"Lò luyện thi" đánh giá năng lực: Thổi phồng lên vì mục đích kinh doanh

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo một số chuyên gia, do yếu tố tâm lý, phụ huynh truyền tai nhau về các khóa luyện thi đánh giá năng lực nhưng thực chất việc ôn thi không khác trước là mấy, chỉ là "bình mới rượu cũ".

"Bình mới rượu cũ"

Năm 2021, có 4 ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng với tên gọi khác nhau. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức hai kỳ thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) có kỳ thi kiểm tra năng lực và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi đánh giá tư duy.

Nắm bắt được tâm lý của một số phụ huynh học sinh, nhiều trung tâm luyện thi thay đổi tên của các khóa học ôn thi mặc dù về bản chất không khác biệt so với việc ôn thi truyền thống trước đây.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Vũ Khắc Ngọc, một trong những chuyên gia luyện thi ở Hà Nội cho hay, hiện một số ĐH lớn như ĐHBK và ĐH Quốc gia Hà Nội cam kết không luyện thi cũng như cam kết không liên kết với các trung tâm để luyện thi đánh giá năng lực hay kiểm tra tư duy.

Nếu phân tích kĩ các bài kiểm tra tư duy, đánh giá năng lực của hai đại học này thời gian qua có thể thấy, yêu cầu kiến thức nằm trong chương trình phổ thông mà học sinh đã được học.

Lò luyện thi đánh giá năng lực: Thổi phồng lên vì mục đích kinh doanh - 1

Mục tiêu bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT (Ảnh: ĐHQGHN).

Về nội dung, nếu so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, các bài thi đánh giá năng lực hay kiểm tra tư duy này chỉ có một số khác biệt như: phạm vi kiến thức rộng hơn; cách thức đặt câu hỏi linh hoạt, gắn thêm nhiều yếu tố thực nghiệm, ứng dụng...

Về hình thức, các kỳ thi đánh giá năng lực vẫn trắc nghiệm như kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Vấn đề ở đây, do yếu tố tâm lý bởi tên gọi của kỳ thi có vẻ hơi khác, phụ huynh học sinh nảy sinh ra nhu cầu luyện thi và truyền tai nhau.

Theo lẽ thường, có cầu ắt có cung, các trung tâm luyện thi từ đó điều chỉnh việc ôn thi với các tên gọi mới "luyện thi đánh giá năng lực".

"Họ thổi phồng lên vì mục đích kinh doanh, mặc dù thực chất việc ôn thi ấy không khác biệt quá nhiều so với ôn thi đại học như trước đây và họ chỉ đổi tên khóa ôn để hấp dẫn hơn mà thôi", thầy Ngọc cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, học sinh không nên đặt cược hoàn toàn vào phương thức thi nào đó để có lợi.

Các em cần hiểu, dù thi theo kiểu nào, cũng chỉ là thay đổi hình thức. Một khi có kiến thức, dù thi kiểu nào các em cũng có kết quả tốt.

Giải pháp ở đây cho học sinh phải hướng đến việc học những kiến thức cơ bản nhất, khi nắm vững kiến thức và có năng lực chung, các em chỉ cần dành ra thời gian khoảng vài tuần để làm các bài thi mẫu mà các trường cung cấp có thể hiểu được sự khác biệt của các kỳ thi như: mở rộng kiến thức ở đâu; làm quen với dạng bài…, để điều chỉnh là phù hợp.

Còn nếu tự đặt cược hoàn toàn vào kỳ thi đánh giá năng lực hay kiểm tra tư duy và xem nhẹ các kỳ thi còn lại, sẽ có rủi ro.

Học "tủ" giống mò kim đáy bể

Cũng theo thầy Vũ Khắc Ngọc, trước đây chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức nên học sinh gò mình theo khuôn đấy.

Mặc dù thi trắc nghiệm nhưng đâu đó vẫn có "tủ" và học sinh bị đắm đuối bởi việc học để đối phó với kỳ thi này. 

Tuy nhiên hiện nay, các hình thức thi đa dạng. Tính sơ bộ, ít nhất ở miền Bắc hiện có 3 kiểu thi: Kiểm tra tư duy của ĐHBK Hà Nội; đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội; thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Và nếu tính cả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, hiện có tổng cộng 4 kiểu thi, chưa kể một số phương pháp thi của một số trường khác.

Chính vì vậy, học sinh không nên gò mình để đối phó với bất cứ kỳ thi nào. Các bạn nên quan niệm, có thêm một hình thức thi nghĩa là tăng thêm nhiều cơ hội và các bạn không nên học theo kiểu đối phó.

"Tốt nhất giữ nguyên lộ trình học ôn thi giống như thi tốt nghiệp THPT và hướng đến các năng lực, không bị cuốn vào các bài tủ, các bài mẹo hay công thức bởi với cách thức kiểm tra tư duy hay đánh giá năng lực, việc học "tủ" giống như mò kim đáy bể.

Học sinh kỳ vọng vào các khóa luyện thi này để "trở mình" thì không thể, ngược lại các em bị phân sức do dàn trải quá nhiều, tốn thời gian, công sức và tiền bạc nhưng kém hiệu quả.

Chưa kể, nếu hiện nay một cá nhân nào đó tách ra để luyện riêng môn của mình không bao quát được hết cả đề.

Điều này khác với luyện thi truyền thống, chẳng hạn khối thi có 3 môn, một môn trúng tới 33% như câu chuyện ồn ào của môn Sinh học thì thí sinh đã rất lợi thế.

Trong khi đó, đề thi đánh giá năng lực vào đại học có "phổ" rất rộng, trải đều ở nhiều môn. Nếu luyện toàn bộ các môn thì "bở hơi tai" còn luyện ít, trọng số các môn không lớn", thầy Ngọc khẳng định.

Cũng với góc nhìn trên, thầy Trần Văn Tớp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, có thể khẳng định từ trước đến nay, ĐHBK Hà Nội không tổ chức luyện thi nhưng trường đã công bố mấy chục đề mẫu.

Do đó theo thầy Tớp, học sinh có thể xem các đề mẫu này để tìm hiểu cách thức làm bài.

"Đề thi rất rộng nên học sinh cần tích lũy kiến thức phổ quát, không nên tập trung vào một số bài dạng mẫu.
Người ta thường nói "Văn ôn võ luyện", đơn cử như thi hoa hậu cũng phải luyện huống hồ gì vào đại học nhưng vấn đề luyện thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy vào đại học như thế nào để hiệu quả.

Thầy giáo này cho rằng, nếu việc luyện thi theo kiểu các "lò" luyện tập trung như thi đại học trước đây, rõ ràng không đúng hướng các đề thi mở hiện nay bởi đề thi này rộng hơn, không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn nhiều kiến thức khác.

Vì thế, học sinh cần cân nhắc về mục tiêu cũng như yêu cầu của từng kỳ thi để học tập sao cho hiệu quả, tốt nhất cần nắm rõ kiến thức cơ bản và xem lại các đề mẫu từ những trường ĐH lớn trên đây để bổ sung những điều khác biệt.