"Đừng để sự giằng xé, khó khăn lấn át thiện tâm của người thầy"

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Thầy cô hãy thương yêu học trò như chính con cái của mình thì sẽ bớt đi nhiều điều đáng tiếc. Các bậc phụ huynh hãy đồng hành với thầy cô, đừng làm tình yêu thương trở thành thương tổn".

Trên đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam.

Nhà giáo có quyền tự hào về nghề

Mở đầu bài phát biểu, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói về nghề giáo, đó là nghề đem lại sự tử tế, sự hiểu biết cho tất cả mọi người.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng gửi lời tri ân đối với các thế hệ nhà giáo, những người đã dành tâm sức, trí tuệ và tình cảm để bồi đắp giá trị cho mái trường sư phạm.

Thầy hiệu trưởng cho rằng, có thể trong bạn, trong tôi còn không ít điều day dứt, suy tư và trăn trở. Nhưng thôi, hãy tạm gác nó lại bởi hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là nhìn thấy nụ cười trên môi con trẻ và hơn thế, đó là sự đổi thay, sự tử tế sau mỗi buổi đến trường.

Hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là đang gieo tình yêu thương để yêu thương trỗi dậy trong mỗi con người, vì chỉ có thấu hiểu mới có được yêu thương và yêu thương sẽ xóa đi những nỗi oán hờn.

Chính vì vậy các nhà giáo có quyền tự hào về nghề của mình!

Đừng để sự giằng xé, khó khăn lấn át thiện tâm của người thầy - 1

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (Ảnh: M. Hằng).

"Chúng ta đang sống và làm việc trong những ngày tháng có quá nhiều cung bậc cảm xúc, còn rất nhiều suy tư và trăn trở.

Khi người ta chưa vượt qua được cái tôi nhỏ bé, khi người ta chưa thương yêu được người khác như chính thương yêu mình thì sân si sẽ còn làm lòng ta trĩu nặng.

Khi còn ý nghĩ hơn người chỉ là hơn về tiền bạc, hơn chỉ về địa vị là trên hết, mà quên rằng cái quý hơn là lẽ sống và cách sống của mỗi người, thì những này kia còn hiển hiện cũng là lẽ thường tình", GS.TS Nguyễn Văn Minh nói.

Vì thế trong ngày lễ cao quý này, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhắn gửi đến các đồng nghiệp đừng để những xót xa, trĩu nặng xâm lấn vào hồn con trẻ.

Đối với thầy cô hiện đang đối diện với nhiều gian khó, cả về vật chất và tinh thần. Điều lấy làm lạ, khi cuộc sống vật chất đã khá hơn, khi thời đại đã phát triển hơn thì những giá trị, những chuẩn mực đang bị xâm thực nhiều hơn.

Đây là câu hỏi xót xa đối với bất kỳ ai tử tế, hơn cả là những người đang chăm sóc thế hệ tương lai.

Theo Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, những đồng nghiệp giã từ nghề giáo. Buồn không, rất buồn.

Nhà giáo này cho rằng, chúng ta chia sẻ với họ và lấy làm tiếc nuối. Vì trong đó, không ít người vẫn đau đáu với nghề, với người; nhưng cơm gạo, áo tiền đã giằng xé họ và cuối cùng đành dứt áo ra đi. Đáng thương hay đáng trách cứ trĩu nặng lòng ta.

Ngọn nguồn của giáo dục là sự tử tế, sự chân chính và yêu thương, khi người ta phải đành lòng giã từ những giá trị đó để theo đuổi mục đích khác thì vấn đề rất đáng lưu tâm đối với một xã hội.

Do vậy theo Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, đội ngũ nhà giáo cũng nghiêm túc nhìn lại bản thân bởi lẽ nếu không tự soi, tự sửa thì khó mà tiến bộ.

Khi bản thân thầy cô chưa trân quý công việc của mình, chưa đem hết đam mê vì nó thì khó lòng để người khác tôn trọng việc mình làm.

Chính vì vậy thầy cô hãy thương yêu học trò như chính thương yêu con cái của mình thì sẽ bớt đi nhiều điều đáng tiếc, các cấp quản lý xin hãy để nhà giáo làm đúng thiên chức của họ, đừng bắt họ làm những điều trái với lương tâm để vấy bẩn lên danh dự người thầy.

Đừng để sự giằng xé, khó khăn lấn át thiện tâm của người thầy - 2

"Đừng để sự giằng xé lấn át thiện tâm của người thầy", GS.TS Nguyễn Văn Minh nói (Ảnh: M. Hằng).

Đừng để sự khó khăn lấn át thiện tâm người thầy

Tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, không phải chúng ta kêu gọi sự rủ lòng thương đối với nghề giáo mà cần có một sự nhìn nhận, đánh giá đúng mức để họ yên tâm làm tốt công việc của mình.

"Chúng ta đang ở giữa sự giằng xé của bổn phận, của tình cảm và khó khăn, trăn trở. Nhưng đừng để sự giằng xé đó lấn át thiện tâm của người thầy.

Những đồng nghiệp chúng ta đang cõng chữ lên non, đang thầm lặng hi sinh tuổi thanh xuân của họ để những đứa trẻ rẻo cao lớn lên trong khát vọng và ấm áp yêu thương.

Những sinh viên của chúng ta đang nhìn thấy khó khăn và họ đang sẵn sàng dấn thân cho những gì cao đẹp. Lẽ nào ta lại chùn chân? Hãy cố gắng để những điều tốt đẹp choán nhiều hơn trong mỗi chúng ta, dẫu biết rằng sự bình tâm không hề dễ có", GS.TS Nguyễn Văn Minh cho hay.

Nhân ngày lễ cao quý này, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nhắn nhủ phụ huynh xin đừng phó mặc con cái mình chỉ cho nhà trường, cho thầy cô và rồi chỉ đổ lỗi cho giáo dục.

Nhà trường chỉ giáo dục những chuẩn mực cốt yếu, còn chính gia đình, chính xã hội là môi trường thực để mỗi học sinh thẩm thấu, chịu tác động nhiều nhất về hành vi và nhận thức của các em.

Hành trình đi đến tương lai, đi đến hạnh phúc của mỗi con người không thể thiếu giáo dục và do đó không thể thiếu người thầy.

Một đứa trẻ lớn lên sẽ thế nào nếu thiếu đi sự giáo dục? Mỗi người hãy hình dung để tìm ra lời giải đáp và xác định trách nhiệm của chính mình.

"Chúng ta hi vọng xã hội, những bậc cha mẹ sẽ nhận ra và cùng đồng hành, vì ai đều cũng mong muốn con cái mình tiến bộ. Hãy để những nhà giáo chân chính làm đúng bổn phận và lương tâm của họ", Hiệu trưởng ĐHSP nói.