Đắk Lắk: 10 năm, trên 35.000 người lao động nông thôn được đào tạo nghề

Thúy Diễm

(Dân trí) - Sau 10 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Đắk Lắk, đã có trên 1.000 lớp được mở, đào tạo nghề cho trên 35.000 người.

Sẽ tạo điều kiện học viên vay vốn sau khi tốt nghiệp đào tạo nghề

Ngày 26/11, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (giai đoạn 2010 - 2020) theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Đắk Lắk: 10 năm, trên 35.000 người lao động nông thôn được đào tạo nghề - 1
Ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk cho biết sẽ đề xuất UBND tỉnh và các ngân hàng để tạo điều kiện cho học viên sau đào tạo được vay vốn phát triển nghề nghiệp

Đề án 1956 được triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế.

Sau 10 năm triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Đắk Lắk, đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trang bị kiến thức, chuyển đổi nghề nghiệp cho nhiều lao động. Ban chỉ đạo Đề án đã triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để giải quyết vấn đề tạo việc làm sau khi học.

Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.022 lớp đào tạo nghề cho 35.629 lao động với tổng kinh phí thực hiện trên 105 tỷ đồng. Trong đó, số lao động nông thôn được đào tạo có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập tăng lên đạt trên 82%.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những ưu điểm và tồn tại sau 10 năm thực hiện đề án. Đồng thời, nêu lên phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn kế tiếp để đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự hiệu quả mang được nhiều kết quả tích cực.

Đắk Lắk: 10 năm, trên 35.000 người lao động nông thôn được đào tạo nghề - 2
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Đắk Lắk những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực

Đại diện cho hàng ngàn người lao động được đào tạo nghề, anh Trần Dũng Mạnh (29 tuổi, thôn 12, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, anh ra trường không tìm được việc làm phù hợp. Đến năm 2014, nhận được thông tin Trung tấm Giáo dục nghề nghiệp và GDTX huyện Cư Kuin mở lớp chăn nuôi heo, anh đã nhanh chóng đăng ký.

"Sau 3 tháng học nghề, tôi được trang bị những kiến thức để sẵn sàng cho việc chăn nuôi. Tôi đã mạnh dạn liên kết cùng một công ty trên địa bàn triển khai mô hình trang trại quy mô 2.000 con heo/năm và cung ứng ra thị trường khoảng 18.000 tấn thịt heo/năm. Với mô hình này mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi mỗi năm từ 600 - 700 triệu đồng", anh Mạnh chia sẻ.

Cũng theo anh Mạnh, nhờ đào tạo nghề mà anh có bước ngoặt để có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Đồng thời, anh cũng kiến nghị chính quyền cần có sự hỗ trợ vốn cho học viên các lớp đào tạo nghề để phát triển kinh tế.

Trước những trao đổi, chia sẻ từ các đại biểu, các học viên, ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến. Ông Hùng cho biết, Sở sẽ có đề xuất lên UBND tỉnh, ngân hàng tại Đắk Lắk để tạo điều kiện cho học viên tốt nghiệp học nghề được tiếp cận được nguồn vốn, hiện thực hóa những kiến thức đã được đào tạo.

Bên cạnh đó, về những khó khăn trong cơ sở vật chất tại các trường nghề hiện nay, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục có đề xuất cấp tỉnh đầu tư một số trang thiết bị và đề nghị chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cùng đồng hành, quan tâm có kinh phí cho việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị đào tạo nghề.

Sở cũng sẽ đề xuất Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có sự đầu tư cho trung tâm dạy nghề nhằm tránh việc chỉ dạy lý thuyết, dạy "chay" dẫn tới chất lượng chưa cao. Riêng việc thiếu giáo viên dạy nghề là vấn đề các cấp ngành đang tích cực xem xét, giải quyết.

Đào tạo nghề cần sự phối hợp của toàn xã hội

Phát biểu tại hội nghị, bà H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề đã ghi nhận kết quả thực hiện Đề án mà toàn tỉnh đã thực hiện suốt 10 năm qua.

Đắk Lắk: 10 năm, trên 35.000 người lao động nông thôn được đào tạo nghề - 3
Các cá nhân, tập thể xuất sắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được nhận bằng khen từ UBND tỉnh Đắk Lắk

Cũng theo bà H'Yim, Đề án 1956 có phạm vi triển khai rộng, thời gian thực hiện dài, có yêu cầu nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cấp ngành và của toàn xã hội. Do vậy, quá trình triển khai tổ chức thực hiện Đề án của tỉnh thực tế đang đặt ra những đòi hỏi bức thiết về việc cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo sự đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao.

 "Thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể và của người dân, người lao động khu vực nông thôn về tầm quan trọng của đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm ở nông thôn góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới", bà H'Yim nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH tích cực tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; các Sở, ngành liên quan cần phối hợp để thực hiện tốt đề án.

"Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu, không chạy theo số lượng, tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng lao động", bà H'Yim nêu rõ.

Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 5 cá nhân, Sở LĐ-TB&XH tặng Giấy khen cho 12 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".