Lo ngại "bạo lực trắng", trò không kính thầy, bố mẹ phải nịnh con

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Trên lớp trò không sợ thầy, kính thầy, ra đường người già sợ trẻ nhỏ, về nhà cha mẹ phải nịnh con", đại biểu Nguyễn Công Văn lo ngại.

Ngày 6/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường để đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và các giải pháp về tình trạng bạo lực trong lứa tuổi học đường.

Các đại biểu cho rằng, bạo lực học đường hiện diễn ra nhức nhối tại Nghệ An, xảy ra ở nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi khác nhau.

Lo ngại bạo lực trắng, trò không kính thầy, bố mẹ phải nịnh con - 1

Ông Nguyễn Công Văn bày tỏ lo ngại về vấn đề bạo lực học đường, đạo đức của học sinh hiện nay (Ảnh: T.C).

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, từ 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 245 vụ bạo lực học đường. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, thống kê chưa đầy đủ, đã xảy ra 38 vụ bạo lực học đường, với 17 vụ trong nhà trường và 21 vụ ở ngoài nhà trường.

Theo đại biểu Hồ Văn Đàm (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), thực trạng bạo lực trong lứa tuổi học đường đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của trẻ mà còn đe dọa đến an toàn, an ninh trường học.

Đại biểu Đàm lo lắng khi xuất hiện tình trạng "bạo lực trắng" như tẩy chay, gây áp lực tâm lý và bạo lực trên không gian mạng có dấu hiệu gia tăng về số vụ cũng như mức độ. 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng bạo lực trong lứa tuổi học đường, vấn đề về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh cũng như cách giáo dục không phù hợp của phụ huynh.

Lo ngại bạo lực trắng, trò không kính thầy, bố mẹ phải nịnh con - 2

Một vụ bạo lực trong lứa tuổi học đường tại Nghệ An được quay clip và tung lên mạng xã hội (Ảnh cắt từ clip).

"Đã xảy ra tình trạng trên lớp trò không sợ thầy, không kính thầy, ra đường người già sợ trẻ nhỏ, về nhà cha mẹ phải nịnh con", ông Nguyễn Công Văn nói.

Đại biểu Chu Đức Thái (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng, trong thời gian qua bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa học sinh và học sinh mà còn diễn ra giữa giáo viên và học sinh; ranh giới giữa tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh và hành vi được xem là bạo lực rất dễ lẫn lộn dưới góc nhìn khác nhau ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người giáo viên.

Bên cạnh đó, các vụ việc phụ huynh có lời lẽ, hành vi đe dọa giáo viên, đe dọa nhà trường diễn ra cũng rất phức tạp, thậm chí nhiều trường hợp phụ huynh vào tận trường học đánh giáo viên vì có liên quan đến con em của họ. Những điều đó đã làm cho môi trường giáo dục không an toàn, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ cao cả đó "trồng người".

Lo ngại bạo lực trắng, trò không kính thầy, bố mẹ phải nịnh con - 3

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp phòng chống bạo lực học đường (Ảnh: Hoàng Lam).

"Ngành giáo dục có giải pháp gì để nâng cao văn hóa ứng xử của giáo viên để giáo viên không vi phạm các quy tắc ứng xử với học sinh nhưng không làm triệt tiêu sự nhiệt huyết, tinh thần, trách nhiệm của người nhà giáo? Cần những giải pháp gì để tạo cơ chế bảo vệ giáo viên, các cơ sở giáo dục trước hành vi không đúng của một số phụ huynh?", ông Chu Đức Thái đặt câu hỏi đối với ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.

Trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu, ông Thái Văn Thành khẳng định phòng chống bạo lực học đường được ngành GD&ĐT xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, phải tiến hành thường xuyên. Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm hạn chế tối đa các vụ việc bạo lực học đường.

Lo ngại bạo lực trắng, trò không kính thầy, bố mẹ phải nịnh con - 4

Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường tại Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An (Ảnh: Kim Huệ).

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, những tồn tại hạn chế, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, kéo giảm tình trạng bạo lực học đường. Theo ông Thái Văn Thành công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đóng vai trò hết sức quan trọng, hiện đang được ngành giáo dục triển khai bằng nhiều giải pháp, mô hình.

Bên cạnh trách nhiệm của chính các em học sinh, nhà trường và chính quyền địa phương không thể không nhắc tới vai trò của phụ huynh cũng như các thành viên trong gia đình.

"Cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ; phối hợp nhà trường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những diễn biến tâm lý của con và cùng thực hiện các biện pháp giáo dục. Người làm cha, làm mẹ phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống; tích cực học tập để cập nhật và bổ sung thêm các kiến thức và kỹ năng chăm sóc, giáo dục con, đồng hành cùng con", ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.