Lương 10 triệu/tháng có nên cho con học trường mầm non chất lượng cao?
(Dân trí) - Trong "cơn sốt" chọn trường mầm non cho con, các bậc phụ huynh phải "căng não" để giải bài toán môi trường giáo dục chất lượng và sự phù hợp với túi tiền của bố mẹ.
Yêu cầu càng cao, càng chi tiết thì phạm vi lựa chọn trường cho con càng thu hẹp
Chị Vân Ly (32 tuổi, Hà Nội) dành cả năm trời để tìm hiểu, chọn trường cho cậu con trai sắp đến tuổi học mẫu giáo.
Cũng như nhiều vị phụ huynh khác, chị Ly đắn đo giữa các lựa chọn môi trường giáo dục, trong khi mức thu nhập của gia đình không quá dư dả.
Phụ huynh lý giải: "Tôi luôn cho rằng đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư dài hạn và không bao giờ lỗ. Ngoài các vấn đề về danh tiếng trường, học phí, tôi nghĩ rằng giáo dục phụ thuộc nhiều ở yếu tố con người - những nhà giáo truyền tải kiến thức đến học sinh, nên nếu chỉ đong đếm bằng học phí để khẳng định một môi trường học tập tốt hay không là khá khiên cưỡng".
Theo chị Ly, đối với những bậc phụ huynh có mức thu nhập không cao nhưng vẫn cố gắng cho con học tập ở ngôi trường có mức học phí đắt đỏ thì phải chịu sự gồng gánh về kinh tế.
"Nếu phụ huynh cho rằng trường chất lượng cao là nơi con trẻ được chăm sóc tốt (thực đơn dinh dưỡng, cô giáo yêu trẻ, có chương trình học đạt chuẩn) trong một môi trường học tập hàng ngày tốt (trường lớp sạch sẽ an toàn) thì phạm vi lựa chọn sẽ có rất nhiều.
Yêu cầu càng cao, càng chi tiết và tỉ mỉ thì phạm vi lựa chọn càng thu hẹp lại, và tất nhiên để đáp ứng cùng lúc mọi yêu cầu khắt khe thì các ngôi trường "trụ lại" trong danh sách lựa chọn thường có mức học phí không hề dễ thở", chị Ly nói.
Với phụ huynh này, dù lựa chọn ngôi trường như thế nào thì mục đích cuối cùng cũng là giúp con trẻ tìm được môi trường giáo dục tốt nhất, tất nhiên, vẫn phải nằm trong khả năng chi trả của bố mẹ.
"Căng não" chọn trường cho con
Trăn trở về vấn đề môi trường học tập cho con, chị Ly đã đi tham khảo rất nhiều trường mầm non gần nhà.
Trên thực tế, chị nhận thấy các trường mầm non công lập hiện nay hầu như đều nhận trẻ từ trên 2 tuổi, tức là nếu gửi con dưới độ tuổi này thì trường tư thục sẽ là lựa chọn dễ dàng và phù hợp với công việc của bố mẹ hơn.
Theo vị phụ huynh này, các trường mầm non công lập thường có không gian học tập, vui chơi cho các con rất rộng rãi, thoáng mát, trong khi ở các cơ sở tư thục thì những điều kiện trên tùy vào mức học phí.
"Các trường công lập theo chương trình học chuẩn của Bộ GD&ĐT, còn các trường tư sẽ có nhiều lựa chọn về phương pháp học tập hơn. Nhiều trường hiện nay đang áp dụng các phương pháp giáo dục sớm như: Montessori, STEAM, Reggio Emilia,... Hơn thế nữa, không ít trường còn tích hợp các chương trình học bản quyền về vận động, ngôn ngữ và nghệ thuật", chị Ly chia sẻ.
Trong quan điểm của chị, với những cặp vợ chồng trẻ, có thu nhập chưa khá giả thì nên cân nhắc kỹ giữa việc cho con học trường tư thục chất lượng cao hay trường công lập.
"Nếu mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, tức là hai vợ chồng kiếm được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Gia đình có một con nhỏ, không phải trả tiền thuê nhà, không thuê giúp việc thì có thể tìm trường có mức học phí dưới 5 triệu đồng/tháng cho con.
Còn với mức lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng thì việc cho con học trường chất lượng cao sẽ khiến bố mẹ phải gánh nặng tài chính", chị Ly kết luận.
Con học trường chất lượng cao không có nghĩa là được "phục vụ"
Trước ý kiến có những đứa trẻ học trường mầm non chất lượng cao nhưng lại nhận về chất lượng giáo dục thấp, chị Ly bày tỏ: "Chắc chắn đó là nỗi lo chung của nhiều cha mẹ bởi không phải ngôi trường nào cũng thực hiện đúng những gì họ cam kết khi con bắt đầu nhập học.
Ví dụ, con ăn uống không đúng định mức thực đơn hay đến lớp con không được học đúng chương trình, các cô giáo hay cho con xem tivi…
Điều mà phụ huynh lo lắng nhất chính là người trực tiếp chăm sóc trẻ. Nếu có xem tin tức về các vụ bạo hành trẻ tại các cơ sở mầm non thì chắc hẳn mọi người đều hiểu vì sao các bố mẹ lại kỹ tính như vậy khi chọn trường mầm non cho con", chị Ly nói.
Nếu đúng chuẩn là một trường chất lượng cao thì điều mà ngôi trường mang đến cho đứa trẻ không phải sự "phục vụ" mà là "giáo dục" theo tiêu chuẩn cao. Các phương pháp giáo dục sớm có thể cách thức triển khai khác nhau nhưng đều hướng đến sự tự lập, tự giác ở trẻ và chắc chắn một đứa trẻ được yêu thương dạy dỗ đúng đắn sẽ trở nên tự tin chứ không tự cao.
Để có thể đảm bảo chất lượng giáo dục cho con trẻ trong giai đoạn đầu đời, chị Ly đã mày mò thông tin về các phương pháp giáo dục sớm, tìm hiểu các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của các trường mầm non và quan trọng nhất là xem bản thân muốn điều gì nhất cho môi trường học tập của con.
Sau đó, chị lựa chọn và xem xét kỹ càng trước khi quyết định trường cho con theo học.
"Lưu ý là ngoài học phí chính thức thì các trường thường tách riêng tiền ăn, đối với trường tư thục thì còn nhiều khoản khác như phí ghi danh, cơ sở vật chất, học liệu, tham quan...
Sau khi lọc được danh sách mong muốn, tôi bắt đầu tới thăm quan hoặc nếu thuận tiện thì đưa cả con theo cùng để cho bé thử làm quen với cô. Tới tận nơi là chúng ta có thể tận mắt xem cơ sở vật chất của trường.
Các bố mẹ có thể xin phép được thăm quan lớp con sẽ theo học để được gặp trực tiếp cô giáo của con, quan sát cách thức cô trò chuyện và dạy dỗ trẻ. Sau đó, phụ huynh có thể xem thêm chương trình học và thực đơn theo tuần của lớp con để có thêm tiêu chí đánh giá.
Kinh nghiệm của tôi là ngoài giáo viên trực tiếp dạy trẻ thì cán bộ quản lý trường cũng đóng vai trò quan trọng. Vì người quản lý tốt sẽ sát sao để đảm bảo hoạt động của trường luôn giữ chất lượng theo thời gian.
Sau khi tổng hợp tất cả các yếu tố thu thập được thì các bậc phụ huynh có thể lựa chọn một ngôi trường mà mình cảm thấy tốt và phù hợp nhất cho con", phụ huynh trẻ gợi ý.