Có công bố quốc tế, giáo dục mới tạo sự khác biệt về chất lượng

(Dân trí) - Khi những kết quả nghiên cứu của giảng viên được đưa vào bài giảng thì chắc chắn chất lượng giáo dục mà họ mang lại cho đại học là sự khác biệt.

Tiếp bài phỏng vấn “Cách phân biệt tập san khoa học quốc tế “dỏm” , TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục chia sẻ về việc đăng một bài báo chất lượng trên ISI/Scopus, về xu thế liên kết nghiên cứu, giải pháp ngăn chặn công bố trên tạp chí quốc tế kém chất lượng…

Gian nan công bố quốc tế

Phóng viên: Việc đăng một bài báo chất lượng ISI/Scopus thường có thời gian bao lâu thưa ông?

TS. Lê Văn Út: Việc phản biện/thẩm định một công trình nghiên cứu để dẫn tới quyết định nhận đăng một cách nghiêm túc thì nói chung là rất khó. Tùy theo đẳng cấp của các tập san ISI/Scopus mà người phản biện sẽ có cách đánh giá và đề xuất phù hợp theo yêu cầu của tập san.

Nhưng nhìn chung thì người phản biện phải đánh giá được kết quả của công trình có thực sự mới hay không, có thực sự cách tân trong chuyên ngành hay không; nếu cái mới hay tính cách tân chỉ mang tính tương tự với những kết quả đã công bố trước đó thì khó được chấp nhận.

Cái khó thứ hai là người phản biện phải kiểm tra tính đúng đắn của kết quả mới của công trình; việc này có thể nói là rất khó và rất mất thời gian vì không phải người phản biện khoa học nào cũng đủ kiên nhẫn.

Qua đó cho thấy việc phản biện một công trình khoa học một cách nghiêm chỉnh là rất khó, rất cần sự khách quan, sự kiên nhẫn và đẳng cấp khoa học thực sự của người phản biện.

Thông thường theo quy trình, một thành viên trong hội đồng thẩm định của tập san được phân công xem xét một công trình gửi đến tập san. Chuyên gia này sẽ phản có hai quyết định: một là từ chối ngay nếu thấy công trình không phù hợp với đẳng cấp của tập san (có thể vì không có kết quả gì mới hoặc có kết quả mới nhưng không đáp ứng yêu cầu), hoặc là quyết định gửi cho chuyên gia phản biện.

Quá trình phản biện của các chuyên gia sẽ xuất hiện nhiều tình huống. Chuyên gia phản biện độc lập thống nhất đề xuất công trình đạt yêu cầu và có thể công bố ngay; thông thường thì lãnh đạo chuyên môn của tập san sẽ cho công bố công trình này. Đây là tình huống vui và hạnh phúc nhất của tác giả. Tuy nhiên, thực tế thì tình huống này không phải lúc nào cũng dễ dàng xảy ra.

Phản biện có thể yêu cầu tác giả phải chỉnh sửa nhỏ trước khi công trình có thể được công bố. Trong trường hợp này, tác giả chỉ cần chỉnh sửa và gửi lại công trình cho tập san, đa số các công trình này đều được nhận công bố. Phản biện có thể đề nghị tác giả phải có những chỉnh sửa quan trọng để được xem xét lại.

Trong trường hợp này, lãnh đạo khoa học tập san có thể yêu cầu tác giả thực hiện yêu cầu của phản biện hoặc cũng có thể từ chối ngay. Cũng cần lưu ý thêm là lãnh đạo khoa học của tập san có thể quyết định từ chối công bố công trình trong bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình trên, ngay cả khi có ý kiến ủng hộ từ chuyên gia phản biện độc lập.

Từ khi tác giả đã hoàn thành bài báo khoa học tới lúc được đăng trên tập san khoa học có uy tín là một quãng thời gian không ngắn. Nếu tác giả nhận được phản biện của tập san trong vòng vài tuần thì có thể xem nhanh, thường thì cũng từ 1-3 tháng hoặc có thể từ 3-6 tháng.

Sau đó có thể là quá trình tác giả phải chỉnh sửa lại, bổ sung công trình theo yêu cầu của phản biện thì sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian nữa.

Như vậy, nếu mọi việc thuận lợi thì việc thẩm định và quyết định nhận đăng một công trình có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng, trường hợp phải chỉnh sửa/bổ sung thì có thể kéo dài từ 6 – 12 tháng hoặc thậm chí có thể dài hơn nữa. Điều này cho thấy quá trình công bố khoa học là hết sức gian nan.

Phóng viên: Những lĩnh vực nào có nhiều bài báo ISI/Scopus nhất?

TS. Lê Văn Út: Câu hỏi liệu lĩnh vực nào dễ có bài ISI/Scopus thì là một câu hỏi rất tế nhị và đôi khi không dễ có câu trả lời chính xác.

Theo thống kê của Web of Science (WoS, Mỹ) trong năm 2019, cả thế giới có 2.191.529 bài báo (loại article) đã được công bố trên các tập san ISI.

Có công bố quốc tế, giáo dục mới tạo sự khác biệt về chất lượng - 1
Ảnh chụp trực tiếp từ WoS ngày 30/10/2020

Dữ liệu thống kê trên cho thấy lĩnh vực kỹ thuật là có nhiều công bố ISI nhất (12.45%), kế đến là lĩnh vực hóa học (9.99%) và theo thứ tự kế tiếp là khoa học vật liệu, vật lý, môi trường, khoa học máy tính, toán học, hóa sinh, kinh tế, thần kinh học, dược học, tâm lý học, ung thư, kiến trúc, nghiên cứu giáo dục…

Như vậy, tuy lĩnh vực kỹ thuật và cơ bản là có nhiều công bố ISI nhất nhưng những lĩnh vực về kinh tế-xã hội cũng thuộc nhóm dẫn đầu là một điều đáng mừng, vì đều này đã minh chứng cho việc công bố khoa học không thể là quá dễ hay quá khó đối với bất kỳ một lĩnh vực nào.

Công bố nhiều sẽ không kiểm soát được chất lượng

Phóng viên: Vừa qua, một số nhà khoa học có số lượng công bố quốc tế nhiều khiến dư luận "giật mình" và họ lý giải rằng do liên kết nghiên cứu, đa ngành... ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Lê Văn Út: Mặc dù những vấn đề này thuộc loại tế nhị và dễ tranh cãi. Tuy nhiên, theo tôi đây là những vấn đề rất đáng quan tâm. Tôi nghĩ một nhà khoa học có khả năng công bố đa ngành thì chứng tỏ hướng nghiên cứu của anh ấy có sức ảnh hưởng lớn hoặc anh ấy phải có năng lực vượt trội, và cũng có thể do đặc thù ngành.

Ngoài ra, xu hướng công bố liên ngành cũng đang được khuyến khích, một kết quả nghiên cứu của ngành này mà có thể được áp dụng để giải quyết những vấn đề trong các lĩnh vực khác thì sẽ có rất nhiều ý nghĩa.

Hơn nữa, việc lựa chọn lĩnh vực đa dạng để nghiên cứu và công bố khoa học thì cũng là một phần trong tự do học thuật trong thế giới văn minh; tôi chưa thấy đại học nào cấm hay không ủng hộ việc này cả.

Tuy nhiên, tôi đồng ý là chất lượng vẫn hơn số lượng và chất lượng đó phải được thẩm định bài bản chứ không chủ quan hay cảm tính. Không thể nói một người công bố ít thì những công bố đó có chất lượng hay một người công bố nhiều thì những công bố đó không chất lượng.

Việc công bố nhiều hay ít thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố: đặc thù ngành, phong cách nhà khoa học, số lượng thành viên nhóm nghiên cứu, dự án nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu có được…

Nhưng rõ ràng là một nhà khoa học có quá nhiều công bố hàng năm thì dễ dẫn đến nguy cơ có thể sẽ không kiểm soát hết chất lượng của các công trình.

Một người có hàng trăm công trình ISI nhưng trong sự nghiệp khoa học của người đó chưa từng có ít nhất một công trình tốt nhất trong chuyên ngành (hoặc ngành gần) thì người này có thể không được đánh giá cao.

Thực tế cho thấy có những nhà khoa học chỉ cần có vài hoặc vài chục công trình nhưng đa số là được công bố trên những tập san khoa học hàng đầu trong chuyên ngành hoặc liên/đa ngành thì đã có thể bước lên đỉnh cao của sự nghiệp, và đồng thời họ còn có thể được vinh danh bằng những giải thưởng khoa học lớn của thế giới.

Còn đối với giáo sư, là chức vụ chuyên môn cao nhất của những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các đại học (hoặc tại các viện nghiên cứu) nên đã lên tới chức vụ chuyên môn này thì yêu cầu phải có kết quả nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực được bổ nhiệm là đương nhiên.

Điều đó không có nghĩa là những giáo sư này không được phép hay không được khuyến khích nghiên cứu các lĩnh vực liên quan hoặc mở rộng hướng nghiên cứu.

Đặc biệt, nếu những giáo sư thuộc các lĩnh vực cơ bản có thể nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu của họ vào các lĩnh vực khác thì rõ ràng là những công trình của họ sẽ tăng thêm giá trị và thiết thực hơn cho cuộc sống, thay vì chỉ ở trong một tháp ngà chuyên ngành hẹp.

Có công bố quốc tế mới có sự khác biệt trong bài giảng

Phóng viên: Việc công bố quốc tế hiện nay như một “cuộc đua” để các trường đại học thực hiện trong việc xếp hạng. Vậy, theo ông, các trường đại học nên có giải pháp nào để ngăn chặn, cảnh báo các tập san kém chất lượng và khuyến khích các giảng viên công bố ở các tập san có chất lượng?

TS. Lê Văn Út: Tôi không nghĩ công bố quốc tế là thuần túy chỉ để phục vụ cho mục tiêu xếp hạng đại học. Một khi một đại học có nhiều công bố quốc tế thì chắc chắn rằng giảng viên của họ có nhiều kết quả nghiên cứu mới trong chuyên ngành.

Khi đó, nội dung bài giảng của họ đương nhiên sẽ được cập nhập thường xuyên, một khi những kết quả nghiên cứu được đưa vào bài giảng thì chắc chắn rằng chất lượng giáo dục mà họ mang lại cho đại học của họ là khác biệt.

Đặc biệt, trong đào tạo sau đại học thì nếu không có kết quả nghiên cứu mới thì giảng viên không thể hướng dẫn những luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ có chất lượng.

Như vậy công bố khoa học trên các tập san quốc tế là con đường duy nhất để nâng cao chất lượng giáo dục của một đại học, bên cạnh nhiều lợi ích khác như chuyển giao để mang tiền về cho cá nhân nhà khoa học và đại học, tăng thương hiệu, thu hút chất xám về cho đại học… Và đương nhiên, một đại học có công bố khoa học tốt thì có nhiều cơ hội được vào các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới.

Việc ngăn chặn và cảnh báo giảng viên không công bố công trình trên những tập san kém chất lượng và khuyến khích họ công bố trên những tập san có chất lượng cao là việc không nhất thiết phải bàn ở các đại học hàng đầu thế giới.

Ở các đại học này, từng giảng viên, từng nhà khoa học tự họ đều biết làm thế nào là tốt nhất cho sự nghiệp khoa học của họ, cho sự thăng tiến hoặc ổn định đối với các chức vụ chuyên môn mà họ đã đạt được. Một khi tên và cơ quan của họ xuất hiện trên những tập san khoa học kém chất lượng thì họ sẽ có thể nhận rất nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, việc này đôi khi lại là thử thách rất lớn của các đại học ở các nước đang phát triển hoặc mới phát triển. Thật ra, nếu lãnh đạo các đại học này chỉ cần quyết tâm thì có thể thực hiện ngay việc này.

Kinh nghiệm từ đại học nơi tôi đang làm việc là sau khi đơn vị tham mưu báo cáo phân tích về những nguy hại và tốn kém của những công trình được công bố trên các tập san kém chất lượng thì lãnh đạo quyết ngay về việc phải tiến tới ban hành quy định để ngăn chặn vấn nạn này, phải đưa ra danh sách và cách phân biệt thế nào là các tập san khoa học kém chất lượng.

Một khi giảng viên của trường công bố công trình trên những tập san kém chất lượng thì chẳng những không được quyền lợi gì mà còn có thể bị xem xét xử lý.

Và đồng thời cũng nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích giảng viên công bố công trình khoa học trên những tập san khoa học có chất lượng thông qua quy định trong chính sách tiền lương: một giảng viên công bố công trình hạng nào thì mức lương tương ứng với hạng đó.

Với cách làm như thế, tôi thấy rằng những đồng nghiệp của mình lúc nào cũng tranh thủ công bố công trình của họ trên những tập san khoa học hàng đầu trong chuyên ngành vì chẳng những uy tín khoa học của họ được nâng cao mà chế độ lương của họ cũng tăng theo.

Ngoài ra, tác giả những công trình được công bố trên những tập san hạng cao còn được vinh danh toàn trường. Tóm lại, để giải quyết được vấn đề phóng viên nêu thì chỉ cần tầm nhìn của lãnh đạo và khả năng tham mưu ban hành chính sách hợp lý của đơn vị quản lý khoa học là có thể thực hiện được ngay.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm