Sóc Trăng:

Học sinh trường huyện sáng tạo Robot hỗ trợ phòng dịch "3 trong một"

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát, để góp phần vào cuộc phòng, chống dịch, một nhóm học sinh trường huyện ở Sóc Trăng đã nghiên cứu thiết bị "Robot hỗ trợ vệ sinh, sát khuẩn và đề phòng dịch bệnh Covid-19".

Em Đoàn Anh Tuấn (học sinh trường THPT Trần Văn Bảy, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, khi thấy dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp nên Tuấn và các bạn đã nghiên cứu ra "Robot hỗ trợ vệ sinh, sát khuẩn và đề phòng dịch bệnh Covid-19".

Đề tài này do Tuấn cùng 2 người bạn là Nguyễn Quốc Anh và Trịnh Khánh Đức (đều là học sinh lớp 12, trường THPT Trần Văn Bảy) đồng tác giả.

Học sinh trường huyện sáng tạo Robot hỗ trợ phòng dịch 3 trong một  - 1

Nhóm tác giả thiết bị: Đoàn Anh Tuấn (giữa), Nguyễn Quốc Anh (phải) và Trịnh Khánh Đức.

Em Đoàn Anh Tuấn cho biết, thiết bị này gồm phần chân cố định máy, khu vực cảm biến, các vòi phun giúp đưa xà phòng và nước ra bên ngoài, máy sấy làm khô tay sau khi sử dụng, loa thông báo, trục đo thân nhiệt…

Về nguyên lý làm việc của thiết bị, tất cả các linh kiện trong máy đều được nhóm lập trình tự động. Khi phát hiện đối tượng sử dụng, robot sẽ phát ra thông báo và hướng dẫn cách đặt tay lấy xà phòng, xả lại với nước và sấy khô, bộ phận vệ sinh tay sẽ được tích hợp cảm biến, khi có tay người đưa vào cảm biến nhận được thông tin từ đó kích hoạt chạy mạch.

Trong khoảng thời gian mạch vệ sinh tay hoạt động, bộ phận trục đo thân nhiệt sẽ được kích hoạt dựa trên cảm biến nhận được từ đó điều chỉnh sao cho phù hợp với chiều cao người dùng, người dùng sẽ áp trán vào cảm biến thân nhiệt, kết quả thân nhiệt đo được sẽ được xuất trực tiếp ra màn hình gắn trên phần trục.

Học sinh trường huyện sáng tạo Robot hỗ trợ phòng dịch 3 trong một  - 2

Bộ phận đo thân nhiệt.

Học sinh trường huyện sáng tạo Robot hỗ trợ phòng dịch 3 trong một  - 3

Bộ phận rửa tay.

"Thiết bị giúp tăng cường hiệu quả trong việc vệ sinh, sát khuẩn tay, thu hút được người sử dụng thông qua các tính năng thông minh của máy. Tránh được việc tiếp xúc gần mà vẫn đảm bảo được việc kiểm tra thân nhiệt cũng như khử khuẩn tay, góp phần đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh", em Đoàn Anh Tuấn chia sẻ.

Thầy Phạm Tuấn Thanh, người hỗ trợ các em khi nghiên cứu đề tài, cho biết quy trình làm việc của máy diễn ra tương đối nhanh chóng và thuận lợi. Kết quả thử nghiệm được các em thực hiện trong một tháng liên tục và mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

Học sinh trường huyện sáng tạo Robot hỗ trợ phòng dịch 3 trong một  - 4

Các em học sinh và thầy hướng dẫn.

Em Nguyễn Quốc Anh nói: "Với mục tiêu hiện thực hóa ý tưởng, nghiên cứu và tạo ra một sáng kiến hỗ trợ cộng đồng, đến nay mục tiêu đó của em và các bạn đã hoàn thành và hiệu quả đạt được ngoài mong đợi.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn cải thiện sản phẩm theo hướng thông minh hơn nữa, tích hợp nhiều tính năng mới hơn như tính toán đến yếu tố tự di chuyển của robot, khả năng tự nạp năng lượng, khả năng định vị để cảnh báo khu vực có người từng bị nhiễm Covid-19 đi qua… nhằm tạo ra một sản phẩm hoàn thiện nhất để phục vụ cộng đồng".

Nhận xét về đề tài của nhóm học sinh trường THPT Trần Văn Bảy, ông Hứa Chu Khem, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Sóc Trăng, cho biết: Giải pháp của các em đáp ứng tính mới, sáng tạo do tích hợp đồng bộ tự động: đo nhiệt độ tự động theo chiều cao từng người, tích hợp rửa tay sát khuẩn với xà phòng, có thể kết nối cung cấp nước, thoát nước thải với hệ thống chung.

"Sản phẩm của các em có hiệu quả rất tốt, giúp đo nhiệt độ người sử dụng, cung cấp xà phòng và rửa tay (giúp sát khuẩn) trong giai đoạn dịch covid 19 hiện nay. Hệ thống hoạt động thông minh, đầu tư rẻ tiền, nhẹ nhàng dễ di chuyển", ông Khem đánh giá.

Thầy Lê Tuấn Mãi, Hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Bảy cho biết, các em trong nhóm nghiên cứu đều là những học sinh giỏi của nhà trường, có em đạt giải cấp tỉnh.

Để có đề tài và hoàn thành sản phẩm, các em rất tâm huyết, dành nhiều thời gian, có không ít ngày làm từ 8h sáng đến 23h đêm. Sự nỗ lực của các em đã mang lại "quả ngọt" như hiện nay.