Cho con nghỉ học ở trường công để khỏi phải lo chuyện "chăm sóc" thầy cô

Quang Trường

(Dân trí) - Chuyển con từ trường công sang trường tư, phụ huynh tránh được chuyện thăm hỏi thầy cô những ngày lễ tết và các phiền phức khác đến từ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ngán ngẩm hoạt động tri ân giáo viên bị biến tướng

Năm ngoái, chị Nguyễn Thu Lan (Hà Nội) chuyển con từ một trường cấp 2 công lập sang trường tư thục. Ngoài nỗi lo con phải chịu áp lực học thêm, chạy đua thành tích, điểm số ở trường công, một trong những nguyên nhân là "văn hóa" tặng quà, phong bì để "chăm sóc" giáo viên ở trường công có nhiều bất cập.

Chị Lan cho biết, đầu năm học nào ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) cũng kêu gọi đóng quỹ trên danh nghĩa tự nguyện, với số tiền hơn 3 triệu đồng/năm. Phần lớn số tiền đó được chi cho việc tặng quà, thăm hỏi giáo viên vào các dịp lễ, tết.

Chị Lan liệt kê, lễ khai giảng, Tết Trung Thu, tổng kết học kỳ, ngày 20/10, ngày 8/3… là những dịp mà chị thấy khó hiểu nhất khi phải nộp tiền để tặng quà thầy cô. Không chỉ quà cáp cho giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu mà tất cả giáo viên bộ môn, các phòng, ban, thậm chí ban bảo vệ cũng phải có quà.

Mặc dù giáo viên không gợi ý nhưng đó là quy định mà ban đại diện CMHS đặt ra.

Cho con nghỉ học ở trường công để khỏi phải lo chuyện chăm sóc thầy cô - 1

Ở một số trường công, hoạt động tri ân thầy cô bị biến tướng khiến nhiều phụ huynh ngán ngẩm (Ảnh minh họa: N.D).

Mỗi món quà bao gồm hiện vật trị giá từ 300-500 nghìn đồng và 500 nghìn đồng tiền mặt bỏ trong phong bì. Có nhiều năm, tiền quỹ không đủ chi cho hoạt động tặng quà, phụ huynh phải nộp thêm.

Theo chị Lan, tiền quà tặng cho giáo viên được thu trên tinh thần tự nguyện nhưng cha mẹ dường như không thể không nộp. Gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn thì phải trình bày lý do xin miễn, giảm trước cuộc họp phụ huynh. Nhiều người vì xấu hổ nên đành phải nộp theo số đông. Nếu không có phụ huynh nào thắc mắc thì ban đại diện CMHS chỉ thông báo thu tiền, chứ không nói đây là khoản tự nguyện.

"Không phải tôi thiếu tiền nhưng tôi thấy việc tri ân thầy cô ngày càng mất ý nghĩa. Tôi chỉ đồng ý trích quỹ để mua quà cho thầy cô vào các dịp 20/11 theo đúng ý nghĩa là Ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, hay Tết Nguyên Đán vì đây cũng là dịp quan trọng, các cụ có câu "mùng 3 tết thầy".

Tuy nhiên, ở trường cũ của con tôi, việc tri ân biến tướng đến mức khó chấp nhận. Dịp lễ nào cũng tặng quà cho không dưới 10 thầy, cô, chưa kể đến các phòng, ban khác thì bao nhiêu cho đủ", chị Lan nói.

Chị Lan cho rằng, việc tặng quà cho thầy cô như vậy hiếm khi xuất phát từ tình cảm của phụ huynh. Chị Lan nhớ hồi con còn học ở trường công, cứ đến các ngày lễ, nhóm chat của phụ huynh lại bàn tán xôn xao chuyện nên tặng quà gì cho thầy cô khỏi chê. Các cha mẹ trong ban đại diện sẽ thăm dò ý tưởng, giá trị quà cáp của phụ huynh các lớp khác để lớp mình mua quà to hơn hoặc ít nhất phải bằng họ.

Chị Phạm Thị Hồng (Hà Nội) cũng khẳng định, chuyện tặng quà ngày lễ ở trường công ngày càng biến tướng, đây là một trong những nguyên nhân khiến chị chuyển con từ trường công sang trường tư.

Chị Hồng cho biết, ngày con chị còn học ở trường công, ngoài việc tặng quà vào các ngày lễ trải dài cả năm thì thỉnh thoảng lại phát sinh thêm dịp sinh nhật giáo viên, thậm chí người thân của thầy cô ốm cũng phải thăm. Vì vậy, chị không thể nhớ mình phải chi bao nhiêu tiền cho hoạt động chăm sóc thầy cô mỗi năm.

Chị Hồng nhớ học kỳ 1 năm con mới lên lớp 6, do chưa biết "văn hóa" tri ân ở nhà trường nên phụ huynh chỉ tặng quà cho thầy cô vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam và dịp Tết Nguyên Đán.

Đầu học kỳ 2, trong một buổi họp, trưởng ban đại diện CMHS toàn trường đã chê trách đại diện phụ huynh của các lớp 6 rằng chưa quan tâm, chăm sóc thầy cô. Sau đó, vị trưởng ban này liệt kê ra các ngày lễ, tết cần tặng quà cho cán bộ, giáo viên nhà trường.

Cho con nghỉ học ở trường công để khỏi phải lo chuyện chăm sóc thầy cô - 2
Ở các địa phương khó khăn, việc tri ân ý nghĩa khi học trò vào rừng hái hoa, kết thành bó để tặng thầy cô (Ảnh: Quốc Triều).

Đáng nói, đây là các khoản do ban đại diện CMHS "vẽ" ra chứ giáo viên không yêu cầu, thậm chí một số thầy cô còn nói thẳng là không nhận quà là tiền mặt. Tuy nhiên, nhiều lớp vẫn thực hiện việc này đều đặn, kéo dài trong nhiều năm liền nên đã trở thành thói quen. Một số phụ huynh chỉ tặng quà cho xong chứ không tôn trọng thầy cô.

"Khi thầy cô nói không nhận tiền mặt thì phụ huynh giấu tiền trong hộp quà, bó hoa. Như vậy là vô tình đặt thầy cô vào thế khó xử, nhận tiền thì không đành mà trả lại cũng khó. Ngoài quà chung của lớp, nhiều phụ huynh còn tặng quà riêng. Ban đầu, chỉ có một số người làm vậy nhưng càng về sau càng trở thành phong trào, ai cũng có quà riêng để không thua kém ai.

Tôi chứng kiến vài lần, trong buổi họp phụ huynh, thầy cô phải trả lại chiếc phong bì với danh nghĩa đóng góp cho học sinh liên hoan. Lý do là phụ huynh không nói với giáo viên một câu nào, chỉ bỏ tiền vào phong bì rồi đưa cho con, bảo con gửi cho thầy cô. Việc đó khiến giáo viên vô cùng tổn thương", chị Hồng nói.

Theo chị Hồng, từ ngày chuyển con sang trường tư, chị muốn tặng quà để tỏ lòng biết ơn với một số giáo viên mà mình yêu quý cũng khó. Nhiều lần, chị và một số phụ huynh rủ nhau mua túi xách, đồ dưỡng da, trang điểm tặng cô giáo của con nhưng cô nhất quyết không nhận. Có thầy cô còn mang quà đến tận nhà để trả cho phụ huynh.

Thoát khỏi ban đại diện cha mẹ học sinh

Năm ngoái, chị Vũ Thu Trang (Hà Nội) cũng đã cho con nghỉ học ở trường công, chuyển sang trường tư. Quyết định này vừa giúp con trai chị giảm áp lực điểm số, thành tích, vừa giúp chị thoát khỏi áp lực phải làm trưởng ban đại diện CMHS.

Chị Trang cho biết, vào các ngày lễ, chị phải trích quỹ phụ huynh để mua quà cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tổng phụ trách đội, phòng y tế, bảo vệ và lao công.

Tuy nhiên, trước đó, chị Trang đã phải đau đầu với việc mua quà gì, quà trị giá bao nhiêu, cân đối chi tiêu vì tiền quỹ có hạn. Không ít lần chị phải cãi nhau với các phụ huynh khác vì bị nghi là ăn bớt quà của giáo viên. Có người nằng nặc đòi tặng quà to cho bằng các lớp khác, có người hoàn cảnh khó khăn chỉ dám đề xuất tặng món quà nhỏ.

Cho con nghỉ học ở trường công để khỏi phải lo chuyện chăm sóc thầy cô - 3

Có những giáo viên hết mình với học trò, không vì những món quà mà thay đổi sự quan tâm dành cho các em (Ảnh minh họa: Nguyên Chi).

"Tôi cũng muốn tặng quà có giá trị vừa phải nhưng vấn đề là phải theo mặt bằng chung toàn trường. Ở trường cũ của con tôi, "giá" chung là 400-500 nghìn đồng tiền quà là hiện vật, ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu được tặng thêm 500 nghìn đồng tiền mặt.

Có một dịp 20/10, do quỹ lớp sắp hết nên tôi chỉ chi 300 nghìn đồng cho mỗi phần quà hiện vật và không có tiền mặt. Không biết nhờ đâu mà trưởng ban đại diện CMHS của trường biết được, ngay ngày hôm sau, chị ấy gọi điện và trách tôi keo kiệt", chị Trang kể.

Theo chị Trang, giáo viên chủ nhiệm của con còn gợi ý phụ huynh nên tặng quà, thăm hỏi ban giám hiệu, các phòng, ban khác trong nhà trường để được ưu ái về mọi mặt. Cuối năm học, khi kê khai tiền quỹ lớp, các khoản quà tặng đều được cô yêu cầu đổi tên thành khoản tiền in tài liệu, làm đồng phục lớp, liên hoan cho các con.

Khi con học trường tư, chị Trang không còn phải lo chuyện quà cáp ngày lễ cho giáo viên. Trước đây, trường tư nơi con chị theo học cho phép cán bộ, giáo viên nhận quà lưu niệm có giá trị dưới 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhà trường cấm tuyệt đối cán bộ, giáo viên nhận phong bì, quà tặng từ phụ huynh, ngoại trừ hoa và các tấm thiệp do học sinh tự làm. Quyết định này để đảm bảo hoạt động tri ân không bị biến tướng.

"Phong trào văn nghệ, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn ở trường tư cũng không rườm rà, trọng thành tích như ở trường công. Ví dụ, để kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, trường của con không tổ chức lễ mít tinh truyền thống, thay vào đó là một "Ngày đồng cảm".

Phụ huynh đăng ký tham gia hoạt động này sẽ được trải nghiệm làm giáo viên của con. Cha mẹ thử đứng lớp để dạy con các kỹ năng sống, các môn nghệ thuật, thể thao. Riêng tôi chọn dạy con về kỹ năng sống, qua đó, tôi đồng cảm hơn với việc dạy và học của thầy cô và các con ở trường", chị Trang cho biết.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi