Chặt bỏ cây xanh lâu đời, nhà trường phát hiện sự thật "kinh hãi"
(Dân trí) - Kết quả chặt bỏ 3 cây phượng có hàng chục năm tuổi tại một trường học ở TPHCM gây bất ngờ khi cây vẫn xanh tốt, ra hoa nhưng bên trong đã mục rỗng nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) cho biết, ngày 23/4, nhà trường đã phối hợp Công ty Công ích quận 1 chặt bỏ 3 cây phượng có tuổi đời từ 10 đến 60 năm trong khuôn viên trường.
Động thái trên được nhà trường tích cực triển khai sau vụ việc cây xanh trong Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) bật gốc vào ngày 3/4 khiến nhiều học sinh, phụ huynh và người đi đường bị thương.
Từ ngày 10/4, nhà trường đã mời công ty cây xanh thành phố đến để kiểm tra, đánh giá về tình hình cây xanh trong khuôn viên. Qua khảo sát, công ty đề xuất loại bỏ 3 cây phượng vì đã có dấu hiệu bị mục và rỗng ruột, dễ gây nguy hiểm cho học sinh.
"Chiều chủ nhật, chúng tôi tiến hành chặt bỏ cây xanh. Dù đã có dự báo trước nhưng kết quả vẫn gây bất ngờ khi cây vẫn xanh tốt nhưng bên trong đã bị rỗng toàn thân và sâu. Một người có thể chui tọt vào bên trong cây bởi đường kính rỗng lên tới 70cm", ông Phú cho hay.
Vị Hiệu trưởng cảm thấy may mắn khi nhà trường đã có sự chủ động và phát hiện ra cây bị mục rỗng để sớm xử lý, không để xảy ra việc cây bị ngã đổ.
"Trồng được một cây xanh 60 năm tuổi là cả một kỳ công, đặc biệt nó gắn liền với lịch sử của nhà trường. Cây phượng lại là biểu tượng của học đường, gắn bó với bao thế hệ thầy cô, nhà trường. Đốn cây đi thì rất tiếc nhưng không còn cách nào khác bởi an toàn của trường học, của tính mạng con người là trên hết. Đây là yêu cầu cấp bách", ông Phú chia sẻ thêm.
Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ nghiên cứu trồng lại cây xanh nhằm tạo ra một mảng xanh, cảnh quan xanh, sạch, đẹp trong trường, mang đến không gian học tập thoải mái, thư giãn, trong lành cho toàn trường.
Sáng nay đến trường, Đinh Xuân Thái Huy - học sinh lớp 10A6 - thấy sân trường rộng, khác biệt và đặc biệt là 3 cây phượng đã bị đốn bỏ.
Huy cho hay: "Khi nghe tin chặt cây, em khá bàng hoàng bởi trời đang khá nóng bức mà lại chặt hết cây xanh. Hôm nay vào trường, tại tiết chào cờ, thầy hiệu trưởng có giải thích cho học sinh về vấn đề an toàn trường học, cùng với đó, được chứng kiến cây xanh mục rỗng thì em cũng hiểu hơn. Việc chặt cây mục rỗng là hợp lý và đảm bảo an toàn cho chúng em", Huy nói.
Trước đó ngày 15/4, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản yêu cầu các trường học thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống cây xanh trong trường học.
Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở - đề nghị, các cơ sở giáo dục cần xác định việc duy trì cây xanh trong trường học là cần thiết đối với công tác giáo dục học sinh và môi trường nói chung. Tuy nhiên, việc trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học cần đảm bảo an toàn, không làm mất cân bằng sinh thái và đặc biệt góp phần duy trì mảng xanh thành phố.
Sở yêu cầu các trường phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn diện về tình hình sinh trưởng, phát triển và khả năng đảm bảo an toàn của xây xanh tại đơn vị (rễ, thân, cành, tán lá); đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn.
Các trường cần xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan chuyên môn tại địa phương rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hàng năm, đặc biệt vào đầu năm học mới và trước mùa mưa bão.
Công tác tự kiểm tra của đơn vị thực hiện thường xuyên tại đơn vị; cây xanh nằm trong khuôn viên trường, đặc biệt là cây có kích thước lớn, cây cổ thụ phải phối hợp đơn vị chuyên ngành chăm sóc, cắt tỉa đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn…
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh các trường hướng dẫn học sinh về các quy tắc an toàn trong mùa mưa, bão khi sinh hoạt vui chơi có nhiều cây xanh, đặc biệt là cây có kích thước lớn, cây cổ thụ.