Câu chuyện giáo dục:

Mảnh vườn của cậu bé 8 tuổi

(Dân trí) - Từ nhỏ, khi vừa bập bẹ biết viết biết đọc, cậu bé đã được người mẹ cho một mảnh vườn sát ngôi nhà đang ở. Trong độ tuổi đó, cậu bé cũng không nghĩ mình là “chủ sở hữu” của mảnh đất ấy.

Khi quyết định cho con mảnh đất, bà mẹ đã nói rất rõ ràng: “Mảnh vườn này là của ba má tích cóp mua được! Ba má cho con nên từ bây giờ nó là của con”. Nói với con nhưng thật ra bà như đang tự khẳng định điều đó với mình vì đứa trẻ chưa mấy quan tâm đến “món quà” này.

Thời điểm đó vào trước năm 1930. Là một thành viên sớm tham gia cách mạng, khi cách mạng sôi sục và cấp bách, người mẹ muốn hiến tài sản để ủng hộ hoạt động đấu tranh vì đất nước.

Hôm đó, bà gọi cậu con trai mới lên 8 của mình và nói chuyện với con như một người đã trưởng thành. Bà chia sẻ với con về thời thế, về đất nước, về cuộc cách mạng đang rất khó khăn cần sự ủng hộ của mọi người dân.

Sau đó, bà mới hỏi ý kiến con: “Con có chấp nhận bán mảnh vườn của mình để giúp sức cho cách mạng không?”.

Cậu bé 8 tuổi ngỡ ngàng nhìn mẹ và trả lời đúng suy nghĩ lứa tuổi: “Mảnh đất đó của má, má muốn làm gì cũng được, đâu cần phải hỏi ý kiến con ạ?”.

Cậu bé nói không sai. Cho dù trước đó bà đã nói cho con nhưng là lời nói với con nít, người mẹ hoàn toàn có thể tự quyết định về mảnh vườn. Nhưng bà không làm như vậy vì rất nhiều lý do.

Bà tôn trọng ý kiến của con từ khi con còn rất nhỏ chứ không áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Bà tôn trọng lời nói, giao kèo của chính mình và cho con thấy điều đó qua cách cư xử.

Điều quan trọng hơn nữa, với cách hành xử đó bà đã truyền cho con lý tưởng sống, mục tiêu mà mỗi người cần hướng đến. Không chỉ sống cho mình mà phải biết đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước.

Qua việc hỏi ý kiến của con, bà còn cho con thấy một đứa trẻ cũng mang trách nhiệm trên mình. Và trách nhiệm đó cần được người lớn ghi nhận và tôn trọng.

Chỉ một năm sau này đó, trong một lần bị thương, người mẹ ra đi. Thời gian bên con ngắn ngủi nhưng bà đã kịp để lại những bài học đáng giá qua nhiều tình huống, giúp con chống chọi với mọi khó khăn trong cuộc sống.

Đó cũng là lý do sau này, cậu con trai của người mẹ ấy rất thành công. Và điều đáng quý hơn, cho dù thành công ở bất cứ nơi nào, cậu vẫn luôn hướng về đất nước bởi từ nhỏ cậu đã biết đến lý tưởng sống không chỉ cho mình mà còn cho đất nước.  

Câu chuyện về mảnh vườn của cậu bé kể trên là một phần tuổi thơ về người mẹ của GS âm nhạc Trần Văn Khê.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Cải cách giáo dục