Lên tiếng "cha mẹ bớt ảo tưởng" về điểm số, ông bố chấp nhận... bị ghét

Hoài Nam

(Dân trí) - Ông bố đứng giữa cuộc họp, nói: "Bố mẹ hãy tỉnh tảo, bớt ảo tưởng, bớt tự sướng về điểm số của con" chấp nhận việc đi ngược này có thể bị ghét.

Chấp nhận bị ghét

Giữa niềm vui hân hoan khi học sinh giỏi tràn ngập vào cuối năm học, sự "phản pháo" của anh P.T., có con học cấp 2 ở Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của nhiều người. 

Trong buổi họp cuối năm hôm ấy, bố mẹ và giáo viên phấn chấn, vỗ tay trước kết quả học tập hơn nửa lớp là học sinh giỏi, xuất sắc. Ở cuối góc lớp, anh T. đứng dậy, xin nêu ý kiến về "tỷ lệ học sinh giỏi lớp ta".

Lên tiếng cha mẹ bớt ảo tưởng về điểm số, ông bố chấp nhận... bị ghét - 1

Ông bố ở Đà Nẵng "phản pháo" trước tỷ lệ học sinh loại giỏi, xuất sắc cao chót vót (Ảnh minh họa: L.L).

Sau khi phản pháo con số học sinh giỏi áp đảo mà theo anh T. là không bình thường, ông bố này nhắn nhủ: "Phụ huynh cần tỉnh táo, bớt ảo tưởng, đừng tự sướng về điểm số của con". 

Ý kiến của anh T. thật ra không mới. Vấn nạn bệnh thành tích, nhìn đâu cũng thấy học sinh giỏi, xuất sắc đã được nhắc đi nhắc lại lâu nay. Nhìn vào năng lực của con, người còn không hiểu nổi vì sao con mình lại... giỏi. 

Chúng ta dễ dàng nghe trên báo chí, trên mạng xã hội một ai đó nói về bệnh thành tích, về điểm số ảo. Nhưng phải nói, đây là lần đầu tiên có một phụ huynh "phản pháo" ngay trước lớp về tỷ lệ học sinh loại giỏi cao chót vót, về tình trạng học sinh muốn giỏi cứ đến lớp học thêm của chính giáo viên trên lớp. 

Chia sẻ với PV Dân trí, ông bố ở Đà Nẵng cho hay, anh biết rõ khi lên tiếng như vậy sẽ gây khó chịu cho nhiều người, thậm chí bị ghét. Anh cũng không mong có thể thay đổi được ai, chỉ hy vọng mọi người nhìn thực tế vào năng lực của con em mình, nhìn vào thực tế vì sao con mình xếp loại giỏi. 

Có thể nói, anh T. là người đi ngược với đám đông khi phản ứng trước tỷ lệ học sinh giỏi áp đảo. "Vấn nạn" thành tích lâu nay nhiều người biết nhưng hầu hết phụ huynh vẫn tưng bừng, hân hoan, sung sướng với điểm số, thành tích của con. 

Những ông bố đi ngược, bị nói "khùng quá"...

Trong lĩnh vực giáo dục, đã có những ông bố... đi ngược như anh T., dám nhìn thẳng vào thực tế, dám lên tiếng về điều nhiều người nghĩ nhưng không dám nói. 

Cách đây không lâu, tại TPHCM, khi phụ huynh tưng bừng với kết quả học tập của con, anh Nguyễn Văn Mạnh lên gặp giáo viên xin cho con mình được làm... người bình thường. 

Lên tiếng cha mẹ bớt ảo tưởng về điểm số, ông bố chấp nhận... bị ghét - 2

Tại TPHCM chỉ có hơn 8% học sinh lớp 12 xếp loại trung bình, còn lại là khá, giỏi, xuất sắc (Ảnh minh họa: Hải Long).

Là người sâu sát với con, anh hiểu rõ con mình có lợi thế về vận động, có niềm đam mê đặc biệt về thể thao. Về học tập, con chỉ nghiêng một chút về các môn tự nhiên nhưng không phải là ưu thế và cũng không đam mê. 

Gia đình luôn ngỡ ngàng và hoang mang khi hàng năm, con có điểm tổng kết cao ngất ngưởng và xếp loại giỏi. Anh và cháu tự chấm cho năng lực chỉ ở mức trung bình hoặc cố gắng lắm thì lên được đến loại khá. 

Khi biết anh đi xin cho con... được xếp loại trung bình, nhiều người nói anh "khùng" vì phụ huynh còn xin nâng điểm cho con không được. Anh Mạnh nói rõ quan điểm, vì thương con nên tha thiết mong con được đánh giá đúng với năng lực.

Anh Mạnh quan niệm, con cái chúng ta là người bình thường. Chỉ có một số ít, rất ít là người giỏi vượt trội trong những lĩnh vực nhất định, kể cả lĩnh vực học thuật. 

Nhưng giờ đây, chúng ta chứng kiến một điều kỳ lạ là học sinh đa phần là loại giỏi, xuất sắc hoặc chí ít là được loại khá. Xếp loại trung bình - lẽ ra phải chiếm tỷ lệ cao nhất - lại trở thành của hiếm. 

Lên tiếng cha mẹ bớt ảo tưởng về điểm số, ông bố chấp nhận... bị ghét - 3

Anh Võ Quốc Bình, ông bố từng gửi lên Chính phủ kiến nghị giải tán Hội Phụ huynh (Ảnh: H.K.C).

Ông bố "đi ngược" khác trong giáo dục được nhắc đến là anh Võ Quốc Bình, phụ huynh ở TPHCM với đáp trả "Không đồng ý" vào tờ đơn của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp với nội dung đề xuất đóng tiền lót sàn lớp khi cho rằng "Hội phụ huynh chứ không phải là hội phụ thu học sinh hay hội họa sĩ". 

Chưa hết, sau đó ông bố này gây xôn xao khi gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học. 

Theo anh Bình, hàng năm ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể, không cớ gì động đến đâu cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp dựa vào chữ "tự nguyện". Cái "tự nguyện" này hài hước ở chỗ mang tính hô hào, răn đe, chèn ép nắm được tâm lý của đại đa số phụ huynh vì sĩ diện mà "bấm bụng", sợ con thiệt thòi, sợ bị phân biệt nên làm theo đám đông cho xong chuyện.

Đối với vấn đề tiền trường, phụ huynh vẫn thường ức chế, khó chịu nhưng ít ai dám lên tiếng từ chối hay thẳng thắn như anh Bình. Dù rằng, sau đó nghe nhiều phản ứng trái chiều, có người nói "khùng vừa thôi" nhưng anh Bình chưa bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. 

Trước lo ngại liệu sự việc có ảnh hưởng đến con, anh Bình đáp: "Tôi không tin ai đó làm khó một đứa trẻ chỉ vì bố nó nói lên tiếng nói của mình". Và thực tế sau đó đã chứng minh đúng như niềm tin của anh. 

Nói về những ông bố "đi ngược" này, một nhà giáo dục trẻ em ở TPHCM cho hay việc thẳng thắn nêu quan điểm, ý kiến đóng cởi mở, văn minh của các ông bố về những điều bất ổn, chưa hợp lý trong giáo dục là sự dũng cảm cần khuyến khích. Đây có thể xem như là những liều thuốc để mỗi người nhìn lại vì trước giờ, mọi người ai cũng thấy "có bệnh" nhưng mặc kệ.

Lên tiếng cha mẹ bớt ảo tưởng về điểm số, ông bố chấp nhận... bị ghét - 4

Người bố có vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề giáo dục con cái (Ảnh minh họa: H.N).

Ngoài ra, theo bà việc các ông bố quan tâm đến giáo dục con, đến trường học là những tín hiệu vui. Bởi lâu nay những việc dạy con thường được phó mặc cho các bà mẹ. 

"Hình ảnh của các ông bố quan tâm đến nuôi dạy con sẽ đưa đến những hình mẫu cân bằng về giới tính cho trẻ, đưa đến những góc nhìn mới mẻ trong các vấn đề giáo dục. Vai trò của người bố trong giáo dục con cực kỳ quan trọng!", nhà giáo dục này nhấn mạnh.