Giáo viên chỉ ra 3 nguyên nhân điểm thi môn Lịch sử tiếp tục "đội sổ"
(Dân trí) - Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả kỳ thi cũng như phổ điểm các môn thi. Dư luận lại một lần nữa "sôi sục" khi môn Lịch sử tiếp tục có phổ điểm thấp nhất.
So sánh với phổ điểm của các môn thi khác trong kỳ thi năm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy Lịch sử là môn duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có điểm trung bình dưới 5 (cụ thể là 4,97 điểm) và giữ vị trí "đội sổ".
Đây cũng là môn có số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất với 331,429 (chiếm tỉ lệ 52.03%). Ngoài ra, năm nay Lịch sử cũng là môn có số lượng thí sinh có điểm liệt nhiều nhất, với 540 thí sinh có điểm thi <= 1 điểm (chiếm tỉ lệ 0.08%).
Vậy nguyên nhân nào khiến cho môn Lịch sử có điểm thi thấp đến vậy? Có thể lý giải từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, về chương trình, nội dung giảng dạy và đề thi.
Nội dung chương trình khá dài, lượng kiến thức khá nhiều đã gây nhiều khó khăn cho người học lẫn người dạy. Học sinh cảm giác ngán ngẩm với một lượng kiến thức khá nhiều bao gồm cả chương trình lớp 12 và lớp 11.
Giáo viên không có điều kiện đổi mới phương pháp để tạo hứng thú cho học sinh vì phải tập trung truyền tải một lượng kiến thức khổng lồ.
Đặc biệt, với cách thức giảm tải chương trình một cách đối phó, máy móc đã làm cho mạch kiến thức trở nên lung tung, không lôgic, thiếu liên tục. Người dạy thì khó khăn trong truyền đạt, người học thì khó hiểu sự kiện, không xâu chuỗi được vấn đề. Bên cạnh đó, đề thi cũng còn nhiều bấp cập.
Sự không đồng nhất giữa đề minh họa và đề thi chính thức đã gây tâm lý hụt hẫng, lúng túng cho học sinh và giáo viên. Đề thi nặng về học thuộc ghi nhớ, câu hỏi ở mức độ nhận biết nhưng nội dung thì quá tập trung vào tiểu tiết kiến thức.
Thứ hai, học sinh thiếu động cơ và phương pháp học tập.
Nhiều năm nay tỉ lệ chọn môn tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, GDCD, Địa lý) luôn cao hơn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. Nhưng rất nhiều số lượng học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội có hạn chế về năng lực học tập, chọn tổ hợp Khoa học xã hội để dễ tốt nghiệp nên động cơ học tập bộ môn mang tính chất "đối phó".
Mặt khác, qua các năm môn Lịch sử nhiều kiến thức nhưng điểm số luôn thấp hơn môn Địa Lý, GDCD nên các em không tập trung nhiều cho bộ môn Lịch sử. Nhiều em học tập chỉ với mong muốn vượt qua điểm liệt. Điều này, ảnh hưởng đến thái độ và phương pháp học tập bộ môn.
Nhiều em chọn giải pháp nhớ một vài kiến thức trọng tâm để vượt qua điểm liệt, lười suy nghĩ, không quan tâm đến việc vận dụng kiến thức. Vì vậy đối với các câu hỏi có nội dung kiến thức quá tiểu tiết và câu hỏi vận dụng thì các em không thể đưa ra đáp án chính xác.
Thứ ba, phương pháp giảng dạy còn nhiều hạn chế.
Áp lực chương trình, khối lượng kiến thức quá nhiều, nội dung đề thi quá đi vào chi tiết để buộc nhiều giáo viên cố gắng truyền tải, nhồi nhét đến học sinh lượng kiến thức càng nhiều càng tốt mà lờ đi sự hứng thú của các em đối với bộ môn.
Sự bất hợp lý trong khâu tinh giản chương trình ảnh hưởng đến phương pháp người dạy. Giáo viên lúng túng trong khâu thiết kế bài dạy và phương pháp truyền tải để đảm bảo mạch kiến thức liên tục, logic,…
Học sinh thiếu động cơ học tập, có tâm lý đối phó nên không nhiều giáo viên gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy và ôn luyện. Không ít giáo viên cố gắng đơn giản hóa tối đa kiến thức, tăng cường truy bài, hạn chế diễn giảng, phân tích, vận dụng,.. với mục tiêu để học sinh không bị điểm liệt.
Từ những nguyên nhân trên cho thấy, Muốn để điểm Sử cải thiện, phải có giải pháp đồng bộ: Chương trình SGK, đề thi, phương pháp giảng dạy giáo viên, động cơ, thái độ học tập của học sinh, sự quan tâm của phụ huynh, xã hôi,… Chỉ có giải pháp đồng bộ mới giúp chất lượng học Lịch sử, điểm thi Lịch sử được nâng lên.
Giáo viên Lịch sử Trọng Hiếu
Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi bài viết về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!