Con 15 tuổi vô tâm, vô trách nhiệm do đâu?

(Dân trí) - Luôn yêu chiều, lo lắng, chăm chút tới con mình mọi thời điểm trong đời không phải là một liều thuốc bổ của sự quan tâm. Đó là liều thuốc độc giết chết sự trưởng thành.

"Những đứa trẻ to xác" giữa thời đại smartphone

- Minh ơi, con thích ăn gì nào?

- Ôi, ăn gì chẳng được ạ.

- Minh ơi, gấp hộ mẹ đống quần áo!

- Minh ơi?

Gọi đến lần thứ 3, Minh - cậu bạn 14 tuổi mới ngẩng đầu lên khỏi điện thoại, nhăn nhó nhìn mẹ. Cậu bạn đang mải mê lướt Facebook.

Chị Hương thở dài. Không dưới một lần, chị cảm thấy buồn và lạc lõng trong căn nhà khi càng lớn, con càng vô tâm. Từ sinh hoạt cá nhân từ gấp chăn màn, dọn dẹp phòng cho đến việc vệ sinh nhà cửa… đều phải do chị và người giúp việc làm. Chị tự nhủ để con tập trung vào học tập, nhưng càng lên lớp cao, thành tích của Minh càng tụt lùi so với các năm trước, dù chị đã mời cả gia sư về kèm cặp riêng. Nhưng có một điều không giảm là Minh càng ngày càng thích dùng điện thoại, cứ đi về là vào phòng đóng cửa chơi game, lướt Facebook chat với bạn bè. Khi nào chị nói rát quá, Minh mới vùng vằng làm theo lời mẹ.

Những trường hợp như trên không hề thiếu trong đời sống đô thị hiện đại. “Thế nào cũng được ạ” dường như là một phản xạ. Phản xạ này phản ánh việc thờ ơ và vô tâm trong đời sống cá nhân cũng như giao tiếp xã hội. Không thiếu những trường hợp đã lên cấp 3, bố mẹ vẫn phải theo dõi con từng bữa ăn, giấc ngủ. Mới đây, cộng đồng mạng lan truyền bức ảnh một người mẹ ra tận quán net bón đồ ăn cho con đang mải chơi game. Sự nuông chiều thái quá của bố mẹ, cộng với cái bẫy internet, công nghệ thu gọn trong một chiếc điện thoại thông minh đầy “ma lực” càng khiến tình trạng này thêm tồi tệ.

Con 15 tuổi vô tâm, vô trách nhiệm do đâu? - 1

Các bạn trẻ ôm điện thoại suốt ngày nhưng lại ít khi gần gũi, trò chuyện với cha mẹ. (Ảnh minh họa: Trường THPT FPT)

Ra đường không chào hỏi, được người khác giúp đỡ không cảm ơn, làm sai không xin lỗi, học gì không tự mình lựa chọn, bản thân mình thích gì, giỏi gì không biết… Vô tâm với người xung quanh, vô trách nhiệm với bản thân mình, chỉ biết nhận chứ không biết cho đi. Nhiều đứa trẻ tuổi 15 hời hợt, sống theo lập trình, giục giã của bố mẹ và chạy theo những trào lưu trên mạng.

Tuổi 15 vô tâm - Nguyên nhân lớn đến từ cha mẹ

Nguyên nhân của sự vô tâm của con cái nói chung, nhất là trong giai đoạn dậy thì, vị thành niên nói riêng phần nhiều đến từ chính sự quan tâm, nuông chiều thái quá của phụ huynh. Cha mẹ có xu hướng làm hết hộ con, không để con phải “vất vả”. Phụ huynh luôn nghĩ con mình còn nhỏ, con làm sẽ bị sai, sẽ không thể đúng ý mình. Vì vậy, họ có tâm lý “Thà mình làm hết cho xong” “Thôi thuê giúp việc làm để con còn học”… Thay vì dạy con cư xử, phụ huynh cần con học thêm.

Con cái sống lâu trong sự nuông chiều của bố mẹ, coi sự cung phụng, “chống lưng” này như một sự hiển nhiên. Bản thân mình không cần phải làm những việc này, không cần phải cố gắng cho tương lai, không cần phải quan tâm tới người khác, vì tất cả đã có bố mẹ lo.

Mặt khác, sự nuông chiều thường có xu hướng đi kèm với việc áp đặt. Thay vì để con lựa chọn, nhiều phụ huynh thay con chọn luôn trường, luôn tương lai. Kỳ thi Đại học của Việt Nam phản ánh rõ sự can thiệp một cách quá mức của bố mẹ vào tương lai của các con, khi nhiều gia đình thay con chọn ngành, chọn trường, thay con nộp hồ sơ, thậm chí chạy suất vào trường…

Con 15 tuổi vô tâm, vô trách nhiệm do đâu? - 2
Mỗi mùa thi, cha mẹ tất bận, bận rộn hơn cả con. Ảnh: Dân trí

Hệ quả là, ở Việt Nam không thiếu những trường hợp, dù đã 30 tuổi rồi nhưng vẫn là người chưa lớn. Vẫn được bố mẹ hỗ trợ về kinh tế, được bố mẹ nâng đỡ từ sự nghiệp cá nhân, cuộc sống gia đình cho đến những việc nhỏ nhất. Không những phụ thuộc, con họ còn không trân trọng công sức, tiền bạc của bố mẹ, có xu hướng chơi bời… Kết quả này xuất phát từ chính trong quá trình phát triển trước đó của con.

Để trẻ tự lập, hãy cho chúng biết giá trị của tự do

Bản chất việc quan tâm, chiều con bản chất không xấu. Nhưng, đã bao giờ trước khi cho con một thứ gì, tạo mọi điều kiện cho con, phụ huynh tự đặt ra câu hỏi rằng: Con mình có thật sự “cần” nó hay không? Hay khen thưởng, nuông chiều như vậy đã thành một thói quen thỏa mãn chính phụ huynh và mang lại cho họ cảm giác mình là một người cha/ người mẹ yêu thương mẫu mực?

Bởi mọi quá trình trải nghiệm, học tập, trưởng thành chỉ có giá trị khi chính cá nhân đó hiểu được sự cần thiết và tự tay thực hiện chúng. Ba mẹ nghĩ con cần vào Đại học A sự nghiệp mới khởi sắc trong khi có thể con họ thì không tuy nhiên vẫn cố chạy cho con một suất để vào bằng được trường đó là làm hại con! Đó là ngang nhiên tước đi quá trình tự nhận thức, khám phá và tri ngộ của con trước cuộc sống, đồng thời, bắt chúng phải ăn một miếng bánh mà chúng chẳng mấy háo hức vì không tự mình có được và tin rằng không ngon. Sau tất cả, cha mẹ không thể sống hộ cuộc đời cho con mình.

Con 15 tuổi vô tâm, vô trách nhiệm do đâu? - 3

Nhiều phụ huynh cho con học nội trú tại THPT FPT để xây dựng tính tự lập.

Chăm sóc, quan tâm hay định hướng không phải là buộc con vào một cái ròng rọc, bắt con phải lên xuống như cỗ máy theo ý mình. Sự chăm sóc và định hướng hiệu quả nhất là cho con biết được bầu trời ngoài kia đầy cơ hội thú vị và khuyến khích, nâng đỡ con tự khám phá bầu trời ấy. Vì thế, việc tạo cho con một môi trường học tập – giao tiếp xã hội tốt, đủ thông tin và khuyến khích sự tìm hiểu, học tập là rất quan trọng. Con bạn sẽ tự nguyện đặt chân lên con đường phù hợp với thế mạnh của chúng.

Có như vậy, con mới tìm được ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Có như vậy, con bạn mới tự tay xây đắp những giá trị của mình bằng tất cả sức lực và sự cố gắng, mà không cần bạn phải quan tâm từng li từng tí.

Có như vậy con bạn mới tự lập, và trưởng thành.