“Chạy” thất nghiệp bằng học... cao học

(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm như mong muốn, nhiều cử nhân tiếp tục chọn con đường học lên cao để tìm cơ hội, thậm chí như tìm một lối thoát.

Thất nghiệp nên học tiếp

Tốt nghiệp ĐH K. có tiếng ở TPHCM, ngành Quản trị kinh doanh sau hơn hai năm ra trường, Nguyễn Thùy Nhung, quê ở Khánh Hòa vẫn không tìm được công việc phù hợp. Trong thời gian chờ xin việc, Nhung làm đủ thứ việc tạm bợ như phát tờ rơi, bán bảo hiểm xe máy, đi gia sư... Nhung cũng từng về quê chờ bố mẹ xin việc nhưng không thành lại quay vô TPHCM.

Bi quan, chán nản và mất phương hướng, Nhung chưa biết phải bước tiếp như thế nào với con đường trước mắt khi công việc không, sống bằng trợ cấp từ bố mẹ, các mối quan hệ hạn chế... Mới đây cô thông báo đi học lên cao học như tìm cho mình một lối đi cũng như hy vọng có bằng thạc sĩ sẽ dễ dàng xin việc hơn.

Nhiều cử nhân không đủ khả năng kiếm việc làm nên chọn cách... học tiếp (Ảnh mang tính minh họa)
Nhiều cử nhân không đủ khả năng kiếm việc làm nên chọn cách... học tiếp (Ảnh mang tính minh họa)

Tốt nghiệp một trường ĐH ở miền Trung, ra trường vào TPHCM làm đủ thứ việc nhưng bấp bênh, không tìm được việc phù hợp và thu nhập ổn, chàng thanh niên H.A. cũng rơi vào khủng hoảng. Có thời gian, A. về quê lông bông gần năm trời, gia đình ai cũng phải suốt ruột cho cậu.

H.A quay sang than "giờ bằng cử nhân nhan nhản, muốn xin được việc phải có bằng thạc sĩ". Nuôi A. 16 năm trời ăn học, thêm gần 3 năm thất nghiệp, bố mẹ chàng cử nhân lại "ngậm ngùi" để con học lên cao học sĩ với an ủi "cả họ chưa ai lên nổi bằng thạc sĩ" cùng niềm tin học xong công việc của con sẽ ấm êm, sự nghiệp sẽ thênh thang.

Có bằng thạc sĩ gần hai năm nay, A. vẫn chưa xin được việc làm. Tấm bằng mà bạn bè và cậu vẫn gọi là “học cho cố” có sức nặng khủng khiếp, chàng thạc sĩ thêm ngại ngần bon chen đi xin việc, tìm vị trí phù hợp lại càng khó.

Thực tế hài hước gần đây, nhiều sinh viên được đào tạo từ trường ĐH, cầm bằng cử nhân ra trường lại đôn đáo tìm nơi học, nơi đào tạo tiếp để hy vọng tìm được việc làm. Trong đó, nhiều người chọn tiếp con đường học lên cao với mong đợi bằng cấp cao hơn sẽ dễ dàng xin việc làm hơn. Làn sóng cử nhân không tìm được việc phù hợp tìm đường học thạc sĩ, rồi học lên cao nữa cũng ào ạt xuất hiện.

Bằng càng cao càng dễ... thất nghiệp?

Thất nghiệp có nên học lên cao học để dễ tìm việc làm hơn? Vấn đề này được nhiều bạn trẻ đặt ra tại chuyên đề định hướng nghề nghiệp do Thành Đoàn TPHCM tổ chức gần đây. Trước câu hỏi này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn bày tỏ quan điểm, việc học lên cao phù hợp cho những người có một sự ổn định, định hướng rõ ràng trong công việc, học để bổ sung, hỗ trợ cho công việc hiện tại. Còn vì thất nghiệp mà học lên cao để hy vọng tìm việc làm, ông Sơn khuyên các bạn trẻ hãy cân nhắc kỹ vì rất có khả năng càng dễ thất nghiệp.

Ông Sơn chia sẻ, vị trí việc làm dành cho bằng cấp cao trên thị trường rất hạn chế. Nhất là khi tốt nghiệp cử nhân bạn đã rất khó xin việc vì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì học cao hơn, với vị trí, yêu cầu cao hơn có thể càng khó khăn cho ứng viên.


Bạn trẻ rất cần được định hướng về lựa chọn nghề nghiệp hơn là học vì bằng cấp. (Ảnh minh họa)

Bạn trẻ rất cần được định hướng về lựa chọn nghề nghiệp hơn là học vì bằng cấp. (Ảnh minh họa)

Các báo cáo về tình hình lao động nhiều năm gần đây số liệu có khác nhau nhưng đều chung nhận định số thất nghiệp ở nhóm có trình độ ĐH và trên ĐH đứng ở top đầu và có xu hướng tăng - kể cả thời điểm tỷ lệ người thất nghiệp giảm.

Thực tế, trên thị trường lao động, nhu cầu lao động với đối tượng bằng cấp cao cũng khiêm tốn. Như ở TPHCM, theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố nhiều năm gần đây và đến năm 2020, mỗi năm thị trường lao động TPHCM cần khoảng 270.000 lao động. Nhưng nhu cầu dành cho trình độ ĐH, trên ĐH chỉ chiếm 12 - 13%.

Chưa kể, sinh viên ra trường khó xin việc làm không phải do bằng cấp mà phần lớn trục trặc nằm ở năng lực chuyên môn, kỹ năng và thái độ làm việc. “Cậy” vào bằng cấp nhiều ứng viên hay gặp lỗi ảo tưởng bản thân, đặt ra những tiêu chí, đòi hỏi "trên mây" khi xin việc nên tự loại mình ra khỏi thị trường lao động.

Cũng phải nhìn vào thực tế, nhận ra “ảo tưởng” từ tấm bằng, nhiều năm nay còn có một "làn sóng ngược" khi cử nhân, thạc sĩ quay đầu... đi học nghề, trung cấp. Họ vứt bỏ ảo tưởng về bằng cấp, đi lùi tìm giá trị thực của bản thân cũng như dễ tìm kiếm cơ hội việc làm hơn.

Thất nghiệp không có nghĩa là không học. Nhưng đã đến lúc người học phải tự cứu mình bằng cách trả lời “Học để làm gì?” để có lựa chọn phù hợp. Bằng cấp đã không thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Nhưng rất nhiều người học tiếp với tâm lý học cho có tấm bằng đã rồi tính tiếp.

Hoài Nam