Để đạt điểm môn Văn tuyệt đối, cần nguồn cảm xúc mãnh liệt

Kiều Phương

(Dân trí) - Theo nhà giáo Hoài Thanh, học Văn cần một quá trình rèn luyện lâu dài. Để đạt điểm cao môn này, bên cạnh những tố chất sẵn có, người học cần có tinh thần tự giác học hỏi và nguồn cảm xúc mãnh liệt.

Để đạt điểm môn Văn tuyệt đối, cần nguồn cảm xúc mãnh liệt - 1

Thí sinh đạt điểm 10 môn Văn thường có yếu tố sáng tạo, độc đáo trong viết văn, có sự hiểu biết về lý luận văn học.

Giáo viên môn Ngữ văn Hoài Thanh, từng dạy tại trường THPT Chu Văn An cho hay, nhìn vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn đợt 1, kết quả này có thể khiến ai nấy an tâm phần nào.

Chia sẻ với Dân Trí, nhà giáo Hoài Thanh cho biết, cô không thể giấu nổi niềm vui và hạnh phúc khi từng học trò gọi điểm báo điểm các môn trong kỳ thi THPT vừa qua.

"Điều khiến tôi tự hào hơn cả là điểm môn Ngữ văn rất cao. Thật kỳ diệu khi tỷ lệ học sinh đạt điểm 9 trở lên ở môn thi này chiếm tới 40% - một thành tích mà khó nơi nào sánh được".

Theo nhà giáo này, môn Ngữ văn ở Hà Nội có điểm số cao nhất là 9,75 thì lớp Văn mà cô phụ trách, điểm tập trung đa số ở vùng điểm cao và có rất nhiều em đạt ngưỡng điểm từ 8,5 đến 9,75.

"Mặc dù số lượng học sinh lớp tôi rất đông nhưng tỷ lệ đạt từ 8,0 trở lên lại chiếm tới 90%. Song, điều khiến tôi tiếc nuối nhất là Hà Nội không có em nào đạt điểm 10 môn Văn" - cô Hoài Thanh chia sẻ. 

Trải qua khó khăn trước khi gặt "trái chín"

Theo cô Thanh, những điểm số cao môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chính là "trái ngọt" minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của cả cô và trò. Trước khi gặt "trái chín", cô và các em học sinh đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn.

"Nhớ lại ngày đầu khi các em đến với lớp học Văn của tôi, già nửa số học sinh trong lớp qua kiểm tra đều thiếu năng lực cảm thụ môn văn, thiếu luôn cả sự rung động trước cái hay, cái đẹp của văn học. Không chỉ là một bộ môn, văn chương còn là đời.

Khi ấy, điều khiến tôi lo lắng nhất là nhiều em thiếu chất văn để vận dụng kiến thức câu, từ trong quá trình diễn đạt, bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Các em viết như nói hoặc rập khuôn theo mẫu, thiếu tư duy trước những câu hỏi. Ngẫm nghĩ, đây cũng chính là cái thiếu của đa số học sinh học Văn bây giờ. Và buồn nhất là các em thường thổ lộ rất chán khi học môn Văn" - nhà giáo Hoài Thanh trải lòng.

Cô Thanh cho biết, Ngữ văn là một môn học quan trọng trong trường phổ thông. Không chỉ giúp học sinh nắm được các kỹ năng cảm thụ văn học, viết bài, nhận thức được sự giàu đẹp của tiếng Việt; môn học này còn giúp định hướng nhân cách, lối sống có ước mơ, hoài bão cho thế hệ học trò.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù là môn thi chính nhưng phần lớn người học chưa coi trọng; luôn học sao chép, thiếu máy móc. Theo nhà giáo này, sự nhàm chán của học sinh với môn Văn cũng do một phần giáo viên chưa thực sự khơi dậy sự rung động trong trò.

Để đạt điểm môn Văn tuyệt đối, cần nguồn cảm xúc mãnh liệt - 2

Cô giáo Hoài Thanh.

Học Văn chính là hành trình của sự nỗ lực

Tuy nhiên, sự nỗ lực nào rồi cũng được đền đáp một cách xứng đáng. Điều khiến cô Thanh bất ngờ và hạnh phúc hơn cả đó chính là điểm 9,25 Ngữ văn đến từ cô trò nhỏ Đặng Thị Kim Ngân (lớp 12d2 Trường THPT Hoài Đức A).

"Ngân đã làm tôi vô cùng bất ngờ. Trong ấn tượng của tôi, ngày mới vào lớp, Ngân là một cô bé nhút nhát, sợ mọi thứ, luôn "co" mình vì lực học yếu kém. Thậm chí, em còn không dám nghĩ mình sẽ đỗ đại học.

Tuy nhiên, bằng trái tim phi thường, Ngân đã bước vào ngưỡng cửa Đại học" - cô Thanh chia sẻ.

Nhà giáo này cho biết, dưới sự động viên, khích lệ, Kim Ngân đã không ngừng học hỏi trong môi trường văn hóa lớp học THT với mười hai chữ: CHỦ ĐỘNG - HỢP TÁC - CHIA SẺ - ĐOÀN KẾT. Theo đó, mỗi cá nhân phải sống chủ động - bắt đầu với mục tiêu - ưu tiên việc quan trọng - không ngừng rèn luyện bản thân.

"Điều đáng nói hơn cả là văn hóa này không chỉ nằm trên lý thuyết. Lớp học của tôi luôn gắn liền với thực tiễn, tạo động lực cho học trò. Chính vì lẽ đó, những thành tích vượt trội là điều không hiếm gặp trong lớp Ngữ văn của tôi".

Bên cạnh Kim Ngân, cậu học trò Lê Hoàng Hà (chuyên Anh Nguyễn Huệ) cũng khiến cô Hoài Thanh không khỏi tự hào khi đạt điểm 9 môn Văn và tổng số điểm 28,00 cho 3 môn thi khối D.01.

Nói về cô giáo dạy Văn của mình, Hà đã có những chia sẻ vô cùng xúc động: "Em rất tự hào với điểm 9 môn Ngữ văn. Nó lấp lánh hơn bất kỳ điểm 9 nào em nhận được.

Đừng nhìn vào kết quả, hãy nhìn vào hành trình. Cô Thanh đã thay đổi những học sinh như chúng em với xuất phát điểm thấp của môn Văn để đưa đến sự dâng trào như hôm nay".

Gắn bó với cô Thanh từ hè năm 2020, học sinh Phạm Đăng Thành (Lớp D4 Trường Nguyễn Tất Thành) cũng tự hào kể về điểm số 8,75 môn Ngữ Văn của mình. Theo Thành, khi giảng bài, cô Thanh thường lồng ghép với nhiều kiến thức cuộc sống. Không chỉ dễ tiếp thu, các giảng này còn giúp các em học sinh thêm yêu thích môn Văn, gần gũi hơn với cái hay, cái đẹp trong cuộc sống.

Chia sẻ về những "trái ngọt" đáng tự hào, cô Thanh cho hay, nhìn vào kết quả thi môn Văn chính thức của lớp, cô cảm thấy nhẹ nhõm và thêm tự tin vào kinh nghiệm dạy Văn của mình.

Theo cô Thanh, học Văn chính là một hành trình của sự cố gắng. Nói về học sinh được điểm 10 môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cô Hoài Thanh nhận xét: "Học sinh đó thường có sự say mê yêu thích văn chương. Những bạn này thường có yếu tố sáng tạo, độc đáo trong viết văn, có sự hiểu biết về lý luận văn học".

Khẳng định đó là 3 yếu tố cần thiết, song theo nhà giáo Hoài Thanh, không chỉ nắm chắc kiến thức, những học sinh sở hữu thành tích nổi bật môn Ngữ văn thường có tinh thần tự giác, tự chủ tìm kiến thức, khám phá nét đẹp văn chương. Quan trọng hơn, để đạt điểm tối đa trong môn học này, cũng rất cần một cảm xúc mãnh liệt để truyền cảm hứng cho người đọc.