Người trẻ lập nghiệp, đừng để chỉ "giỏi làm tiền"

Hoài Nam

(Dân trí) - Chuyên gia Tôn Nữ Thị Ninh gửi gắm các bạn trẻ khởi nghiệp cần lưu tâm phải làm sao tỏa ra được phẩm chất trí thức, trí tuệ chứ đừng để doanh nhân chỉ phóng ra hình ảnh "giỏi làm tiền".

Các vấn đề về giá trị của thực học, giáo dục khai phóng... đã được trao đổi tại chương trình "Khai phóng thời biến động" diễn ra ở TPHCM tối 10/3.

"Dạy tài mà quên dạy tâm, chỉ tạo ra những... con quái vật"

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE chia sẻ, chúng ta đang đứng trước thời kỳ biến động khủng khiếp, dịch bệnh, chiến tranh, nhất là giá trị đều bị thách thức, nhiều giá trị sáng đúng chiều sai mai lại đúng; các chuẩn mực đảo lộn cũng như nhiều niềm tin bị đổ vỡ.  

Người trẻ lập nghiệp, đừng để chỉ giỏi làm tiền  - 1

Nhà giáo dục Giản Tư trung chia sẻ 4 năng lực cần có để ứng phó với biến động gồm văn hóa, công dân, chuyên môn và lãnh đạo (Ảnh: D.P).

Để đứng vững trước biến cố, đối mặt với nghịch cảnh đòi hỏi chúng ta phải trang bị cho mình những giá trị phổ quát, nguyên lý trường tồn, bất biến. Và để được như vậy, thế hệ mới phải có tinh thần khai phóng, sự học khai phóng. 

Nhà giáo dục này chỉ ra 4 năng lực cần có gồm năng lực văn hóa, năng lực công dân, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo. Sự học không chỉ về năng lực lãnh đạo mà cần có chiều sâu về văn hóa, có tính nhân bản, tinh thần ái quốc. Vì theo ông Giản Tư Trung, nếu chúng ta tập trung dạy tài mà quên dạy tâm thì chỉ tạo ra những... con quái vật nguy hại cho xã hội. 

Các năng lực trên giúp mỗi người trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm, chuyên gia ưu tú. "Chuyên gia ưu tú là hướng tới sự xuất sắc, hướng tới sự ưu tú ở bất kỳ công việc nào mình làm. Nếu làm nghề quét rác, bạn cũng phải là người quét rác ưu tú, người quét rác xuất sắc. Chữ ưu tú phải hiểu như vậy chứ ưu tú không phải là mình hơn người, hơn thiên hạ", ông Trung nói. 

Vị này bày tỏ, giáo dục khai phóng không phải là đặc quyền của những người xuất sắc, không phải điều gì xa lạ, cao siêu mà rất đời thường, gắn bó với cuộc sống của những con người bình thường, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. 

Đối với người dạy học, ông Trung đưa ra quan điểm, dạy là giúp người khác học chứ không phải đang dạy dỗ người khác. Bởi nếu một người không tin vào giá trị của thực học thì họ không tin vào bất cứ thứ gì trên cuộc đời và cũng không ai có thể thay đổi một người ngoại trừ chính họ. 

Người trẻ lập nghiệp, đừng để chỉ "giỏi làm tiền" 

Chia sẻ tại chương trình, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội đánh giá các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay đầy năng lượng, nhiệt huyết, tài năng. 

Người trẻ lập nghiệp, đừng để chỉ giỏi làm tiền  - 2

Bà Tôn Nữ Thị Ninh trao đổi tại chương trình (Ảnh: D.P)

Nhưng để ứng phó được trước thách thức biến động hiện nay cần có sự "giải mã" về vấn đề cuộc sống, lường trước các khó khăn bằng chính việc học, học thực, học đúng...

Mỗi người cần được trang bị cả tâm, trí, năng lực thì mới có con đường đúng và hành động đúng. Còn trong biển cả tin thật, tin giả và trong sự biến động nếu chúng ta giải mã sai sẽ không chỉ có hại cho bản thân mà cho cả xã hội. 

Bà Ninh cũng gửi gắm các bạn trẻ khởi nghiệp, đang hướng đến hình ảnh doanh nhân thành đạt cần lưu tâm phải làm sao tỏa ra được phẩm chất trí thức, trí tuệ chứ đừng để doanh nhân chỉ phóng ra hình ảnh "giỏi làm tiền". Mình không chỉ tạo ra vật chất, tiền bạc mà cần đóng góp cho xã hội sự giàu có về mặt trí tuệ, tri thức. 

"Trong hành trình học tập, trong hành trình kiếm tiền, làm ăn, mỗi người chúng ta hãy luôn chú ý nạp pin về trí tuệ, trí thức, về sự hiểu biết", bà Tôn Nữ Thị Ninh bộc bạch. 

Người trẻ lập nghiệp, đừng để chỉ giỏi làm tiền  - 3

Mỗi người trẻ khởi nghiệp ngoài việc kiếm tiền cần có phẩm chất về trí tuệ, tri thức (Ảnh: D.P).

Bà Ninh cũng cho rằng, điều kiện hiện nay chúng ta cần thu hút chất xám trở về nước. Bà đang nhìn thấy nhiều người lớn lên ở Mỹ nhưng quyết định về nước lập nghiệp. Phải nói, đó là những lựa chọn dũng cảm và là dấu hiệu đáng mừng. Chúng ta cần có nhiều hoạt động giao lưu, kết nối, không để họ phải vật lộn với quan liêu, nghi kỵ...

Cũng trong  khuôn khổ của chương trình, các diễn giả đều nhấn mạnh sự phát triển mỗi cá nhân liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước, không ai đứng ngoài cuộc.

TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ, bản thân mỗi chúng ta đều cần phải biết xây dựng 3 tinh thần: "Tự vấn, Tự tin và  Tự trọng". Một cá nhân tự trọng sẽ làm được nhiều việc tử tế và một quốc gia tự trọng sẽ tự cường.