GS. Trần Ngọc Thêm: Giáo dục “nhiễm” bệnh sĩ diện, háo danh của người Việt

(Dân trí) - Theo GS. Trần Ngọc Thêm, mục tiêu trên thực tế của giáo dục phổ thông Việt Nam lâu nay rất phức tạp, bởi lẽ bị chi phối bởi một loạt tật xấu phổ biến hàng đầu của người Việt Nam như: nói không đi đôi với làm, bệnh đối phó, tùy tiện, khôn vặt… và đặc biệt là thói sĩ diện - háo danh.

GS. Trần Ngọc Thêm thẳng thắn bày tỏ trăn trở về thực trạng giáo dục phổ thông Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa trong tham luận “Mục tiêu giáo dục phổ thông Việt Nam nhìn từ văn hóa” tại Hội thảo Giáo dục 2017.

Theo ông, giáo dục Việt đang bị chi phối nặng nề bởi những thói xấu, căn bệnh “trầm kha” của người Việt.

GS. Trần Ngọc Thêm.
GS. Trần Ngọc Thêm.

Bệnh thành tích tràn lan, trẻ em bị "đánh cắp" tuổi thơ

Cụ thể, chính vì tật xấu “nói không đi đôi với làm” cho nên mục tiêu trong suy nghĩ, mục tiêu trên lời nói (lý thuyết) và mục tiêu trong hành động (thực tế) thường không đồng nhất với nhau.

Lại do một loạt tật xấu khác như bệnh sĩ diện - háo danh, bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh đối phó, bệnh thụ động, bệnh thiếu tầm nhìn, bệnh hời hợt, thói tùy tiện, thói khôn vặt... nên mục tiêu của nhà trường, của thầy cô giáo, của xã hội, của gia đình, của người học thường không đồng nhất với nhau và khác xa mục tiêu trên lý thuyết.

“Cũng do do bệnh sĩ diện, háo danh, hời hợt, thiếu tầm nhìn mà mục tiêu tổng thể dễ bị thay thế bằng các mục tiêu bộ phận; mục tiêu chính dễ bị thay thế bằng các mục tiêu phụ, mục tiêu cuối cùng dễ bị thay thế bằng các mục tiêu trung gian”, GS. Trần Ngọc Thêm thẳng thắn.

Do vậy, việc xác định các mục tiêu trên thực tế của giáo dục phổ thông Việt Nam phải là kết quả của những công trình nghiên cứu rất công phu. Tuy nhiên, qua quan sát thực tế chúng ta dễ nhận thấy rằng từ phía cung cấp dịch vụ giáo dục, để được nhìn nhận và thăng tiến mà nhiều người làm công tác quản lý giáo dục, nhiều thầy cô thường coi mục tiêu công việc của mình là có nhiều trò lên lớp, nhiều trò điểm cao.

Hệ quả là bệnh thành tích lan tràn. Để trò được lên lớp, có được điểm cao thì mục tiêu giáo dục của nhiều thầy cô thường là nhồi nhét kiến thức. Đồng thời, do khó khăn về kinh tế mà nhiều trường, nhiều thầy cô thường coi mục tiêu công việc của mình là gia tăng thu nhập. Hệ quả là việc dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn. Hệ quả chung là trẻ em đến trường bị đánh cắp mất tuổi thơ.

Theo GS. Trần Ngọc Thêm, chính thói sĩ diện, háo danh của nhà trường, thầy cô và gia đình mà nhiều trẻ em phải nhồi nhét kiến thức, đến trường bị “đánh cắp” tuổi thơ. (Ảnh minh họa)
Theo GS. Trần Ngọc Thêm, chính thói sĩ diện, háo danh của nhà trường, thầy cô và gia đình mà nhiều trẻ em phải nhồi nhét kiến thức, đến trường bị “đánh cắp” tuổi thơ. (Ảnh minh họa)

Đồng lương công chức không đủ sống, vẫn hối lộ để “lao đầu” vào

Cũng theo GS. Trần Ngọc Thêm, từ phía sử dụng dịch vụ giáo dục, do sĩ diện, háo danh và thiển cận, thiếu tầm nhìn mà nhiều gia đình, nhiều học sinh coi mục đích của việc học là thành đạt, vào biên chế nhà nước, làm quan.

Đến mức mặc dù biết rằng trong năm 2016 đã có 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp; trong nửa đầu năm 2017, tiếp tục có thêm 200 nghìn cử nhân nữa thất nghiệp. Ấy vậy nhưng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, vẫn có tới hơn 75% thí sinh (trong số hơn 860 nghìn hồ sơ) dự thi để đăng ký xét tuyển đại học.

“Mặc dù biết rằng đồng lương công chức không đủ sống, vẫn có một số lượng rất đông người dân sẵn sàng đưa hối lộ để kiếm một chỗ làm trong bộ máy nhà nước. Đến lượt mình, để thành đạt, để được vào biên chế, để làm quan thì mục đích việc học trở nên thiển cận hơn là học để thi đỗ, đạt điểm cao. Mà để thi đỗ, đạt điểm cao thì mục đích trực tiếp hơn nữa của việc học đơn giản là làm được bài...

Rồi để trò làm được bài, thầy cô sẵn sàng dạy theo kiểu luyện gà nòi, dẫn dắt học trò đi vào con đường học và thi theo kiểu đối phó, học trò sẵn sàng học tủ (sai về phương pháp). Do sự xuống cấp chung của xã hội mà tệ nạn quay cóp, gian lận trong thi cử lên tới mức báo động (đỉnh điểm là vụ Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012). Hệ quả là nạn học giả bằng thật trở thành phổ biến; các nghề học thuê, thi thuê, viết luận văn luận án thuê, làm văn bằng, chứng chỉ giả ra đời”, ông phân tích.

Đơn cử, theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến và nhu cầu của xã hội, chúng ta đã cho mở ra rất nhiều trường đại học (mà nếu so sánh với tỷ lệ số trường đại học trên số dân của các nước tiên tiến thì như vậy vẫn còn là ít!). Song do người Việt Nam quá háo danh, ai cũng muốn học lên cao (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ), mà quản lý giáo dục nói riêng và quản lý xã hội nói chung thì không nghiêm, nên kết quả là gây ra rất nhiều hệ lụy:

Thứ nhất là chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra của các bậc học đều tuột dốc.

Thứ hai là số lượng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp gia tăng với tốc độ chóng mặt, trong khi đó số lượng công nhân có tay nghề cao thì thiếu hụt trầm trọng.

Thứ ba là ngành Giáo dục không thực hiện được trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cả chất lượng cao lẫn chất lượng vừa.

Thứ tư là với một nền giáo dục như thế, những gia đình có điều kiện đều cho con đi học nước ngoài, tìm cách ở lại nước ngoài, dẫn đến nạn chảy máu chất xám.

Thứ năm là nền kinh tế với nguồn nhân lực như thế thì không thể nào đi lên.

Giáo dục phải gia tăng hạnh phúc cho người học

GS. Trần Ngọc Thêm kết luận, chính là do những bất cập trong mục tiêu lý thuyết và vô số những mục tiêu sai lầm trên thực tế của cả người cung cấp lẫn người sử dụng dịch vụ giáo dục đã khiến cho nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua trở nên nặng nề, thiếu hiệu quả, chưa thực sự đem lại hạnh phúc cho người học.

Trăn trở với thực trạng ngành Giáo dục bị “nhiễm” bệnh sĩ diện, háo danh, bị chi phối nặng bởi một loạt tật xấu của người Việt, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, giải pháp là cần xây dựng lại mục tiêu của giáo dục phổ thông sao cho đáp ứng được những yêu cầu cụ thể của xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, khắc phục được những bất cập của các mục tiêu thực tế, triết lý giáo dục thực tế và mục tiêu lý thuyết do những đặc thù của văn hóa Việt Nam truyền thống gây ra.

“Để đi đến một mục tiêu có thể có nhiều con đường, cho nên cần đồng thời gia tăng các khả năng lựa chọn (ví dụ như bên cạnh nền giáo dục phổ thông của Nhà nước thì cần công nhận mô hình giáo dục tại gia - homeschooling), cũng là gia tăng tính dân chủ của nền giáo dục, gia tăng mục tiêu hạnh phúc mà văn hóa giáo dục hướng tới”, GS. Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.

Lệ Thu (ghi)