Chuyện chưa kể của nhóm SV Việt giành giải thiết kế giao thông châu Á

(Dân trí) - Vượt qua 79 đội đến từ các nước châu Á để giành giải tại cuộc thi Virtual Design World Cup diễn ra tại Nhật, nhóm UTC – DIAN của trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội đã có những chia sẻ thú vị về quá trình tham gia cũng như chiến thắng đã đạt được.

Đội không có giáo viên hướng dẫn

Đội thi UTC – DIAN gồm 3 thành viên: Hà Anh Tuấn Anh, Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Trần Nguyên Anh, đều đang theo học Lớp xây dựng công trình giao thông Tiên tiến khóa 52, trường ĐH Giao thông vận tải.

Tuấn Anh, đội trưởng của UTC – DIAN cho biết, cậu phụ trách việc phân công công việc trong nhóm, lên ý tưởng, là người vẽ và thiết kế chính. Ngọc Diễm làm nhiệm vụ thuyết minh và chuyên tìm hiểu các đồ án quy hoạch trên thế giới để học hỏi. Còn Nguyên Anh tham khảo các thiết kế mới, đóng góp ý tưởng.

“Em biết đến cuộc thi thông qua sự giới thiệu ở trường và đội thi đã tham gia “Virtual Design World Cup 2014”. Là lần đầu tiên tham dự sân chơi quốc tế, cả đội cảm thấy rất may mắn khi lọt vào chung kết và được giải. Nhưng sự may mắn này sẽ không xảy ra nếu như tất cả không cùng cố gắng để thực hiện mục tiêu hướng tới Tokyo”.


Đội UTC- DIAN nhận giải Smart Kinetics Award tại cuộc thi.

Đội UTC- DIAN nhận giải Smart Kinetics Award tại cuộc thi.

Là một trong các đội thi Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”, đội UTC – DIAN đặc biệt ở chỗ phải “tự lực cánh sinh”, không có giáo viên hướng dẫn, tự làm toàn bộ các công đoạn tự vẽ 3D, kẻ tuyến, lên các giải pháp ý tưởng và hoàn thiện.

“Ban đầu, chúng mình cũng muốn có giáo viên hướng dẫn vì sẽ thật tuyệt vời nếu được thầy cô hỗ trợ, vì đó đều là những người rất giỏi, hiểu biết rộng, được đào tạo ở các nước tiên tiến. Nhưng do việc lên ý tưởng, nộp sản phẩm của đội chỉ diễn ra trong 3 ngày trước hạn chót nên không kịp mời giáo viên hướng dẫn”, Tuấn Anh chia sẻ.

Dù vậy, theo Tuấn Anh, việc không có thầy cô hướng dẫn đồng thời cũng là cơ hội cho các bạn thử sức tự vượt qua thử thách. “Không có người hướng dẫn, chúng mình cũng cảm thấy có phần thiệt thòi và trở ngại khi không chắc chắn về ý tưởng, triển khai nhằm chỉnh sửa cho phù hợp …

Để khắc phục vấn đề này, cả nhóm đã cùng bàn bạc kỹ, cố gắng tìm hiểu và đọc rất nhiều đồ án quy hoạch. Khi nào cảm thấy quá bế tắc mà nhóm không giải quyết được thì trong giờ giải lao, nhờ giáo viên trên lớp góp ý”.


Trong hoàn cảnh không có người hướng dẫn, các thành viên trong đội phải nỗ lực gấp bội.

Trong hoàn cảnh không có người hướng dẫn, các thành viên trong đội phải nỗ lực gấp bội.

Theo Tuấn Anh, tham gia cuộc thi này, cậu phải tự học phần mềm thiết kế và mô phỏng UC – Win Road mà ban tổ chức yêu cầu kết hợp phần mềm vẽ 3D như 3Dsmax, sketchup.

“Các phần mềm dạng như thế này, chúng mình không được học ở trường. Mình đã mất 1 tháng để tìm hiểu về phần mềm và mất 2 tháng để tạo dựng kịch bản, vẽ 3D, kẻ tuyến và chèm thêm các mô hình để hoàn thiện. Nhưng vẽ không phải khó nhất mà là đưa ý tưởng vào giải pháp giao thông”, Tuấn Anh nói.

Tự tin và tỏa sáng ở đấu trường quốc tế

Tuấn Anh cho biết, để giành được giải thưởng cuộc thi cần ý tưởng độc đáo, các giải pháp giao thông thiết thực nhưng cũng mang đậm tính thẩm mỹ, bền vững. “Đúng như tên giải thưởng của đội: “Smart Kinetics Award”, chuyển động giao thông thông minh, các tuyến đường, nút giao được bố trí hợp lý, có hầm ngầm để giảm lưu lượng giao thông, kết hợp phương tiện công cộng không phát thải khí CO2 như : tàu điện ngầm để kết nối với bên ngoài, tàu điện một ray monorail, xe buýt điện để kết nối hai bờ eo biển. Người đi bộ và đi xe đạp được ưu tiên có làn đường riêng”.


Đội có cơ hội tiếp xúc, học hỏi với những công nghệ ứng dụng trong giao thông tại Nhật.

Đội có cơ hội tiếp xúc, học hỏi với những công nghệ ứng dụng trong giao thông tại Nhật.

Mặc dù số lượng các đội thi lớn nhưng đội UTC – DIAN không hề áp lực. “Chúng mình đến cuộc thi với tinh thần học hỏi, tìm hiểu các tiến bộ trong giao thông, các công nghệ mới, các đồ án quy hoạnh tiên tiến. Lần đầu tiên tham dự cuộc thi quốc tế, mình cũng rất mong đội có giải nhưng không lo ngại, thậm chí còn tự tin vào phần thi của nhóm”.

Cuộc thi là sân chơi giúp các bạn sinh viên học hỏi được nhiều điều. 5 ngày ở Nhật, đội UTC – DIAN học được văn hóa giao thông của người Nhật, đồng thời có cơ hội tiếp xúc với các giáo sư hàng đầu thế giới về giao thông.

“Cả đội được sử dụng các công nghệ mới nhất như lái xe thông qua cử chỉ cơ thể, được lái xe mô phỏng trên tuyến đường vừa được thiết kế trên máy tính.

Qua cuộc thi này, chúng mình cũng mong có nhiều sinh viên Việt Nam tham gia hơn những cuộc thi quốc tế để học hỏi kinh nghiệm xây dựng giao thông ở các nước tiên tiến. Từ đó áp dụng có chọn lọc, góp phần phát triển đất nước mình”.

Hoài Thư