ĐH Quốc gia HN thương mại hóa sản phẩm Khoa học và Công nghệ

(Dân trí) - Bốn nhóm lĩnh vực mà ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ thương mại hóa là Khoa học Tự nhiên và Y dược; Công nghệ và Kỹ thuật; Khoa học xã hội nhân văn và kinh tế; Khoa học liên ngành.

Thế mạnh với nhiều GS, PGS và Tiến sĩ khoa học

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết: “ĐHQGHN có tổng số 349 Giáo sư và Phó Giáo sư (18%), 839 Tiến sĩ Khoa học và Tiến sĩ (44%). Ngoài ra, hàng năm khoảng 300 các nhà khoa học trình độ cao ở trong và ngoài nước đến làm việc tại ĐHQGHN. ĐHQGHN còn có 33 tiến sĩ danh dự, trong đó có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel, các nhà hoạt động kinh tế, chính trị… Đó là những nguồn lực tiềm tàng của ĐHQGHN”.

Những năm gần đây, công bố quốc tế đã trở thành văn hoá chất lượng trong ĐHQGHN. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI của ĐHQGHN đã tăng lên khoảng 20 lần (năm 1993 - 10 bài/năm, năm 2013 - gần 200 bài/năm), chiếm hơn 10% tổng số bài báo ISI của cả nước. Nhiều bài báo có số lần trích dẫn cao (từ 50 đến 500 lần). Trong đó, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Phạm Hùng Việt, Trường ĐHKH Tự nhiên đã có công bố trên tạp chí Nature hàng đầu của thế giới (chỉ số ảnh hưởng IF = 38). Các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, luật cũng đã công bố gần 100 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI. Đây là những chỉ số quan trọng đánh giá cả trình độ nghiên cứu và mức độ hội nhập của ĐHQGHN.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, trong giai đoạn 2014-2015, ĐHQGHN ưu tiên tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm hướng tới các sản phẩm và giải pháp KH&CN có khả năng thương mại hóa theo 4 nhóm lĩnh vực sau đây: Khoa học Tự nhiên và Y dược: tạo tiền đề nâng cao chất lượng cuộc sống; Công nghệ và Kỹ thuật: thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử và tự động hóa; Khoa học xã hội nhân văn và kinh tế: nền tảng lý luận của đổi mới với các chương trình nghiên cứu; Khoa học liên ngành: các chương trình nghiên cứu Phát triển bền vững Tây Bắc, Công nghệ giám sát hiện trường gần thời gian thực và An ninh phi truyền thống.

ĐH QGHN ký kết với doanh nghiệp.

ĐH QGHN ký kết với doanh nghiệp.

Giới thiệu sản phẩm nghiên cứu tới tận tay doanh nghiệp

Vừa qua, ĐHQGHN đã tổ chức triển lãm và hội nghị thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là dịp để giới thiệu các sản phẩm KHCN tiêu biểu của ĐHQGHN, qua đó kết nối giữa các nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà quản lý ở các bộ, ngành và địa phương; góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác và quá trình thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm KHCN của ĐHQGHN. Đặc biệt, thông qua sự kiện này, ĐHQGHN, các doanh nghiệp và xã hội muốn thể hiện sự trân trọng và ghi nhận trí tuệ, tâm huyết cùng những đóng góp của các nhà khoa học.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá cao những thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH của ĐHQGHN có ứng dụng thực tiễn được chuyển giao cho địa phương và các doanh nghiệp, cũng như có các công bố khoa học có giá trị trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới (Nature). Với tôn chỉ “khoa học vị nhân sinh”, “khoa học vị doanh nghiệp”, ĐHQGHN đã có những nỗ lực trong việc thương mại hoá các sản phẩm KHCN, tạo sự gắn kết giữa trường đại học và các doanh nghiệp, đưa các sản phẩm KHCN ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Bộ trưởng Quân cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt các tập đoàn kinh tế của nhà nước cần hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH, các viện nghiên cứu, là người đặt hàng các trường ĐH, viện nghiên cứu để hình thành những nhiệm vụ KHCN, các đề tài, dự án để cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao.

“Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng đồng hành để hỗ trợ ĐHQGHN cũng như các trường đại học trong việc công bố quốc tế cũng như đăng kí các sáng chế KHCN trong và ngoài nước” - Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.

Tại triển lãm, đại diện lãnh đạo ĐHQG Hà Nội cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các đơn vị của ĐHQG Hà Nội đã ký 12 hợp tác, thoả thuận chuyển giao công nghệ, sản phẩm KHCN, tư vấn hợp tác với tỉnh Hà Nam và các công ty, doanh nghiệp.

Hồng Hạnh