DMagazine

"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành: "Nhiều người nghĩ tôi khùng"

(Dân trí) - "Nhiều người hay bảo, tôi là giáo sư rồi thì cần phải thể hiện tí. Ít nhất có chiếc xe hơi mới để người khác nhìn vào. Nhưng nếu đánh giá tôi qua nhà tôi ở, xe tôi đi, tôi thà không quen biết họ"...

(Dân trí) - Tháng 5/2018, giáo sư Trương Nguyện Thành bất ngờ rời cương vị Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen và trở về Mỹ sau gần 2 năm gắn bó với ngành giáo dục Việt Nam.

Cuộc "chia tay" của ông đã tạo ra nhiều luồng tranh luận dữ dội. Chuyên gia Trần Đức Cảnh (Thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực) từng chia sẻ: "Nếu trường hợp giáo sư Thành không thành, khó lòng thu hút nhân tài nước ngoài về. Vì đa số họ vốn dĩ đã nghi ngờ và lo ngại về cơ chế và môi trường làm việc trong nước".

Thế nhưng, tháng 6 năm nay, vị giáo sư (GS) tiếp tục quay lại Việt Nam cho một dự án mà ông khẳng định: "Dành 10 năm cuối đời để làm viên gạch lót đường"

 Dân trí có cuộc trò chuyện với ông trước kế hoạch lớn này.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 1

Huy Hậu: Sau 4 năm giảng dạy tại Đại học Utah (Mỹ), tôi được biết sắp tới ông sẽ về Việt Nam một thời gian rất dài. Không biết ông có lý do nào đặc biệt?

GS Trương Nguyện Thành: Trời ơi! Thế hệ trẻ Việt Nam các bạn bây giờ giỏi lắm!

Tôi có hướng dẫn cho một sinh viên Đại học Bách Khoa TPHCM nghiên cứu khoa học. Bạn biết không? Lúc bắt đầu cậu bé ấy mới học năm thứ 4 chuyên ngành hóa học, nhưng sau hai năm lại nghiên cứu thành công về đề tài trí tuệ nhân tạo - thứ hoàn toàn không phải chuyên môn của cả tôi lẫn trò.

Điều này làm tôi tự hỏi, sinh viên làm tốt vậy thì giảng viên Việt Nam có thể làm tốt hơn chứ? Thế mà, thời gian gần đây truyền thông vẫn nêu vấn đề mua bài báo quốc tế ở một số trường đại học, hay đăng bài ở những tạp chí dỏm. 

Muốn thành công phải nếm trải thất bại nhiều, thế hệ trẻ giờ đây quen công nghệ mạng nên mọi thứ cần kết quả nhanh. Chúng thà dùng 1 ngày thất bại, 29 ngày còn lại để tạo cơ hội mới còn hơn mòn mỏi đợi kết quả cả tháng trời.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 3

Ngay cả những đứa trẻ suốt ngày cầm điện thoại, bấm game nhoay nhoáy. Với tôi, không sao cả, mọi thứ đều có mặt tốt và xấu của nó! Đó cũng là lý do mà công nghệ game hóa giáo dục phát triển nhanh với nhiều trò chơi có mục tiêu đào tạo.  

Thế nhưng, từ xưa đến nay, ba mẹ Việt Nam thấy con cầm điện thoại chỉ có la mắng, cho rằng chúng vô tích sự. Ít ai cho chúng biết chúng có tiềm năng như thế nào? Động viên sao? Và hướng dẫn con đường phát triển thế nào cho hiệu quả?

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 5

Huy Hậu: Tìm thấy nhiều điều giúp đỡ cho thế hệ trẻ Việt Nam, thế nhưng 4 năm trước, tại sao ông lại đột ngột rời vị trí quản lý Đại học Hoa Sen và quay về Mỹ?

GS Trương Nguyện Thành: Thật tình đến bây giờ, mọi người vẫn thắc mắc thời điểm đó giữa tôi, Đại học Hoa Sen, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xảy ra khúc mắc gì. Thậm chí, nhiều người mặc định nghĩ rằng vì tự ái nên tôi chọn rời đi. Bao nhiêu diễn đàn, báo chí và cuộc họp cứ tranh cãi kéo hết tháng này sang năm nọ.

Nhưng tôi khẳng định: TẤT CẢ LÀ HIỂU LẦM.

Đầu năm 2018, sau thời gian quản trị tại Đại học Hoa Sen, tôi nhận 16/18 phiếu tán thành cho vị trí hiệu trưởng nhiệm kỳ 2017-2022. Tức Hội đồng Quản trị trường tín nhiệm tôi đầy đủ khả năng dẫn dắt trường phát triển.

Đến khi trình bày ý kiến lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi vướng tiêu chí theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012: "Không đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam", nên không được thông qua.

Thực tế ở các đất nước phát triển chưa hề tồn tại quy chuẩn như vậy. Tôi cũng đã nhiều năm là chủ tịch một số hội đồng (committee) cấp trường cho các nhóm công việc tại Đại học Utah nhưng chưa có cơ sở xác định vị trí quản lý tương đương ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta "nhập gia tùy tục" mà, nên đã không đáp ứng thể chế pháp luật của một quốc gia thì chẳng điều gì buồn hay tự ái cả.

Nếu thời kỳ đó tôi vẫn ở Việt Nam, đợi luật cải tổ, tôi hoàn toàn có thể làm thế vì HDQT trường Hoa Sen cũng mong muốn như vậy. Nhưng nếu làm vậy, vô hình chung một số người có thể sẽ nghĩ tôi ngồi đó để gây áp lực thay đổi. Không phải! Đó không bao giờ là điều mà tôi mong muốn.  

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 7

Thứ hai, sự kiện rời Đại học Hoa Sen của tôi đã tạo ra làn sóng dư luận vô cùng lớn. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng Bộ Luật Giáo dục Đại học năm 2012 đã lỗi thời và không bắt kịp thực tế. Mọi luật lệ hay pháp lý đều có lý do cho sự hiện hữu của nó.  Theo thời gian, xã hội phát triển thì luật lệ cũng có thể không còn phù hợp. Tuy nhiên bản thân tôi không muốn cái tên của mình liên tục bị lôi ra rằng: "Trường hợp của ông Trương Nguyện Thành là một ví dụ điển hình".

Tôi chọn trở về Mỹ để tránh mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng có cơ hội đánh giá lại luật Giáo dục Đại học một cách khách quan, chứ không có vấn đề của một cá nhân nào. 

Và chỉ nửa năm sau, Luật Giáo dục Đại Học đã sửa đổi. Thậm chí, những nguyên tắc xưa, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng loại bỏ nhằm giúp Việt Nam chiêu mộ nhân tài. 

Đó là sự cởi mở vượt bậc.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 9

Huy Hậu: Tháng 11/2018, luật Giáo dục Đại học đã loại bỏ tiêu chuẩn "Hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục Đại Học Việt Nam". Thế nhưng tại sao ông vẫn không quay về?

GS Trương Nguyện Thành: Năm 2007, tôi trở về quê hương theo lời mời của Phó chủ tịch UBND TPHCM ông Nguyễn Thiện Nhân, nhằm lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM.

Phải nói rằng tôi rất may mắn vì được gắn bó 10 năm với thành phố để phát triển Viện ấy.  Năm 2017 lại tiếp tục đảm nhiệm vị trí quản lý tại Đại học Hoa Sen, rồi Đại học Văn Lang… Thế nhưng, hỏi tôi đã đóng góp gì cho giáo dục Việt Nam chưa? Tôi xin trả lời thẳng: Chưa.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 11

Những năm ở Việt Nam trong vị trí khác nhau, tôi đã dành thời gian để tìm cơ hội thử nghiệm, quan sát cách các tổ chức giáo dục cũng như tổ chức nghiên cứu khoa học nước ta đang vận hành. Rằng điều gì quan trọng nhất với giáo dục lúc bấy giờ, điều gì chúng ta có thể làm hiệu quả hơn? 

Và đến khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả điểm yếu của giáo dục Việt Nam đã bộc lộ rõ ràng.

Huy Hậu: Điểm yếu đó là gì, thưa ông?

GS Trương Nguyện Thành: Từ xưa đến nay, người Việt Nam đã quen sử dụng phương thức dạy trực tiếp. Tức thầy cô thuyết giảng trên bục, học sinh ngồi dưới lắng nghe và ghi chép. 

Thời kỳ đầu Việt Nam vừa giãn cách xã hội do Covid-19 thôi, các trường học đã rối rắm cả lên. Thậm chí khi chuyển đổi qua mô hình giảng dạy trực tuyến, quản lý nhà trường và các giáo viên vẫn loay hoay, chẳng biết làm gì cho hiệu quả.

Một thời gian dài chúng ta sử dụng những phần mềm tương tác như zoom, google Meets, hay MS Teams để giảng dạy trực tuyến, nhưng chưa bao giờ trả lời đánh giá hiệu quả giảng dạy như thế nào một cách khách quan. Báo chí ngày ngày thông tin vấn đề giáo viên nói một đường, sinh viên ở nhà ngồi xem tivi, chơi game, tán gẫu, hay ngủ… Hết giờ, cả 2 xem như đã hoàn thành trách nhiệm. 

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 13

Khi dịch bùng phát ác liệt ở Mỹ, tôi theo chuyến bay giải cứu về Việt Nam. Suốt học kỳ Xuân năm 2021, mỗi sáng sớm (2 AM) tôi vẫn dạy online cho hơn 500 sinh viên Mỹ mà không bị một trở ngại kỹ thuật nào. 

Đến tận bây giờ, Đại học Utah tuy đã trở lại đào tạo trực tiếp nhưng vẫn đang song song vận hành nền tảng giáo dục trực tuyến này. Hôm qua, các giáo sư trong hội đồng người ngồi trong văn phòng, người ở nhà, học trò ở phòng khách, vẫn cùng nhau tham gia buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ về việc sinh viên Việt Nam tham gia học tập với các giáo sư hàng đầu trên thế giới ở một quốc gia khác mà không nhất thiết đến trường, lớp… 

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 15

Huy Hậu: Trước đại dịch Covid-19, ông đã bao giờ lên tiếng về vấn đề này chưa?

GS Trương Nguyện Thành: Năm 2017, lúc còn đương nhiệm vị trí Phó hiệu trưởng điều hành Đại học Hoa Sen, tôi đã cho đánh giá và phát triển một hệ thống E-learning (phương thức đào tạo trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin). 

Nhưng thời điểm ấy, một số trong ban lãnh đạo trường đặt nghi vấn rằng việc xây dựng hệ thống E-learning thời điểm ấy có thực sự cần thiết?

Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, bạn biết không, tôi nhận vô vàn lời phàn nàn từ giảng viên. Phàn nàn chứ không phải cầu cứu nhé. Vì thực sự chẳng ai biết sai ở đâu để cầu cứu.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 17

Huy Hậu: Vậy ông đã thực hiện con đường xây dựng mô hình E-learning của mình như thế nào?

GS Trương Nguyện Thành: Đầu năm 2021, khi các trường ở Việt Nam đang loay hoay với yêu cầu đào tạo trực tuyến do chính sách giãn cách xã hội bởi Covid-19, tôi đã nhận ra vấn đề và nảy ra ý tưởng cho một hệ thống quản lý lớp học trên cả hai phương pháp: trực tuyến và trực tiếp. 

Với kinh nghiệm giảng dạy gần 30 năm ở Đại học Utah và hơn 20 năm nghiên cứu và phát triển các hệ thống CNTT phức tạp, tôi nhanh chóng xây dựng đội ngũ và bắt tay phát triển hệ thống có tên là MentorLinks.   

Hè 2021, lúc Việt Nam bắt đầu có những chính sách cách ly xã hội thì cũng may hệ thống này có thể bắt đầu chạy thử nghiệm. 

Tôi đã áp dụng nó ngay trên chính môn thể dục mind-body mà tôi sáng tạo, có tên là KiDao (Khí đạo). Nhờ vậy mà tôi có được những phản ảnh của người dùng cho những vấn đề giúp hệ thống thân thiện và hiệu quả hơn. 

Hiện tại, tôi đã hoàn thiện 3/4 chặng đường và một vài tháng nữa thì giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng để quản lý khóa học của mình.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 19

Huy Hậu: Ngoài 60 tuổi, ông có ngại không nếu thất bại lần nữa?

GS Trương Nguyện Thành: Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, chúng ta sẽ có nhu cầu và mục tiêu sống khác nhau.

Nếu như tôi của 20 năm trước, tôi sẽ không hướng về Việt Nam đâu. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, suốt thời thơ ấu là những cuộc vật lộn mưu sinh, khó khăn lắm mới thực hiện giấc mơ học hành của mình … Vì vậy, thời điểm ấy, ưu tiên số 1 của tôi là phát triển bản thân và chăm sóc gia đình.

Đến bây giờ, rất nhiều người nghĩ tôi khùng! Cuộc sống ổn định, lương cao mà không biết hưởng.  Nhưng vật chất, danh tiếng… không phải vấn đề tôi quan trọng. 

Một ngày tôi còn sống là ngày đó phải thật giá trị với bản thân và xã hội nên không có khái niệm thất bại hay thành công, mà chỉ có hiệu quả hay chưa hiệu quả. 

Huy Hậu: Đó là lý do GS Trương Nguyện Thành chỉ dùng xe hơi cũ được mua lại?

GS Trương Nguyện Thành: (Cười)! Nhiều người hay bảo, tôi là giáo sư rồi thì cần phải thể hiện tí. Ít nhất có chiếc xe hơi mới để người khác nhìn vào. Nhưng nếu đánh giá tôi qua nhà tôi ở, xe tôi đi, đồ tôi bận, tôi thà không quen biết họ.

Cuộc đời tôi đến nay 60 năm chưa hề sở hữu chiếc xe hơi nào mới. Đơn giản, xe mới tầm 40.000 USD, lái ra khỏi bãi đậu xe và nếu bán lại thì sẽ mất tiêu 5.000 USD vì đã qua một đời chủ. Sáng chạy đến trường 20 phút, chiều chạy về 20 phút, suốt ngày nó nằm phơi nắng ở bãi và 5 năm nó mất đi 50% giá trị tài sản thì tại sao tôi cần xe mới?

Nhưng đổi lại, tôi sẽ sẵn sàng mua một chiếc nệm đắt đỏ vì tôi dành 8 tiếng/ngày, 1/3 cuộc đời để sử dụng nó.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 21

Cũng giống như câu chuyện sắp tới trở về Việt Nam, nhiều bạn bè thắc mắc liệu tôi có tiếp tục trở thành hiệu trưởng của một ngôi trường đại học nào không? 

Tôi nghĩ là không! Bởi làm hiệu trưởng, tôi chỉ có thể toàn tâm toàn ý cho mỗi ngôi trường đó. Còn nếu tôi ở một vị trí mà giúp nhiều trường, đóng góp cho toàn xã hội thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn so với cho một tổ chức.  

Huy Hậu: Vậy còn hy vọng thì sao?

GS Trương Nguyện Thành: Bây giờ tôi đã ngoài 60 tuổi, cố gắng lắm thì còn sức vùng vẫy thêm 10 năm nữa. 

10 năm ấy, tôi mong có thể trở thành viên gạch lót đường cho phát triển giáo dục. Để một ngày nào đó, từ viên gạch ấy, những thế hệ nối tiếp sẽ xây dựng thành con đường khang trang cho nền giáo dục Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành: Nhiều người nghĩ tôi khùng - 23

Nội dung: Huy Hậu

Thiết kế: Thủy Tiên