Hà Nội: Nhiều nhà giáo đề xuất khoanh vùng để học sinh trở lại trường

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo một số nhà giáo, nên khoanh vùng "xanh, đỏ, vàng" để học sinh một số địa phương của Hà Nội có thể học trực tiếp ở trường- nhất là lớp đầu cấp, thay vì nghỉ "đồng phục" cả thành phố như hiện nay.

"Vùng xanh" mong muốn học sinh đến trường

Ngày 20/9, thông tin với báo chí về tình hình chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian tới, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, sẽ cho học sinh trở lại trường vào tháng 11 sau khi tiêm phủ mũi 2 vắc xin cho người dân.

Điều này gây tranh cãi trong dư luận bởi lẽ hiện nay, Hà Nội có nhiều "vùng xanh" khống chế dịch tốt, rất lâu chưa có ca F0. Nếu tất cả các địa phương "đồng phục" nghỉ học đến tháng 11 sẽ thiệt thòi cho học sinh.

Chia sẻ với PV Dân trí sáng 22/9, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì cho biết, từ rất lâu địa phương này không có ca F0. Hiện tại học sinh ở đây đang học trực tuyến nhưng nếu có thể, ông muốn đề xuất cho các em trở lại trường học.

"Hiện Ba Vì có hơn 60.000 học sinh ở cả 3 cấp. Học sinh ở xã nào chủ yếu học tập trung ở xã đó, không phải đi chéo xã.

Hà Nội: Nhiều nhà giáo đề xuất khoanh vùng để học sinh trở lại trường - 1

Nếu tất cả các địa phương, trong đó có "vùng xanh" nghỉ học đến tháng 11 sẽ thiệt thòi cho học sinh (Ảnh: M. Hà). 

Thông qua Báo Dân trí và một số đơn vị xã hội hóa, đã trao tổng cộng cho huyện Ba Vì hơn 500 máy tính, Ipad và một ít điện thoại, đáp ứng cơ bản việc học trực tuyến trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu "vùng xanh" được cho học sinh trở lại trường sẽ rất tốt, nhất là với học sinh đầu cấp", ông Oanh nói.

Đồng quan điểm trên đây, cô Trần Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn cũng mong muốn đề xuất cho học sinh địa phương mình đến trường trực tiếp bởi nếu kéo dài thời gian nghỉ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là học sinh lớp 1 và học sinh áp dụng Chương trình SGK mới lớp 2, lớp 6.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai cho biết, địa phương có khoảng 34.000 học sinh phổ thông.

Ông cũng mong muốn cho học sinh đi học trực tiếp theo phương thức dần dần từng khối lớp, trong đó ưu tiên lớp 1,2,6, 9,12.

"Nếu được lãnh đạo quyết định cho học sinh một số lớp đi học trở lại, chắc chắn các trường phải tuân thủ biện pháp an toàn phòng chống dịch", ông Thắng khẳng định.

Linh hoạt theo từng vùng

Trước thông tin chuẩn bị trở lại trường học, cách đây vài ngày, Trường liên cấp Lô mô nô xốp đã tiến hành một cuộc khảo sát với 2.530 học sinh trên toàn trường.

Có 2.190 phụ huynh phản hồi, trong đó có 62% đồng ý cho học sinh đi học trở lại, 32,4% phụ huynh còn băn khoăn và 5,4% chưa muốn cho học sinh đi học trở lại trong thời điểm này.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với 32,4% phụ huynh học sinh còn băn khoăn việc quay trở lại trường học, nghĩa là các gia đình vẫn chưa yên tâm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hà Nội: Nhiều nhà giáo đề xuất khoanh vùng để học sinh trở lại trường - 2

Nên để địa phương chủ động đề xuất phương án học tập linh hoạt phù hợp với tình hình. 

Thứ hai, ở địa bàn các quận huyện nội thành của Hà Nội, học sinh mỗi trường không thể ở cùng một vùng, kể cả trường công lập.

Thậm chí học sinh trong một lớp có thể ở cách nhau chỉ một con đường, em ở "vùng xanh" nhưng em "vùng đỏ", vì vậy rất khó tổ chức lớp. Do đó, UBND TP Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng đến tháng 11 mới cho học sinh đến trường nếu tiêm phủ 2 mũi vắc xin cho người dân là hoàn toàn có lý. 

"Đối với một số "vùng xanh", ít học sinh liên xã, tôi cho rằng, Sở GD-ĐT nên cho các Phòng giáo dục căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương để đề xuất phương án phù hợp.

Điều các trường lo lắng nhất hiện nay là việc kiểm tra giữa kỳ và hết học kỳ. Nếu áp dụng phương thức kiểm tra trực tuyến thì sợ không trung thực", ông Tùng nói.

Về điều này, cô Huế, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn cho hay, địa bàn Sóc Sơn hiện có 85.000 học sinh. Toàn huyện đã áp dụng hình thức học trực tuyến. Mặc dù các nhà trường rất cố gắng nhưng chắc chắn không thể hiệu quả bằng học trực tiếp, chỉ được khoảng 50-60% so với học trực tiếp vì còn liên quan đến đường truyền, máy móc.

"Học trực tuyến dài ngày ảnh hưởng tác phong, tư thế, ý thức của học sinh. Đặc biệt, với các học sinh đầu cấp như lớp 1, thầy cô phải nắn từng nét bút. Học sinh các lớp 2, lớp 6 phải áp dụng Chương trình SGK mới rất cần hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên.

Với tình hình dịch chưa biết kéo dài đến bao giờ, mỗi ngày nội thành lác đác vài ba ca F0 như hiện nay nhưng yêu cầu toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học ở nhà sẽ thiệt thòi và đáng tiếc cho các em", cô Huế cho hay.

Cũng theo cô Huế, ngay từ đầu năm học, địa phương này đã có 3 kịch bản học tập khi áp dụng chỉ thị 15/CT-TTg, chỉ thị 16/CT-TTg và khi hết dịch. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng phương án, đảm bảo giãn cách và phòng chống dịch.

Do đó, quan điểm của Trưởng phòng GD-ĐT Sóc Sơn, sẽ rất hợp tình hợp lý nếu các lớp 1,2,6,9,12 đi học trước. Các lớp sẽ chia đôi học hai ca sáng- chiều để đảm bảo giãn cách.