Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc: Giáo dục ĐH phải thúc đẩy sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên

(Dân trí) - “Muốn đi trước, đi đầu thì phải đòi hỏi sự sáng tạo, do đó cần phải dạy cho sinh viên, học sinh sự sáng tạo cũng như khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người. Làm được như thế thì nền giáo dục mới đuổi theo kịp sự thay đổi của thế giới”.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Chung Un-Chan, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc, nguyên hiệu trưởng ĐH Quốc gia Seoul (SNU), tại buổi nói chuyện với sinh viên, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vào ngày 29/11 .

Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc: Giáo dục ĐH phải thúc đẩy sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên - 1

Tiến sĩ Chung Un-Chan - nguyên Thủ tướng Hàn Quốc, nguyên hiệu trưởng ĐH Quốc gia Seoul (SNU) chia sẻ tại buổi làm việc tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Ông Chung Un-Chan cho rằng giữa Việt Nam và Hàn Quốc có một điểm tương đồng về văn hóa Nho giáo rất tôn trọng sự học. Theo ông, “Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng gặp những vấn đề giống như Việt Nam - đó là thay vì dạy học sinh, sinh viên hướng đến sự sáng tạo thì lại hướng theo kiểu bắt chước, làm theo. Muốn đi trước, đi đầu thì phải đòi hỏi sự sáng tạo, do đó cần phải dạy cho sinh viên, học sinh sự sáng tạo cũng như khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người. Làm được như thế thì nền giáo dục mới đuổi theo kịp sự thay đổi của thế giới”.

“Để Việt Nam phát triển ra toàn cầu, tôi nghĩ cho học sinh, sinh viên tiếp cận với toàn cầu nhiều hơn, khi ra bên ngoài thì sẽ học điều nhiều điều hay ở các nước. Ở Hàn Quốc chúng tôi, từ những năm 1950 đã có chiến lược cho sinh viên ra nước ngoài học để mang về những kiến thức mới để phát triển đất nước. Đó cũng là nền tảng để đất nước chúng tôi phát triển kinh tế.

Tôi biết, hiện nay có nhiều sinh viên Việt Nam sang các nước học kể cả sang Hàn Quốc, trong thời gian tương lai hãy tiếp tục mở rộng cửa để sinh viên, học sinh Việt Nam được tiếp cận với các trường trên toàn cầu, hội nhập với toàn cầu”, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc đề xuất.

Trong bài phát biểu với chủ đề "Tăng trưởng chia sẻ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên nền tảng của sự tin cậy", ông Chung Un-Chan khẳng định, phát triển giáo dục là một trong những con đường hiệu quả để dẫn dắt sự thay đổi, thúc đẩy phát triển  ở các lĩnh vực khác, trong đó có kinh tế.

Theo ông Chung Un-Chan, giáo dục là một trong những cách thức hiệu quả nhất để mở đầu cho sự thay đổi xã hội. Thông qua việc khuyến khích những cuộc thảo luận tích cực của sinh viên về tầm quan trọng của tăng trưởng chia sẻ và nền kinh tế bền vững, tăng trưởng chia sẻ sẽ thu được đủ năng lượng để thoát khỏi quan điểm kinh tế lỗi thời. Hơn nữa, giáo dục đại học là nơi sinh viên nên được khuyến khích theo đuổi đam mê và sáng tạo. Các trường đại học cần chia sẻ sự phát triển với cộng đồng địa phương và đóng vai trò là nguồn năng lượng cho sự sáng tạo.

Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc: Giáo dục ĐH phải thúc đẩy sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên - 2

Lãnh đạo trường ĐH Kinh tế TPHCM chào đón nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Chung Un - Chan

“Với cương vị là hiệu trưởng của Đại học Quốc gia Seoul, tôi đã cố gắng tạo ra một môi trường giáo dục thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên. Để làm được như vậy, tôi đã thiết kế lại chương trình giảng dạy để biến SNU thành nơi tạo ra kiến thức, chứ không đơn thuần là truyền kiến thức từ giảng viên sang sinh viên. Ngoài ra, tôi luôn nhấn mạnh sự cởi mở trong toàn trường vì sự sáng tạo không bao giờ có thể mang lại thành quả nếu không có một cách nhìn cởi mở để tiếp nhận những ý tưởng gốc”, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc nói.

Ông cho biết một trong những biện pháp đầu tiên để đẩy mạnh sáng tạo là cải cách quy trình tuyển sinh hướng đến cân bằng giữa các vùng. TS Chung Un-Chan kể lại kinh nghiệm của mình: “Khi tôi mới đảm nhiệm cương vị ở SNU, đa số sinh viên của trường đến từ thành phố Seoul dù SNU là trường đại học quốc gia. Tôi hay nói đùa rằng, nếu tiếp tục lộ trình này, SNU có thể sẽ biến thành một trường đại học địa phương. Trên tư cách hiệu trưởng, tôi đã cải cách quy trình tuyển sinh với việc tuyển 1/3 số lượng sinh viên từ các vùng trong cả nước và giữ 2/3 theo cách thức thông thường. Bằng cách này, sinh viên và giảng viên được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm từ những học giả có nền tảng khác nhau và điều này sẽ kích thích tư duy sáng tạo dẫn đến những ý tưởng mới, từ đó đạt được sự thịnh vượng lâu dài và bền vững”.

Cũng trong dịp này, TS Chung Un-Chan tin tưởng rằng Viện Quản lý quốc tế (IMI), thành viên của tổ chức tư nhân hàng đầu Hàn Quốc sẽ chuyển giao bí quyết thành công của các công ty Hàn Quốc cho các công ty Việt Nam thông qua chương trình đào tạo "Quản trị cấp cao toàn cầu Việt Nam - Hàn Quốc" phối hợp cùng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Đây là chương trình nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp Việt trở thành các doanh nghiệp toàn cầu dựa trên kinh nghiệm của các tập đoàn Hàn Quốc.

Lê Phương