Chuyên gia giáo dục: Các nhãn hàng nỗ lực hiểu con cháu chúng ta hơn bố mẹ!

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong khi bố mẹ cho rằng con khó hiểu, lập dị, quái đản... thì các thương hiệu, nhãn hàng rất nỗ lực tìm hiểu và nắm bắt xu hướng, nhu cầu, tình cảm thế hệ trẻ.

 Lời cảnh báo này được nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ tại diễn đàn "Đối thoại với Gen Z" (các bạn trẻ sinh trong giai đoạn 1995 - 2012) vừa diễn ra tại TPHCM. 

Chuyên gia giáo dục: Các nhãn hàng nỗ lực hiểu con cháu chúng ta hơn bố mẹ! - 1

Bố mẹ không kịp nắm bắt được đặc biệt, cá tính, nhu cầu... của thế hệ trẻ (Ảnh chụp từ tài liệu diễn đàn)

Nhiều biểu hiện, đặc điểm của thế hệ Z từ cách ăn mặc, quan điểm sống, hành xử, công việc.... có thể làm nhiều phụ huynh bị "sốc", không hiểu nổi về con, cho rằng con lập dị, quái đản.

Trong khi đó, bà Uyên Phương cho hay, các nhãn hàng tiêu dùng, các thương hiệu họ lại rất nỗ lực, tìm mọi cách để hiểu con cháu chúng ta hơn cả chính bố mẹ. 

Không ai hỏi các bạn thích gì, muốn gì?

Người trẻ hiện nay thường được mặc định sống chỉ biết bản thân, sống cho bản thân. 

Vậy nhưng, CEO Thi Anh Đào, một trong 30 gương mặt trẻ nổi bật của Việt Nam do Forber bình chọn cho biết, điều làm chị bất ngờ là khi nói chuyện với các bạn học sinh, sinh viên, khi chị hỏi các bạn thích điều gì, muốn điều gì... Các bạn cũng rất ngạc nhiên khi nghe hỏi vậy vì hầu như chưa bạn nào từng được hỏi các em thích gì, muốn gì. 

Chuyên gia giáo dục: Các nhãn hàng nỗ lực hiểu con cháu chúng ta hơn bố mẹ! - 2

Chị Thi Anh Đào: Các bạn trẻ vô cùng ngạc nhiên khi được hỏi các bạn thích điều gì, muốn điều gì? 

Nhiều bạn rất đau đớn khi được chị hỏi câu này. Hơn 20 tuổi đầu, chưa một ai từng hỏi các em muốn gì?

"Nhu cầu của đứa trẻ đã bị bỏ quên. Các em luôn bị bố mẹ đưa vào thế nên thế này, nên thế kia, phải như vậy... Còn các em thích gì, muốn gì, không ai quan tâm", chị Đào nói. 

Được xem là thành công sớm, chị Thi Anh Đào bày tỏ, có lẽ may mắn

"Các em luôn bị bố mẹ đưa vào thế nên thế này, nên thế kia, phải như vậy... Còn các em thích gì, muốn gì, không ai quan tâm", CEO Thi Anh Đào 

lớn nhất của chị là ngay từ bé, trong mọi việc liên quan đến nản thân mình, đã luôn được bố mẹ hỏi ý kiến về suy nghĩ, mong muốn, dự định. 

Nhờ vậy, chị có khả năng lập kế hoạch từ rất sớm, có thời gian gian biểu về ăn ngủ, học tập, vui chơi rất cụ thể. Bắt đầu từ tiểu học đã có kế hoạch 2, 3, 5 năm lần 1, lần 2... Điều này tạo nên thói quen và rèn tính kỷ luật cao. 

"Hãy trao cho con khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Những điều này, chỉ có bố mẹ, chứ không ai khác làm được cho con", chị Thi Anh Đào nhấn mạnh. 

Không chú trọng đến việc cho con học kiến thức ở Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa...

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết, trong giáo dục con, bà không có định hướng con sẽ đi du học hay vào một trường ĐH nào đó. Bởi bà biết, mình không không thể trang bị cho con đầy đủ hiểu biết về các ngành nghề trong tương lai.

"Khi chúng tôi thiết kế các chủ đề nghề nghiệp cho các bạn trẻ, đã có những nghề mà cách đây 5 - 7 năm, bản thân tôi không thèm gọi đó là một nghề. 

Như stylist, blogger, youtuber, hay quản lý trải nghiệm khách hàng... Lúc đó, tôi nhìn nhận là mấy thứ làm cho vui, không xem đó là nghề nghiệp. Nhưng giờ đây, tôi phải công nhận đó là một nghề", bà Phương nói. 

Chuyên gia giáo dục: Các nhãn hàng nỗ lực hiểu con cháu chúng ta hơn bố mẹ! - 3

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương

5 - 10 năm nữa, những nghề nào sẽ bị máy móc, công nghệ thay thế, những nghề mới nào sẽ xuất hiện... Sẽ rất khiên cưỡng nếu định hướng cho con nghề này sẽ hot, nghề này kiếm ra nhiều tiền. Đó chỉ là dự đoán ở hiện tại, còn tương lai, không thể đoán được. 

Với vai trò là một nhà giáo dục, một người mẹ, bà Phương cho biết, mình chỉ có thể trang bị cho con những tố chất để con có thể tự dự đoán, tự đưa ra lựa chọn. 

Tố chất một con người, trong mọi hoàn cảnh, thời đại đều cần hai tiêu chí là phẩm chất, thái độ và kỹ năng, năng lực. Nếu được cả hai thì quá tốt mà không thể được cả hai thì chí ít phải được một. 

Bà Phương nói: "Trong hai tiêu chí này, tôi đặt phẩm chất, thái độ lên hàng đầu trong giáo dục con. Đó là sự lễ phép, đàng hoàng, biết tôn trọng người khác, biết chia sẻ... Đây là cái nhất định tôi phải dạy cho con". 

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương bày tỏ, để thăng hoa trong công việc, để làm việc với đam mê thì con người cần phải giỏi.

Giỏi có rất nhiều lợi thế chứ không phải như cách hiểu của một số người giáo dục tiến bộ là để mặc kệ. Bà không bỏ qua việc trao cho những kỹ năng để giỏi. 

"Tuy nhiên, tôi không chú trọng đến việc con học các kiến thức ở Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.... mà tập trung vào những kỹ năng cho tương lai", bà Phương khẳng định. 

Hai kỹ năng bà có "can thiệp" vào con là kỹ năng ICT (kết hợp của công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông) và kỹ năng giải quyết vấn đề. Kỹ năng ICT cần phải học, còn kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ chỉ được hình thành khi chúng ta trao quyền cho con giải quyết các vấn đề trong đời sống. 

"Đó không phải khóa học vài ba hôm về là con có khả năng giải quyết vấn đề. Đứa trẻ phải có tư duy giải quyết vấn đề. Việc gì, không cần sự nhúng tay của mình, hãy để trẻ tự giải quyết, tự chịu trách nhiệm", bà Phương nhấn mạnh. 

Những kỹ năng mà thế hệ gen Z và bố mẹ cần học: 

-Nhận diện nhu cầu bản thân 

-Quan sát và lắng nghe nhu cầu của người khác

-Bộc bạch nhu cầu và mong muốn của bản thân mà không xúc phạm/gây tổn thương

-Tìm kiếm giải pháp "win-win" trong trường hợp có xung đột 

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương