Đào tạo liên thông: chưa thông chưa liên?

(Dân trí) - Sau hai năm kể từ khi Bộ GD-ĐT cho phép 6 trường CĐ đầu tiên được phép thực hiện đào tạo liên thông từ bậc THCN lên CĐ và lên ĐH, đến nay đã có 10 trường. Tuy nhiên tại ngay cả những trường được phép đào tạo kiểu này, SV cũng không mấy hứng thú.

Trường CĐ Công nghiệp HN là một trong những trường CĐ đầu tiên thực hiện liên thông ở 5 ngành Cơ khí chế tạo máy, Cơ khí động lực, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử, Công nghệ thông tin.

 

Trong năm đầu tiên tuyển sinh quang cảnh đã hết sức buồn vắng. Mặc dù nhà trường có thông báo tuyển sinh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi công văn tới các trường có đào tạo bậc THCN để hợp tác tuyển sinh đào tạo liên thông, nhưng cũng chỉ nhận được 174 hồ sơ xin học vào hai ngành là Điện tử và Công nghệ thông tin còn những ngành còn lại chỉ có lẻ tẻ một vài học sinh đến đăng ký. Tại sao lại có tình trạng này?

 

Theo tiêu chuẩn để được đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT thì học sinh đạt loại khá, giỏi trở lên mới được thi lên học liên thông, học sinh có học lực trung bình thì phải qua 2 năm công tác. Ông Nguyễn Xuân Nguyên, phó hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp HN nhận xét: với quy định này quả thật rất khó cho ngưới học. Chẳng hạn như ở trường chúng tôi, hệ THCN mỗi năm ra trường khoảng 1000 sinh viên nhưng chỉ có 20-30% trong số đó có học lực khá giỏi và các em thường đã có nới nhận vào làm việc luôn nên cũng không muốn học tiếp lên. Còn những sinh viên học lực trung bình thì phải qua 2 năm công tác. Sau 2 năm đi làm này họ đã kiếm đựoc việc làm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, dù muốn đi học lên cũng vô cùng khó vì sợ mất chỗ hoặc chính những nơi họ đang làm việc đó không cho phép.”

 

Với quy định quá chặt trên nên nhiều trường có nhiều thí sinh đến đăng ký thi liên thông nhưng không dám nhận khi thí sinh đó mới chỉ qua một năm công tác, nếu nhận thì sẽ sai quy chế của Bộ, trong khi chỉ tiêu đào tạo của trường thì trong tình trạng muốn tuyển đủ được quả là phải có phép thần kỳ!

 

Cùng đó, trong tâm lý của đại bộ phận sinh viên có quan tâm đến liên thông là  thi lên CĐ rồi liệu còn có thể thi lên ĐH, nếu không thì việc học chỉ càng làm mất thời gian! Ông Tạ Xuân Tề, hiệu trường trường CĐ Công nghiệp 4 (nay trường này đã được nâng cấp lên thành ĐH) cho biết: Có lẽ học sinh lo về thời gian học! Cái đáng quan tâm nhất là liệu có thể học tiếp lên ĐH nữa không thì ít khi được giải đáp khi những trường ĐH sẵn sàng đón học sinh lên học liên thông rất mờ mịt về thông tin!

 

Như vậy, mặc dù như khẳng định của ông Nguyễn Đại Thành, Vụ trưởng Vụ THCN là: Không thể phủ nhận việc đào tạo liên thông thúc đẩy học sinh tích cực học tập. Tuy nhiên, thực tế diễn ra có lẽ không phải thế khi nhà trường thì gặp nhiều rắc rối không cần thiết trong tuyển sinh và người học thì luôn trong tình trạng lơ mơ về quyền lợi khi mà những gì mà họ phải thực hiện để được hưởng quyền lợi này còn quá nhiều nhiêu khê. Thế nên, họ đã nản lòng ngay từ trước khi nhìn thấy quyền lợi !

 

Theo Minh Tâm – sinh viên trường THKT điện I kể: “Vì trường của em không có đào tạo liên thông nên theo quy định, em phải làm đơn theo mẫu rồi yêu cầu trường đã học xác nhận trước khi gửi hồ sơ đến trường nhận đào tạo liên thông. Em đành thôi không xin thi liên thông nữa vì quay lại trường xin xác nhận vừa xa, vừa vất vả mà klhông biết có thi đỗ không?”

 

Một trong những mục tiêu của đào tạo liên thông là không chỉ nhằm nâng thợ lên thành thầy mà nâng cao yêu cầu của người thợ để đáp ứng đựơc yêu cầu của sự phát triển. Tuy nhiên với sự chưa thông, chưa liên trong hai năm qua, liệu mục tiêu này bao giờ mới đạt được?

 

 

Châu Bi