DMagazine

Hậu kiểm luận án cầu lông: Tất cả đều làm đúng quy trình, kết luận thế nào?

(Dân trí) - Hậu kiểm là một phần trong quy trình quản lý đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Nhưng hậu kiểm có thật sự hiệu quả không? khi tất cả đều làm đúng quy trình.

Hậu kiểm luận án "cầu lông": Tất cả đều làm đúng quy trình, kết luận thế nào?

Từ sự việc về luận án "tiến sĩ cầu lông", trả lời phỏng vấn báo chí, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết sẽ tiến hành thẩm định đúng quy chế hiện hành với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu tìm thêm, chắc chắn còn nhiều luận án giống với luận án "tiến sĩ cầu lông". Nếu không xác định được nguyên nhân của hiện tượng này, không đưa ra những biện pháp đúng, thì những câu chuyện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, làm mất lòng tin của xã hội đối với bằng cấp nước ta.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học để có nhìn nhận toàn diện hơn về vấn đề này.

Không công bằng nếu chỉ hậu kiểm những luận án "cầu lông"

Thưa Giáo sư, sau vụ luận án tiến sĩ "phát triển cầu lông" khiến giới học thuật và dư luận xôn xao, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận. Ông đánh giá việc này có khả thi hay không? Có chăng luận án "cầu lông" sẽ bị hủy bỏ dù trước đó chưa từng có tiền lệ?

- Hậu kiểm là một phần trong quy trình quản lý đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Nhưng hậu kiểm có thật sự hiệu quả không? Thời kỳ Viện Hàn lâm khoa học xã hội đào tạo, gần như mỗi ngày một tiến sĩ, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã thanh tra và kết luận có nhiều sai phạm, nhưng không có tiến sĩ nào bị rút bằng, không có cơ sở nào bị đình chỉ đào tạo. Tất cả đều làm đúng quy trình.

Hậu kiểm luận án cầu lông: Tất cả đều làm đúng quy trình, kết luận thế nào? - 1

GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học (Ảnh: Lê Văn).

Nếu chỉ hậu kiểm những luận án cầu lông thôi thì không công bằng. Bộ sẽ xử lý thế nào với hàng chục luận án cắt dán kiểu "Đảng bộ tỉnh X lãnh đạo công tác A" hay "Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội", tội còn nặng hơn vì vi phạm liêm chính khoa học?

Nếu Bộ rà soát danh sách luận án tiến sĩ ở tất cả các cơ sở đào tạo thì chắc còn có hàng trăm luận án kiểu này nữa. Quy trình kiểm định chỉ một luận án thôi cũng kéo dài hàng tháng với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong cùng lĩnh vực. Các chuyên gia thẩm định với hội đồng bảo vệ luận án đều quen biết nhau thì kết luận thế nào đây?

Nếu hậu kiểm không nghiêm túc và không công bằng thì dư luận sẽ tiếp tục "dậy sóng". Không rõ Bộ Giáo dục Đào tạo đã nghĩ đến tất cả hậu quả chưa nếu Bộ xử lý chuyện này theo kiểu đối phó.

Cách giải quyết tốt nhất là Bộ nên tham vấn ý kiến các nhà khoa học để có thể đưa ra những biện pháp giải quyết được gốc rễ vấn đề. Năm 2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng chỉ thị Bộ Giáo dục & Đào tạo làm điều này khi ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới.

Phải nâng dần trình độ tiến sĩ lên theo các chuẩn mực quốc tế

Trong vụ việc "luận án cầu lông" này, theo Giáo sư, lỗi do đâu? Có phải ở nghiên cứu sinh và hội đồng đánh giá?

- Nếu nghiên cứu sinh là giảng viên thì việc làm tiến sĩ hoàn toàn chính đáng. Nếu cơ quan họ làm việc có quy chuẩn tiến sĩ để được đề bạt thăng chức thì việc họ làm tiến sĩ cũng là chính đáng. Vấn đề ở đây là luận án của họ có xứng tầm với học vị tiến sĩ không?

Nếu luận án không xứng tầm thì đó là lỗi của người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ. Nhưng nếu hội đồng bảo vệ thông qua luận án và mọi việc đều đúng theo quy trình thì rất khó kết luận họ sai vì mọi thứ đều tuân thủ theo đúng quy chế. Có thể người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ cũng không xứng tầm, cho rằng luận án tiến sĩ như vậy thỏa mãn các yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Qua đây có thể kết luận, chuẩn đầu ra của Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có vấn đề.

Hậu kiểm luận án cầu lông: Tất cả đều làm đúng quy trình, kết luận thế nào? - 2
Nếu hậu kiểm không nghiêm túc và không công bằng thì dư luận sẽ tiếp tục "dậy sóng".
GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học

Vậy làm thế nào để có thể nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ, thưa Giáo sư?

- Trên thực tế, chất lượng tiến sĩ hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ của nền khoa học từ người hướng dẫn đến hội đồng bảo vệ và những nhà quản lý. Vấn đề là phải nâng dần trình độ tiến sĩ lên theo các chuẩn mực quốc tế để tránh suy thoái sau vài thế hệ đào tạo với chuẩn mực thấp.

Ở rất nhiều nước, kể cả ở một số nước phát triển, họ quy định luận án tiến sĩ phải có công bố trong những tạp chí quốc tế có uy tín để có sự kiểm định khách quan. Với nền khoa học còn kém phát triển, Việt Nam dứt khoát phải có một định chế tương tự.

Năm 2017, sau vụ lùm xùm về đào tạo đại trà tiến sĩ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ra quy chế đào tạo tiến sĩ quy định luận án tiến sĩ phải có ít nhất một công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín và một công bố trong nước.

Ngoài ra, người hướng dẫn luận án tiến sĩ cũng phải có công bố quốc tế. Quy định phong chức danh phó giáo sư và giáo sư năm 2018 cũng yêu cầu các ứng viên phải có công bố quốc tế để đảm bảo trình độ học hàm. Những văn bản này đã thực sự nâng tầm hệ thống giáo dục nước ta theo các chuẩn mực quốc tế.

Mặc dù Quy chế 2017 chỉ áp dụng cho các nghiên cứu sinh tuyển vào từ năm 2017 tốt nghiệp sớm nhất vào cuối năm 2020, nhưng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới năm 2021 với lý do Quy chế 2017 "thắt chặt đào tạo tiến sĩ" và "bối cảnh đã thay đổi".

Quy chế 2021 không yêu cầu bắt buộc luận án và người hướng dẫn có công bố quốc tế mà chỉ cần có công bố trên các tạp chí thuộc loại trung bình trong nước, thấp hơn cả tiêu chuẩn đầu ra của quy chế trước năm 2017 yêu cầu có công bố trên các tạp chí đầu ngành trong nước là thời kỳ có những lùm xùm ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội.

Cả nước ta có khoảng 250 tạp chí thuộc loại trung bình. Phần lớn tạp chí loại trung bình trong nước có ban biên tập yếu kém, quản lý lỏng lẻo. Nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng tác động vào quá trình xét duyệt đăng bài trong nước, tạo kẽ hở cho việc ra đời các "tiến sĩ rởm".

Hậu kiểm luận án cầu lông: Tất cả đều làm đúng quy trình, kết luận thế nào? - 3

Một số tên luận án mà diễn đàn Liêm chính khoa học đưa lên và đặt câu hỏi: Luận án tiến sĩ hay báo cáo tình hình kinh tế xã hội của các địa phương? (Ảnh: chụp màn hình).

Giáo sư có thể phân tích kỹ hơn về mặt hạn chế Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 dẫn tới việc sản sinh ngày càng nhiều những "tiến sĩ giấy"?

- Khi ban hành quy chế Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021, Bộ Giáo dục & Đào tạo giải thích chỉ "đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành" theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Có rất nhiều điều kỳ lạ trong Quy chế 2021. Ví dụ như Quy chế 2021 được áp dụng cho cả các nghiên cứu sinh tuyển trước đó, tức là loại bỏ hoàn toàn Quy chế 2017. Tất cả đều có vẻ nhằm mục đích cho sự hồi sinh các lò ấp tiến sĩ nhân danh tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy ngay lập tức, một số cơ sở đào tạo hàng đầu của đất nước lại cho ra lò các luận án với chất lượng thấp như dư luận phản ánh trong thời gian gần đây.

Bộ Giáo dục & Đào tạo cần sửa đổi lại Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021!

Trên thực tế, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ quy chế tự chủ đào tạo tiến sĩ vì đã giúp các cơ sở đào tạo được quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường mình, lĩnh vực và ngành của mình. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có tác dụng thanh lọc các cơ sở yếu kém trong đào tạo tiến sĩ giống như trong đào tạo đại học.

Để thấy điều này, chúng ta quay lại thời kỳ các đại học tư nhân ra đời như nấm. Khi đó, sinh viên tốt nghiệp chủ yếu đi làm trong các cơ quan hay các doanh nghiệp nhà nước. Những nơi này không quan tâm đến năng lực thực sự của nhân viên, không làm được việc cũng khó sa thải. Vì vậy, cái bằng mới quan trọng, chứ không phải kiến thức. Nhiều đại học tư chỉ cần dạy học qua loa là kiếm bội tiền.

Hơn chục năm sau thì những đại học tư kiểu này sống lắt lay vì không thu hút được sinh viên nữa. Nguyên nhân nằm ở chỗ các doanh nghiệp tư nhân dần đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Họ tuyển người theo năng lực chứ không theo bằng. Ai không làm được việc sẽ bị sa thải. Qua đó, xã hội biết được sinh viên đại học nào tốt, đại học nào kém.

Tình hình trong việc sử dụng nhân lực có bằng tiến sĩ lại hoàn toàn khác. Chỉ có các cơ quan Nhà nước hay các cơ sở giáo dục và đào tạo mới cần đến bằng cấp tiến sĩ, được chắp cánh bởi quy định chuẩn hóa các vị trí công tác. Phần lớn các cơ quan này chỉ để ý đến cái bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của các tiến sĩ. Vì vậy, nghiên cứu sinh sẽ tìm đến những cơ sở đào tạo "dễ dãi" mà tránh những cơ sở nghiêm túc.

Vậy theo giáo sư, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần làm gì để khắc phục ngay tình trạng này?

- Bộ Giáo dục & Đào tạo cần sửa đổi lại Quy chế 2021 theo hướng nâng cao các chuẩn đầu ra, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Hậu kiểm các luận án tiến sĩ chỉ là biện pháp chữa cháy, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cái chính là phải có cơ chế đảm bảo chất lượng tiến sĩ một cách khách quan thông qua yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín.

Cũng cần chú ý rằng, tạp chí quốc tế có uy tín ở đây cũng bao gồm các tạp chí trong nước được xếp hạng trong danh mục tạp chí có chất lượng mà quốc tế thừa nhận.  

Có người sẽ thắc mắc tạp chí quốc tế cũng có thể mua được. Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ cần loại bỏ các tạp chí phải bỏ tiền ra để đăng sẽ loại bỏ được hiện tượng mua bài. Bất kỳ chuyên ngành nào cũng có những tạp chí nghiêm túc, không bắt tác giả phải trả tiền khi đăng bài.

Tất nhiên, công bố quốc tế không thể áp dụng cho tất cả các ngành khi mà một số ngành chưa có công bố quốc tế ngay được. Lúc đầu, có thể yêu cầu luận án thuộc những ngành này phải có công bố trong tạp chí quốc gia có uy tín, sau vài năm chuyển sang các tạp chí quốc tế có uy tín. Quy chế phải có lộ trình để chất lượng tiến sĩ trong mọi ngành tiệm cận dần với nền khoa học thế giới.

Trân trọng cám ơn Giáo sư!