ĐH Sư phạm Hà Nội tập huấn hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân Covid-19
(Dân trí) - Khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật sử dụng công cụ hỗ trợ tâm lý xã hội cho các lực lượng đang chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid - 19 và gia đình người bệnh.
Ngày 1/9, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trực tiếp là Khoa Công tác xã hội đã phối hợp cùng một số nhà khoa học của ĐH Y Harvard, ĐH John Carroll và các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của Hoa Kỳ, Hội y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, các nhà khoa học của Khoa Y (Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh) tổ chức khóa tập huấn "Hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân mắc Covid - 19 và gia đình".
Khóa tập huấn diễn ra từ ngày 1 - 7/9 trên nền tảng online, với hơn 1.000 đại biểu tham gia. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật sử dụng công cụ hỗ trợ tâm lý xã hội cho các lực lượng đang chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid - 19 và gia đình người bệnh.
Đề cập đến nội dung cơ bản về chăm sóc tâm lý cho nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân Covid - 19; GS.TS Nathan Gehlert - Trưởng khoa Tham vấn, ĐH John Carroll, University Heights - chia sẻ: Có 3 vấn đề sức khỏe tâm thần mà đội ngũ nhân viên y tế và những người chăm sóc người bệnh Covid - 19 thường phải đối mặt.
Cụ thể là những dấu hiệu của kiệt sức nghề nghiệp sau quãng thời gian triền miên làm việc dưới áp lực căng thẳng; Tình trạng suy giảm lòng trắc ẩn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân Covid - 19; Hội chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) của nhân viên y tế.
Từ thực tế trên, GS.TS Nathan Gehlert nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tự chăm sóc bản thân của đội ngũ nhân viên y tế; đồng thời gợi ý các phương thức thực hành chăm sóc bản thân cho tất cả mọi người, gồm: Bảo vệ bản thân và gia đình; Thừa nhận vấn đề của mình; Ý thức được việc mình làm thế nào để bù đắp cho việc thiếu kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, khóa học này là quà tặng dành cho những người đang tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 hoặc đang hỗ trợ gia đình họ tại cộng đồng như: Nhân viên công tác xã hội, chuyên viên tâm lý, điều dưỡng, bác sĩ, các nhân viên y tế tuyến đầu, nhà sư, linh mục và tu sĩ nam nữ, những người đang chăm sóc F0 tại nhà cũng như các cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên các trường đại học liên quan..
"Họ là những người đã, đang và sẽ dấn thân phục vụ, chăm lo cho người bệnh trong thời điểm vô cùng khó khăn và rất nhiều thách thức này" - GS.TS Nguyễn Văn Minh nói, đồng thời ghi nhận và đánh giá rất cao sự nỗ lực cố gắng của Khoa Công tác xã hội trong một thời gian rất ngắn đã chuẩn bị tốt để tổ chức khóa tập huấn ý nghĩa này.
Theo kế hoạch, trong 7 ngày tập huấn, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ làm rõ một số nội dung như: Chăm sóc tâm lý cho nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân Covid-19; Sơ cứu sức khỏe tâm thần và chăm sóc tâm lý; Tác động tâm lý xã hội của Covid-19 đối với bệnh nhân mắc bệnh này.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học còn chia sẻ một số kinh nghiệm, phương pháp chăm sóc tâm lý xã hội cho bệnh nhân mắc Covid-19; Làm việc với trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid -19 và giới thiệu mô hình phát triển chăm sóc tinh thần cho các bệnh viện trong hoàn cảnh khẩn cấp…
Do nhu cầu thực tế, từ số lượng lớn những người quan tâm, mong muốn được tiếp tục đăng ký tham dự, Ban tổ chức đã quyết định từ ngày thứ 2 của khóa tập huấn (2/9), phòng zoom sẽ được mở rộng lên 3.000 người để đáp ứng nhu cầu và sự quan tâm của nhiều đại biểu trên khắp cả nước.