Giảng viên làm nhiều việc kiếm trăm triệu đồng/tháng, chất lượng giảng dạy có đảm bảo?

Quang Trường Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo chuyên gia, nếu giảng viên chỉ giảng dạy trên trường lớp và tham gia các dự án nghiên cứu thì việc làm giàu là rất khó, "không thể bấu víu vào đó để làm giàu".

Giảng viên làm nhiều việc tăng thu nhập, chất lượng giảng dạy có đảm bảo?

Theo một số giảng viên đang công tác tại các trường đại học hoặc đã về hưu, câu chuyện "lương giảng viên đại học hàng trăm triệu đồng/tháng" thực tế có tồn tại, nhưng là trường hợp không phổ biến.

Nhóm giảng viên có mức thu nhập "khủng" này ngoài đảm bảo công tác giảng dạy tại trường chắc chắn phải kiêm nhiệm rất nhiều đầu việc khác như dạy thêm tại các trường dân lập, tham gia các dự án nghiên cứu khoa học, tư vấn cho dự án của doanh nghiệp…

Nhiều ý kiến đặt ra dấu hỏi: Khi "xoay xở" nhiều đầu việc như trên để có mức thu nhập trăm triệu đồng/tháng, chất lượng giảng dạy của giảng viên có được đảm bảo?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một giáo sư đầu ngành, có hơn 60 năm công tác và tham gia quản lý liên quan đến ngành giáo dục cho biết, ở các trường đại học công lập, do mức lương hàng tháng (gồm lương cứng theo hệ số lương Nhà nước quy định cộng lương giảng dạy theo từng tiết) khá thấp, rất nhiều giảng viên chọn cách "tự cứu mình" bằng các công việc làm thêm.

Đa số sẽ chạy theo các dự án, đề tài nghiên cứu khóa học; đi thỉnh giảng tại các trường tư…

"Vấn đề đặt ra là khi chạy theo các công việc bên ngoài, họ chắc chắn phải buông bớt chuyên môn ra, giảm việc đầu tư vào các giờ giảng tại trường mình đang công tác", vị giáo sư phân tích.

Giảng viên làm nhiều việc kiếm trăm triệu đồng/tháng, chất lượng giảng dạy có đảm bảo? - 1

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại một trường đại học (Ảnh minh họa).

Theo ông, việc làm các đề án nghiên cứu khoa học, nếu tiến hành nghiêm túc thì thực tế rất "khổ". Giảng viên phải kết hợp với nhiều người tạo thành một nhóm nghiên cứu; phải đi điều tra, xuống thực địa…

Thông thường, họ sẽ huy động thêm một lực lượng sinh viên để cùng xuống điều tra và trả kinh phí cho sinh viên của mình (điều tra, khảo sát tại một huyện thường cần ít nhất khoảng 40-50 sinh viên).

"Như vậy, các thầy hướng dẫn đi làm đề án khó có thể đầu tư tối đa vào các bài giảng, bản thân sinh viên khi đi theo thầy làm đề tài cũng sẽ ít nhiều buông lơi việc học. Tất nhiên, đời sống của cả giảng viên và sinh viên sẽ cao lên, nhưng chất lượng dạy và học lại giảm", ông nói.

Bên cạnh đó, một số giảng viên chọn cách tham gia thỉnh giảng nhiều tại các trường tư, nơi kinh phí trả cho từng tiết dạy sẽ cao hơn. Điều này dẫn tới "chất xám" bị san sẻ, thậm chí "chảy" vào trường tư nhiều hơn. Do đó, nếu giảng viên tăng thu nhập bằng chuyện chạy việc bên ngoài, đây sẽ là báo động về việc chất lượng giảng dạy không thể tăng lên.

Vị giáo sư nhấn mạnh, cũng cần nhìn vào mâu thuẫn rằng nếu buông các công việc làm thêm khác, chỉ tập trung giảng dạy và ăn lương trường công thì nhiều giảng viên không đủ sống.

Nếu yêu cầu giảng viên không làm thêm các công việc khác, chỉ tập trung vào giảng dạy, cần có chế độ tăng lương cho họ. Tuy nhiên, cách này cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản. Đây là bài toán cần nhìn nhận một cách thẳng thắn.

Ông cho rằng, hướng đi trước mắt và nên làm nhất ở thời điểm hiện tại là cần có quy định giảng viên phải đấu thầu các đề tài, dù là dự án của trường hay ngoài trường. Các đề tài được lựa chọn phải là đề tài phù hợp với chuyên môn họ đang giảng dạy. Khi đó, nếu sinh viên chưa có điều kiện thực tập có thể thực tập luôn trong đề tài của thầy cô.

Bên cạnh đó, cách giảng dạy trên lớp cũng cần thay đổi. Thay vì dạy theo một khối lượng "ôm đồm" như hiện nay, nên tăng cường dạy bằng những chương trình học tín chỉ linh hoạt. Từ đó, thầy không mất quá nhiều công vào việc soạn bài lên lớp và trò cũng có thể học nhiều thời gian khác nhau.

"Một giải pháp khác là nếu như Nhà nước có rất nhiều đề tài cần triển khai nghiên cứu, có thể ký hợp đồng với các trường để tránh tình trạng giảng viên "chạy đi tìm việc". Tuy nhiên, cần cân nhắc tới việc nghiên cứu những gì để vừa giúp ích cho chương trình phát triển khoa học công nghệ của đất nước, vừa phù hợp với việc nâng cao trình độ của giảng viên, sinh viên", ông nêu quan điểm.

Chế độ đãi ngộ không thỏa đáng dẫn tới gian lận

Vị giáo sư cũng đặt một câu hỏi trước vấn đề "làm giàu" từ việc tham gia các dự án nghiên cứu khoa học. Theo ông, nếu chỉ giảng dạy trên trường lớp và tham gia các dự án nghiên cứu thì việc làm giàu là rất khó, "không thể bấu víu vào đó để làm giàu".

"Tôi ví dụ Nhà nước giao cho một nhóm làm một đề tài với giá 1-2 tỷ đồng, có khoảng 90 chuyên đề, mỗi chuyên đề có số liệu điều tra được trả khoảng 12 triệu đồng. Một chuyên đề không thể viết một lúc là xong mà phải mất nhiều ngày tập trung. Như vậy, nếu anh viết khoảng nửa tháng được một chuyên đề, chia ra cho 3-4 người trong nhóm nghiên cứu thì số tiền mỗi người nhận được là bao nhiêu?

Tôi cũng từng làm chủ một số đề án. Một tháng, họ thường cho thêm người chủ nhiệm đề tài khoảng 1-2 triệu đồng. Nhưng những con số này cũng còn cần rất xa để đạt ngưỡng trăm triệu đồng một tháng", ông chia sẻ.

Giáo sư này cho biết thêm, thực tế, những đề án của Nhà nước, doanh nghiệp với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng không quá nhiều, không phải ai cũng được giao. Do đó, nhiều giảng viên thường làm theo đề án của nhà trường với mức kinh phí khá thấp, trung bình khoảng 80 triệu đồng cho một đề án làm một năm. Con số ấy nếu chia cho cả nhóm nghiên cứu thì khoản thu nhập mỗi người nhận được sẽ khá ít ỏi.

Ông nhấn mạnh, nếu có thể "làm giàu" từ việc tham gia nhiều dự án, cần đặt dấu hỏi về chất lượng của các dự án nghiên cứu này.

Đồng quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, nguyên giảng viên, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại một trường đại học lớn ở Việt Nam cho biết, ngoài giảng dạy, giảng viên đại học còn phải nghiên cứu khoa học nhưng không được tính công rõ ràng. Có những trường thưởng cho giảng viên có bài báo được công bố quốc tế hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, lẽ ra họ phải được trả lương để nghiên cứu, chứ không phải chỉ trả cho công trình được công bố. Công trình khoa học là kết quả của quá trình nghiên cứu, nếu không có kinh phí thì không thể nghiên cứu.

"Một trong những hậu quả là sự gian dối trong nghiên cứu khoa học. Ví dụ, một người không nghiên cứu nhưng bỏ ra khoảng 50 triệu đồng để thuê người khác làm, sau khi bài được công bố quốc tế, người đó được trả 70 triệu đồng, tức là lãi 20 triệu đồng.

Việc không cấp kinh phí đều đặn cho nghiên cứu khoa học, chỉ cấp kinh phí dựa trên bài báo quốc tế, không có bài báo là không có tiền khiến nhiều người mất công nghiên cứu mà không được hưởng chế độ gì. Không phải ai nghiên cứu xong cũng có bài báo quốc tế. Từ đó sinh ra chuyện mua bán bài báo", bà Ánh chia sẻ.

Hơn nữa, giảng viên cần nhiều thời gian để nghiên cứu nhưng lại bị vướng vào những việc hành chính không tên khác. Họ mệt mỏi, mất dần cảm hứng sáng tạo để nghiên cứu.

"Nhiều giảng viên mua bán bài báo khoa học đã bị bóc mẽ. Chúng ta không bênh vực hành động đó. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là cả năm họ phải làm rất nhiều việc, không thể chuyên tâm nghiên cứu, mà cuối năm lại bị hỏi thành tích nghiên cứu khoa học thì rất khó", bà Ánh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm