vậy công tác khuyến học trong dòng họ, không những mang ý nghĩa khích lệ, biểu dương, nâng niu, trân trọng mà còn vun đắp tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Ở Yên Thắng, từ phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học đã lôi cuốn những người lớn tuổi tích cực tham dự các lớp học chuyên đề của Trung tâm học tập cộng đồng. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật học được từ Trung tâm học tập cộng đồng đã được bà con áp dụng có hiệu quả. Hàng năm, với diện tích cây lúa ổn định, bà con trong xã còn sản xuất các loại cây trồng theo hướng hàng hóa như lúa lai, lúa chất lượng cao, các cây trồng vụ đông chủ yếu tập trung vào những cây giống mới cho giá trị kinh tế cao như: lạc, ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, và rau màu các loại. Ngoài việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi như lợn, gà, trâu bò, bà con còn nuôi các con đặc sản như hươu, nhím. Các ngành nghề truyền thống như sản xuất vật liệu xây dựng, nghề mộc, nề, chế biến nông sản, thêu ren... cũng được Trung tâm học tập cộng đồng giới thiệu và được chính quyền xã khuyến khích. Vì vậy kinh tế của bà con nông dân trong xã ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm (năm 2010 chỉ còn 5,5%).

Lương Thanh Sở
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam