Người thầy không phấn trắng, bảng đen của những “tâm hồn lạc lối”

Duy Tuyên

(Dân trí) - Vượt lên môi trường làm việc với nhiều khó khăn, áp lực, những “người thầy” của Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa đã âm thầm giúp đỡ những tâm hồn lạc lối quay về với cộng đồng…

Xây dựng môi trường sống như ở nhà

Trong trí tưởng tượng của tôi trước khi vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa là sự ngăn cách bởi tường cao, hào sâu. Tuy nhiên, khi bước qua cánh cổng, phía trong hiện ra một không gian thoáng đãng, hài hòa, với vườn cây, hồ cá… Đây đó, từng tốp học viên vừa lao động trị liệu, vừa nô đùa với nhau.

Người thầy không phấn trắng, bảng đen của những “tâm hồn lạc lối” - 1
Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa.

Như giải đáp cho sự tò mò của tôi, ông Lê Chí Cường, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa chia sẻ, mục đích hướng đến của quá trình xây dựng, cải tạo, điều chỉnh cơ sở là để có một môi trường sống như ở nhà đối với học viên.

“Nêu ra khẩu hiệu cơ sở là nhà, chúng ta là anh em để nhắc nhở cán bộ, học viên. Cán bộ cũng phải bỏ đi cảm giác, suy nghĩ vào làm hết thời gian để cuối tháng lấy lương mà vào đi làm việc là về với nhà mình và học viên, đối tượng phục vụ là người thân của mình”, ông Cường chia sẻ.

Để làm được điều đó, theo ông Cường, những năm gần đây, đơn vị đã xây dựng, cải tạo môi trường sống, xây dựng các thiết chế quản lý giáo dục cán bộ và học viên nên tường cao, hào sâu được tháo dỡ để tạo nên môi trường không có phân khúc.

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa có 500 học viên với 97 cán bộ quản lý, nhân viên. Học viên được tiếp nhận vào cơ sở phải thực hiện 5 giai đoạn: Cắt cơn, phục hồi sức khỏe; giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; giáo dục văn hóa, chính trị, pháp luật và dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu; tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm và tái hòa nhập cộng đồng.

Người thầy không phấn trắng, bảng đen của những “tâm hồn lạc lối” - 2

Mục đích hướng đến của  quá trình xây dựng, cải tạo, điều chỉnh cơ sở là để có một môi trường sống như ở nhà đối với học viên.

Ông Cường khái quát: “Chúng tôi quản lý giáo dục học viên như một trường học, điều trị chữa bệnh như một bệnh viện, giáo dục, rèn luyện phục hồi hành vi nhân cách như môi trường quân đội”.

Những bài học đạo đức cơ bản nhất của con người được các cán bộ tìm tòi, biên soạn thành những trang giáo án, như: lòng nhân ái, sự khoan dung, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, tình yêu lao động, gia đình... Bên cạnh đó là những bài học bổ ích về kiến thức pháp luật về quy định của Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống HIV...

Đồng thời, lĩnh vực đào tạo nghề cũng luôn được quan tâm với nghề chính là: sản xuất vật liệu xây dựng, may công nghiệp, chăn nuôi.

Người thầy không phấn trắng, bảng đen của những “tâm hồn lạc lối” - 3
Học viên được đào tạo nghề và tham gia lao động trị liệu.

Theo ông Cường, để thực hiện được những nhiệm vụ trên, cần một nguồn lực lớn như đội ngũ y tế có chuyên môn sâu; cán bộ tâm lý, tư vấn giỏi, có kỹ năng nghiệp vụ; đội ngũ cán bộ giáo viên kỹ thuật tốt; đội ngũ có trình độ quản lý học viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, trang thiết bị dạy nghề, về hỗ trợ ưu tiên nguồn vốn tín dụng và chính sách thu hút người có đủ trình độ vào làm việc tại cơ sở cai nghiện.

Qúa trình sử dụng ma túy là quá trình làm tổn thương cho hệ thần kinh, khó để phục hồi hoàn thiện lại. Từ đó, châm ngôn của đơn vị là: nề nếp - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm. Do vậy, mỗi cán bộ đều phải là một tấm gương sáng, xây dựng môi trường làm việc trung thực, khách quan và dân chủ.

“Trong quá trình quản lý, chỉ cần sai lệch về lời nói, cử chỉ, hành động sẽ tạo nên mâu thuẫn, người nghiện dễ bị kích động, không làm chủ được hành vi thì sẽ là nguyên nhân xảy ra mất an ninh trật tự…”, ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cho rằng, đối với học viên, chủ yếu dùng phương pháp cảm nắn, giáo dục. Còn cán bộ quản lý như những người thầy “khâu vá” lại những “tâm hồn lạc lối”…

Từ đầu năm đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa đã tiếp nhận 340 lượt người vào thực hiện cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, 319 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

Người cán bộ quản lý sống phải gương mẫu

Đã có 10 năm gắn bó với Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, anh Nguyễn Huy Chiến (SN 1979) vừa tham gia quản lý, vừa giáo dục, vừa dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu cho học viên.

Cảm nhận của anh Chiến khi tiếp xúc với học viên: “Họ cũng là những người nhiều ưu điểm, tuy nhiên vì hoàn cảnh, nhận thức không may mắc phải tệ nạn xã hội”.

Người thầy không phấn trắng, bảng đen của những “tâm hồn lạc lối” - 4

Theo anh Chiến, để giáo dục học viên, điều tiên quyết đối với người cán bộ quản lý là sống phải gương mẫu, tâm huyết.

Theo anh Chiến, để giáo dục học viên, điều tiên quyết đối với người cán bộ quản lý là sống phải gương mẫu, tâm huyết. Bên cạnh đó, cần phải có kinh nghiệm, chia sẻ với học viên, xem học viên như người nhà để giáo dục.

Tuy nhiên, đây là công việc vất vả về thời gian làm việc, áp lực công việc cao. Trong khi đó, cơ chế, chế độ của cán bộ còn nhiều khó khăn, ít có thời gian cho gia đình cũng như chăm sóc con cái…

Cũng vì thế, nhà cách nơi làm việc chưa đến 10km, nhưng có khi cả tuần anh Chiến mới về một lần. Thậm chí, nhiều đêm khi ngủ không yên, nghe tiếng động cũng giật mình vì lo lắng học viên xảy ra chuyện.

“Mặc dù biết thiệt thòi nhưng cũng phải cố gắng. Đối với học viên mình tôn trọng, quan tâm thì học viên cũng chia sẻ lại và cố gắng. Mong muốn của anh em là được hỗ trợ về chế độ độc hại, nặng nhọc”, anh Chiến tâm sự.

Theo anh Chiến, để học viên không tái nghiện và hòa nhập, không phải gia đình, cộng đồng xã hội làm được mà đòi hỏi cả một hệ thống. Sau khi học viên tái hòa nhập cộng đồng, cần có sự chia sẻ từ gia đình, xã hội, tạo điều kiện, không nên tạo áp lực cho học viên.

Người thầy không phấn trắng, bảng đen của những “tâm hồn lạc lối” - 5

Học viên được đào tạo nghề.

Với ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng Phòng Dạy nghề lao động sản xuất đã có thâm niên hơn 20 năm trực tiếp quản lý, giáo dục cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1.

Cũng như anh Chiến, theo ông Loan, việc đầu tiên của cán bộ phải là người gương mẫu từ những hành động, đến cử chỉ. Người cán bộ quản lý là người thầy giúp đỡ cho học viên phải có cái tâm, cái tình, phải có nghệ thuật trong phương pháp quản lý giáo dục học viên; hơn nữa phải có bản lĩnh.

“Tình trạng hoang tưởng và ảo giác của học viên sử dụng ma túy rất lớn. Có những trường hợp không hợp tác phải làm công tác tư tưởng, thuyết phục. Khó khăn là chưa có phác đồ điều trị ma túy tổng hợp dạng đá”, ông Loan cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông Loan, quan trọng nhất trong công tác quản lý, giáo dục là phải nắm bắt được tâm tư, tình cảm của học viên. Cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ, cùng chia sẻ và sinh hoạt với học viên.

Hơn 20 năm công tác, ông Loan đúc rút ra một điều, làm công tác quản lý, giáo dục học viên phải gần gũi, chia sẻ, đặc biệt là tình thương yêu. Vì học viên khi nghiện ma túy bị tổn thương về mặt tình cảm, nếu không có tình cảm, gần gũi, chia sẻ thì khó để gọt dũa hành vi, khó giúp đỡ họ nhận thức ra lầm lỗi.

Cũng bởi sự quan tâm, gần gũi mà thường học viên gọi ông cũng như các cán bộ quản lý nơi đây bằng thầy, thậm chí có học viên xưng bằng bố. Với quan điểm tạo môi trường sống đầy tình thương yêu, tình thầy trò, có những học viên trở về hòa nhập cộng đồng, làm ăn thành đạt vẫn luôn nhớ về người thầy đã chăm sóc, giáo dục mình.

Ông Loan tâm niệm, đã dẫn thân vào con đường làm công tác hết sức đặc thù là giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách cho con người, mà bản thân những người này không hoàn chỉnh thì rất vất vả. Những ngày lễ, ngày Tết gần như không có, bởi phải “trực chiến” để tổ chức những hoạt động vui chơi, sinh hoạt, giải trí để học viên yên tâm rèn luyện.

“Khi học viên gọi mình bằng thầy, bằng bố, mình cảm thấy rất quý trọng. Đó là động lực để chúng tôi làm tiếp những nhiệm vụ, rèn luyện, giáo dục, giúp đỡ học viên trót sa vào lầm lỡ, quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy để sau này về hòa nhập cộng đồng, làm người có ích cho xã hội”, ông Loan tâm sự.