Canada: Hơn 100 nam sinh mặc váy đến trường để ủng hộ nữ quyền

Minh Hương

(Dân trí) - Học sinh trường Collège Nouvelles Frontières, Quebec, Canada, không đồng tình với quy định nữ sinh phải mặc váy trên đầu gối 10cm trong khi nam sinh không bị ràng buộc bởi quy định về trang phục.

Zachary Paulin, 16 tuổi, học sinh trường Collège Nouvelles Frontières, cho rằng quy định của nhà trường khiến một số nữ sinh cảm thấy xấu hổ về cơ thể mình. Các nam sinh cho biết họ tham gia hoạt động này nhằm ủng hộ nữ quyền.

Canada: Hơn 100 nam sinh mặc váy đến trường để ủng hộ nữ quyền - 1
Bức ảnh các nam sinh Canada mặc váy được đăng trên mạng xã hội để chống lại phân biệt giới.

Zachary Paulin đăng bức ảnh chụp bản thân và 5 học sinh nam khác mặc váy lên Instagram. Zachary Paulin cho rằng nếu một phụ nữ mặc quần hoặc âu phục, những trang phục thường gắn liền với nam giới, thì đây không phải vấn đề lớn.

Tuy nhiên, khi một người đàn ông quyết định làm việc gì đó nữ tính, như sơn móng tay, trang điểm, hoặc trong trường hợp của các nam sinh này, là mặc váy, thì họ lại bị chế giễu.

“Mọi người sẽ nói rằng anh ta không phải một người đàn ông đích thực và đặt điều về giới tính của anh ta”, Paulin nói. Ngoài ra, anh cũng cho rằng những kẻ quấy rối phụ nữ có thể biện minh cho hành động của mình là do phụ nữ mặc váy và đổ lỗi cho cách ăn mặc của nạn nhân.

Paulin cho biết, thông qua hành động mặc váy, nhóm nam sinh muốn thể hiện tinh thần đoàn kết nhằm chống lại phân biệt giới và những định kiến ngăn cản nam giới được sống với con người thật.

“Chúng ta đang sống ở năm 2020, chúng ta nên có quan điểm cởi mở và đấu tranh chống lại tình trạng phân biệt giới, kỳ thị người đồng tính”, Paulin cho biết.

Bài đăng của Paulin đã thu hút hơn 7.000 lượt like và hàng trăm bình luận thể hiện sự đồng tình với hành động của nhóm nam sinh. Paulin cho biết anh rất ngạc nhiên khi nhận được sự ủng hộ lớn như vậy.

Thông báo của trường Collège Nouvelles Frontières trên Facebook cho biết nhà trường ủng hộ việc sinh viên tham gia hành động vì cộng đồng LGBT, chống lại định kiến về giới và việc phân biệt giới đối với nữ sinh.