1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu tư lệnh NATO kêu gọi "vô hiệu hóa" huyết mạch Kaliningrad của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu tư lệnh NATO đề xuất "vô hiệu hóa" vùng Kaliningrad của Nga nếu Moscow gây nguy hiểm đến an ninh của các nước Baltic.

Cựu tư lệnh NATO kêu gọi vô hiệu hóa huyết mạch Kaliningrad của Nga - 1

Tàu chiến Nga ở vùng Kaliningrad (Ảnh: Reuters).

Trong một bài viết đăng trên Bloomberg hôm 9/5, đúng vào dịp Nga kỷ niệm Ngày chiến thắng, cựu tư lệnh đồng minh tối cao NATO James Stavridis đã nêu quan điểm cho rằng Kaliningrad là mối phiền toái cuối cùng còn sót lại ngăn cản Biển Baltic biến thành "hồ NATO".

"Nhìn lướt qua bản đồ cho thấy điều đó phần lớn (nhưng không hoàn toàn) đúng, đường bờ biển có một vài phần lãnh thổ của Nga. Phần còn lại của vùng duyên hải nằm trong tay NATO: Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Đức và Đan Mạch", đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu viết.

Ông Stavridis ca ngợi cuộc tập trận Chiến dịch Baltic năm ngoái là một minh chứng cho thấy "cách NATO có thể sử dụng lực lượng Biển Baltic của mình trong phạm vi hoạt động hải quân" để gửi "tín hiệu đáng ngại" tới Nga.

"NATO có thể sử dụng hồ Baltic của mình để gây áp lực lên Kaliningrad nhỏ bé, nơi đóng vai trò như một cái nêm địa lý giữa các quốc gia vùng Baltic của NATO - Estonia, Latvia và Lithuania - và phần còn lại của liên minh", ông Stavridis bình luận.

"Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Kaliningrad sẽ cần phải bị vô hiệu hóa để các lực lượng trên bộ của Nga, có khả năng hoạt động thông qua quốc gia đồng minh của Moscow là Belarus, không thể kiểm soát được vùng Suwalki quan trọng", cựu tư lệnh NATO nhận định.

Cựu tư lệnh NATO kêu gọi vô hiệu hóa huyết mạch Kaliningrad của Nga - 2

Vị trí vùng Kaliningrad (Ảnh: TRT).

Kaliningrad là một trong 46 khu vực hành chính của Nga, nhưng nằm tách biệt với các vùng khác của đất nước. Khu vực này từng là một phần của Đức, nhưng sau Thế chiến 2, khi phát xít Đức thua trận, khu vực này trở thành một phần của Liên Xô và ngày nay là Nga.

Theo giới quan sát, Kaliningrad là vùng lãnh thổ của tầm quan trọng to lớn vì được ví như "tàu sân bay không thể chìm" của Nga giữa lòng NATO. Là một căn cứ quân sự, khu vực này có ý nghĩa chiến lược và là khu vực quan trọng với Nga trong việc hình thành khu vực chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2AD) của họ tại khu vực Biển Baltic.

Ngoài ra, Kaliningrad cũng giáp hành lang Suwalki dài 60km, nối Ba Lan với các nước vùng Baltic. Đây được xem là khu vực dễ tổn thương của NATO. Nếu căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, quân đội và khí tài Nga hiện diện hùng hậu giữa lòng liên minh quân sự và sẵn sàng tham chiến. Vì vậy, Kaliningrad còn có khả năng răn đe với NATO.

Trong những năm qua, Nga đã hiện đại hóa và tăng cường lực lượng ở Kaliningrad. Năm 2020, Nga nâng cấp lữ đoàn bảo vệ khu vực này thành sư đoàn.

Một số chuyên gia cho rằng vị trí chiến lược của Kaliningrad khiến khu vực này trở thành mối đe dọa với NATO, nhưng cũng là một điểm yếu đối với Nga. Kaliningrad nằm trong lòng NATO nên nếu xung đột xảy ra, việc liên minh có thể cắt đứt nó với lục địa Nga xảy ra dễ dàng hơn.

Mặt khác, St. Petersburg, một trong những thành phố cảng quan trọng nhất của Nga, được nối với Biển Baltic qua Vịnh Phần Lan, một tuyến đường thủy hẹp giáp với Phần Lan ở phía bắc và Estonia ở phía nam.

Với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, khu vực vịnh Phần Lan sẽ trở thành một nút thắt nếu kịch bản xung đột xảy ra. Khi đó, Nga sẽ bị hạn chế quá trình vận chuyển hàng hải và đối mặt với thách thức khi tiếp tế hoặc củng cố lực lượng tới Kaliningrad bằng đường biển.

Thêm vào đó, sự kiểm soát của NATO đối với eo biển Đan Mạch - nối Biển Baltic với Đại Tây Dương và giáp với Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy - sẽ cho phép liên minh hạn chế hơn nữa các hoạt động của Hạm đội Biển Baltic của Nga.

Theo RT