Không nên phân biệt công - tư trong việc mở trường mầm non

Ngày 28/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non.

Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay đã có 39 văn bản của TƯ và Hà Nội để ngành giáo dục thực hiện tốt chính sách giáo dục mầm non. Những thành công điển hình là mạng lưới các trường mầm non công lập đã được phân bố khá đều khắp ở 29 quận, huyện, thị xã. Đến nay, các đơn vị cơ bản đã thực hiện việc chi trả chế độ lương cho giáo viên ngoài biên chế tương đương với mức thu nhập của giáo viên trong biên chế. Tháng 12-2013, Hà Nội đã trở thành một trong 10 địa phương đầu tiên của cả nước đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về trước kế hoạch của thành phố 1 năm, của Bộ GD-ĐT 2 năm. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, Thông tư liên tịch số 71 được Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ ban hành năm 2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập có nhiều điểm bất cập, chưa quan tâm đến chế độ hỗ trợ cho cô nuôi trẻ (nhân viên cấp dưỡng), khiến lực lượng này không yên tâm công tác. Vì vậy, cần bổ sung định biên; nâng lương; chuyển từ ký hợp đồng ngắn hạn sang dài hạn cho cô nuôi. Đặc biệt, trong điều kiện dân số tăng, số trường mầm non hoạt động chưa đáp ứng đủ nhu cầu như hiện nay, không nên phân biệt công - tư trong việc mở trường. Đang có tình trạng mở trường công lập thì được hỗ trợ nhiều mặt còn ngược lại.

Đoàn giám sát đã ghi nhận, ủng hộ các đề xuất nêu trên của Hà Nội và khẳng định sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.
 
Theo Hà Phong
Hà Nội Mới