Hà Nội:
Hỗ trợ giáo viên tư thục nghỉ việc không lương vì Covid 1,5 triệu đồng
(Dân trí) - Theo quy định hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của TP Hà Nội, giáo viên ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nghỉ việc không lương được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Hà Nội vừa quyết định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có cán bộ, giáo viên tư thục.
Cụ thể, đối tượng được TP Hà Nội hỗ trợ gồm cán bộ, người lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định 23/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Người được hỗ trợ đồng thời đảm bảo các điều kiện gồm: Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (tính từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021). Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người.
Hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 do cơ sở giáo dục ngừng hoạt động để chống dịch Covid-19 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng) và không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ cho các đối tượng này là 1,5 triệu đồng/người.
Ngoài hỗ trợ cán bộ, giáo viên, Hà Nội cũng hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động có trụ sở chính tại địa bàn thành phố phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ 1/5 đến 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch. Đối tượng này được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Nguyên tắc, mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giáo viên mầm non ở các cơ sở tư thục trên địa bàn Hà Nội phải nghỉ việc không lương. Nhiều người phải đi bán hàng, làm giúp việc, đánh máy thuê…, xoay đủ nghề kiếm sống lay lắt, chờ dịch ổn định để học sinh quay trở lại trường.
Không chỉ giáo viên, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục cũng phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đây là những đơn vị tự chủ tài chính nên khi phải dừng hoạt động đồng nghĩa với không có nguồn thu. Dù vậy, họ vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng hàng tháng và hỗ trợ tiền cho các giáo viên, nhân viên trường.
Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên năm ngoái, hẳn 3 tháng không thu học phí, nhà trường thiệt hại gần 50 tỷ đồng.
Đồng thời, nhà trường phải vay ngân hàng và của cha mẹ học sinh để trả lương cho giáo viên trong những tháng nghỉ dịch.
Cũng do 3 tháng nghỉ dịch ở năm ngoái, hệ thống giáo dục Lô mô nô xốp cũng phải vay của cổ đông để trả lương cho giáo viên nên rất khó khăn.
Theo Trưởng phòng Giáo dục mầm non- Sở GD-ĐT Hà Nội, các cơ sở giáo dục tư thục rất khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động.
Sau khi nghỉ chống dịch, nhiều trường làm mọi cách để níu chân giáo viên như: tặng gạo, mì chính, hỗ trợ tiền nhưng cũng có đơn vị không còn sức để níu giữ.
Ngoài ra, công đoàn ngành giáo dục của Sở GD-ĐT, các Phòng Giáo dục cũng có chính sách thăm hỏi, hỗ trợ giáo viên đặc biệt khó khăn nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều nhóm lớp, trường tư thục không thể duy trì hoạt động.