Nâng cao năng lực GV hướng dẫn HS làm nghiên cứu khoa học

(Dân trí) - Ngày 26/10, tại TP Huế đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật” do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Nhiều ý kiến góp ý đã được nêu ra nhằm nâng cao vai trò người hướng dẫn HS, vì đây là một bước nền tảng rất quan trọng để HS Việt Nam có được các cơ sở, tư duy, định hướng và sự hỗ trợ nhằm làm tốt đề tài khoa học.

TS. Trần Hoàng, Trưởng phòng KHCN&MT ĐH Sư phạm TP HCM cho biết, nếu GV trường THPT ít được tiếp cận với các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), nên chưa phát huy tốt vai trò người hướng dẫn cũng như cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm tại trường THPT còn khó khăn. Thì các trường ĐH và Viện nghiên cứu có kinh nghiệm, tư liệu đầy đủ nên cùng gắn kết với trường phổ thông để làm tốt việc này.

Thực tế, những đề tài nào có sự phối hợp chặt chẽ với trường ĐH, Viện nghiên cứu sẽ có kết quả tốt. Mà cụ thể nhất kể đến đề tài đạt giải Nhất cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2012 “Xử lý nước mặn thành nước ngọt” của nhóm HS trường chuyên Amsterdam Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến tư vấn góp ý về giải pháp lẫn điều kiện thí nghiệm chuyên nghiệp từ nhiều nhà khoa học Việt đến ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ GD-ĐT, cần có chế độ thỏa đáng để khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành của trường ĐH, Viện nghiên cứu về giúp đỡ chuyên môn, tham gia đồng hướng dẫn cùng GV phổ thông cho các đề tài, dự án của HS phổ thông.

Nâng cao năng lực cán bộ, GV hướng dẫn HS làm khoa học tốt

Hội thảo “Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách “nóng” khuyến khích HS tham gia NCKH, kỹ thuật như ưu tiên tuyển thẳng, trao phần thưởng học bổng cho HS đoạt giải. Về phía các giảng viên tham gia hướng dẫn HS, cần tính giờ nghiên cứu khoa học và ưu tiên các đề tài cấp cơ sở có sự tham gia của HS trung học.

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, trong 2 năm qua, việc phối hợp giữa trường ĐH, Viện nghiên cứu với trường phổ thông đã có sự phát triển lớn trong thành quả NCKH. Cụ thể Việt Nam đã lần đầu tiên đạt giải Nhất trong lĩnh vực Điện và cơ khí Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2012. Năm sau, đoàn Việt Nam đoạt 2 giải Tư.

“Hiện Bộ GD-ĐT đang có xu hướng huy động giảng viên, nhà nghiên cứu từ ĐH, Viện nghiên cứu giúp đỡ các em HS, vì các nước tiên tiến đều làm như thế này. Qua hội thảo, chúng tôi sẽ đề xuất đưa ra một số cơ chế, chính sách phù hợp để giúp nhiều bên.

Như HS đạt giải sẽ được cộng điểm thi ĐH, được tham gia đề án đào tạo nhân tài ở nước ngoài. Giảng viên hướng dẫn HS sẽ được khen thưởng, ưu tiên về đề tài khoa học. Trường có HS đoạt giải sẽ được thưởng xứng đáng. Đồng thời, Bộ cũng sẽ kêu gọi thêm các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ, giúp đỡ thêm về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở HS, nhằm bồi dưỡng một thế hệ nhân tài mới cho đất nước” - Thứ trưởng Quý cho biết.

Đại Dương