Giáo viên thiếu kiềm chế trên mạng xã hội: Người mất chức, người hầu tòa

Hoài Nam

(Dân trí) - Những phát ngôn không chuẩn mực kéo theo nhiều ảnh hưởng bất lợi với cá nhân, nhà trường và môi trường học đường. Vụ việc liên quan tới NSƯT Đức Hải là một ví dụ.

Miễn nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng với ông Trần Đức Hải

Những phát ngôn chửi bới thô tục, thiếu văn hóa xuất hiện trên Facebook có tick xanh của NSƯT Đức Hải kéo theo nhiều sóng gió trong những ngày qua. 

Dư luận chú ý bởi Đức Hải ngoài là một nghệ sĩ có tiếng, còn là một nhà giáo, Phó hiệu trưởng một ngôi trường có hàng ngàn học sinh, sinh viên theo học.  

Giáo viên thiếu kiềm chế trên mạng xã hội: Người mất chức, người hầu tòa - 1

NSƯT Đức Hải bị phản ứng vì nghi vấn phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Nhiều ngày qua, sau phát ngôn trên, Fanpage của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, đã và đang chịu cơn bão "tấn công" từ mạng xã hội.

Hầu hết các ý kiến bày tỏ không thể chấp nhận việc một nghệ sĩ, còn là giảng viên, một phó hiệu trưởng lại có những phát ngôn thô tục như vậy. Cộng đồng mạng đề nghị nhà trường có hình thức xử lý. 

Dư luận "nóng" đến mức, một số Fanpage trường học khác bị nhầm lẫn là nơi nghệ sĩ Đức Hải công tác, cũng nhận phản ứng dữ dội. Có trường phải thanh minh "trường mình không có thầy Đức Hải".

Trước cơn bão này, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã giải thích rằng những phát ngôn trên Facebook của nghệ sĩ Đức Hải không phải là đại diện cho tiếng nói cũng như hình ảnh của nhà trường, song không làm "nguội" được dư luận.

Về những phát ngôn xuất hiệntrên Facebook của mình, lúc đầu nghệ sĩ Đức Hải thông tin đến nhà trường rằng trang cá nhân của mình bị hack, mất quyền kiểm soát. Mới đây, ông liên lạc với trường giải thích lại, do con nuôi của mình "nghịch dại".

Một tuần sau khi đăng tải thông tin trên trang cá nhân, ngày 9/6, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ra quyết định chính thức miễn nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng của nghệ sĩ Đức Hải. 

Thế giới ảo, hậu quả thật

Xin không bàn đến vấn đề đúng sai ở đây nhưng dù vì lý do gì những phát ngôn xuất hiện trên trang cá nhân này không chỉ kéo theo nhiều ảnh hưởng tiêu cực không chỉ với cá nhân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà trường, đến môi trường học đường, về hình ảnh người thầy .

Không chỉ dừng lại ở việc bị ném đá, cách chức hay ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể, trong trường học đã có trường hợp thầy cô kéo nhau ra tòa khi giáo viên "thiếu kiềm chế" trên mạng xã hội.

Cách đây không lâu, tại TPHCM từng xảy ra trường hợp giáo viên bậc THPT kéo nhau ra tòa xuất phát từ những thông tin, phát ngôn trên Facebook. 

Sự việc bắt đầu khi một thầy giáo đăng tải trên trang cá nhân, ám chỉ hai giáo viên cùng trường làm lộ đề thi giữa kỳ cùng nhiều bình luận được cho là thiếu văn hóa, vu khống, xúc phạm. Trạng thái này đã thu hút rất nhiều người, kéo theo nhiều bình luận chửi bới với rất nhiều lời lẽ khủng khiếp nhằm vào hai giáo viên nói trên.  

Bị ảnh hưởng đến hình ảnh và đời sống, một trong hai viên bị "chửi đổng" nói trên đã khởi kiện thầy giáo ra tòa và thắng án. Tòa phán quyết bị đơn trong vụ án phải xin lỗi công khai giữa trường và đền bù số tiền gần 20 triệu đồng. 

Giáo viên thiếu kiềm chế trên mạng xã hội: Người mất chức, người hầu tòa - 2

Một trường học ở TPHCM lên tiếng đính chính vì bị nhầm lẫn với trường nơi nghệ sĩ Đức Hải công tác

Thực tế không ít mâu thuẫn, căng thẳng hay nhiều tố cáo giữa giáo viên với nhau, với cấp trên, với phụ huynh, thậm chí với học sinh.. cũng xuất phát từ những phát ngôn, thông tin trên Facebook. 

Mạng xã hội được gọi là thế giới ảo nhưng không hề ảo. Những lời ăn tiếng nói, những phát ngôn trên đó có thể thể hiện con người thật, phông văn hóa thật của mỗi người và hậu quả lại càng thật.  

Các thống kê gần đây cùng chỉ ra, có khoảng 65 triệu người Việt Nam đang sử dùng mạng xã hội và con số này tăng không ngừng. Có thể nói người người nhà nhà, từ trò đến thầy, ai ai cũng sử dụng mạng xã hội. Nhưng mấy ai, kể cả những người cả ngày gõ chữ, up hình biết cách sử dụng mạng xã hội an toàn? Không chỉ trẻ nhỏ mà chính người lớn, là bố mẹ, là giáo viên. 

Trong một buổi làm việc về lĩnh vực giáo dục tại Bình Thuận, một nhà quản lý bày tỏ lo ngại nhận thức của giáo viên về mạng xã hội. Không ít thầy cô dễ dãi share các thông tin vô căn cứ cho đến những phát ngôn thiếu kiểm soát làm nhiều người hoang mang, bức xúc. 

Bất kỳ ai cũng cần "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng" trước khi chạm tay vào thế giới ảo. Riêng người thầy, không chỉ cần đọc kỹ mà còn cần phải học kỹ, phải cẩn trọng, thông minh trong sử dụng mạng xã hội.

Tại TPHCM, trước khi dạy học sinh sử dụng mạng xã hội, nhiều năm qua ngành giáo dục chú trọng đến việc tập huấn kỹ năng sử dụng Internet mạng xã hội an toàn cho đội ngũ giáo viên, trong đó luôn nhấn mạnh đến văn hóa phát ngôn. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm