Đào tạo ngành tiếng Nhật bước sang giai đoạn mới

(Dân trí)-Hiện nay, sách giáo khoa cho tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy đại trà từ lớp 6 đến lớp 12 cũng đã hoàn tất. Tuy nhiên, từ năm học 2013, kế hoạch giảng dạy tiếng Nhật lại chuyển hướng, hoà chung vào cải cách giảng dạy ngoại ngữ với “Đề án 2020 của Bộ Giáo dục”.

Thông tin trên được khoa tiếng Nhật - trường ĐH Hà Nội đưa ra tại Hội thảo quốc tế lần thứ 2 “Giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai” vừa tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giữa Việt Nam và Nhật Bản và kỷ niệm 40 năm phát triển ngành tiếng Nhật tại Đại học Hà Nội.

Hội thảo đã thu hút hơn 150 khách mời, các giảng viên, các nhà nghiên cứu của 5 quốc gia với nhiều báo cáo khoa học.

Theo Ban tổ chức Hội thảo, việc giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu về Nhật Bản đang bước vào một giai đoạn mới vì quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, sau 40 năm dựng xây và phát triển cũng đã và đang bước sang một giai đoạn mới. Nhật Bản đã khẳng định vị thế là một đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam.

Do đó, việc giảng dạy và nghiên cứu tiếng Nhật ngày càng được mở rộng cả về chiều rộng và bề sâu. Từ năm 2003, nhân dịp năm kỉ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Bộ Giáo dục Việt Nam và Đại Sứ quán Nhật xúc tiến thực thi “Đề án dạy thí điểm tiếng Nhật trong các trường trung học” từ lớp 6 đến lớp 12 trong 10 năm. Đến năm 2013 cũng là giai đoạn hoàn tất thực hiện đề án này.

Cũng theo Ban tổ chức Hội thảo, hiện nay, sách giáo khoa cho tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy đại trà từ lớp 6 đến lớp 12 cũng đã hoàn tất. Tuy nhiên, cũng từ năm học 2013, kế hoạch giảng dạy tiếng Nhật lại chuyển hướng, hòa chung vào cải cách giảng dạy ngoại ngữ với “Đề án 2020 của Bộ Giáo dục”.

5 năm trở lại đây, khoa tiếng Nhật của Trường ĐH Hà Nội đã đào tạo 593 cử nhân hệ chính quy và 365 cử nhân hệ vừa làm vừa học chuyên ngành tiếng Nhật. Phần lớn sinh viên của khoa tốt nghiệp đều tìm được việc làm và làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, được đánh giá cao về trình độ chuyên môn, khả năng thích ứng nhanh với công việc, kỹ năng thực hành và tính năng động, sáng tạo.

Theo kết quả điều tra của sinh viên, trong những năm gần đây, gần 100% sinh viên của khoa tốt nghiệp tìm được việc làm, trong đó số sinh viên có việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo đạt trên 90%. Các sinh viên ra trường hầu hết đều làm những công việc liên quan đến công tác biên - phiên dịch tiếng Nhật.

Hồng Hạnh