Cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách giáo dục nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường

(Dân trí) - Tác động sâu, rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cần phải nhanh chóng điều chỉnh các chính sách liên quan tới giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Đó là điều được GS.TS Muhammad Ruhul Amin - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của BAASANA nhấn mạnh tại hội thảo quốc tế “Toàn cầu hóa, sáng tạo, quản trị và phát triển bền vững”.

Hội thảo do trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Viện Kinh doanh và Khoa học Ứng dụng Bắc Mỹ (BAASANA - thuộc trường Đại học Bloomsburg University of Pennsylvania, Hoa Kỳ) đồng chủ trì tổ chức trong hai ngày 15 và 16/5 tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý vĩ mô, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp đến từ các các nước Hoa Kỳ, Pháp, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Mục đích của hội thảo là để các diễn giả và các đại biểu trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới, các đề xuất chính sách từ các kết quả nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các nghiên cứu và tăng cường khả năng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.


Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và các mục tiêu về phát triển bền vững đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với các quốc gia.

Được biết, hội thảo quy tụ hơn 80 tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong các phiên thảo luận song song, các diễn giả đã trình bày nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực có liên quan tới toàn cầu hóa, đổi mới, sáng tạo, quản lý vĩ mô, quản trị doanh nghiệp và các khía cạnh của phát triển bền vững.

Các đại biểu tại các phiên thảo luận song song.
Các đại biểu tại các phiên thảo luận song song.

Ngoài các phiên thảo luận song song, ba phiên toàn thể cũng đã diễn ra trong thời gian của hội thảo với các nội dung gồm “Hiệu quả, rủi ro và quản trị các ngân hàng ở các nước đang phát triển: trường hợp của Việt Nam”, “Những thách thức đối với giáo dục đại học: Nhìn nhận từ các nước phát triển và đang phát triển”, và “Làm thế nào để có thể viết các bài báo khoa học và đăng trên các tạp chí có phản biện”.

Ngoài các nội dung chuyên môn, các đại biểu tham dự hội thảo là thành viên hội đồng biên tập của các tạp chí quốc tế đã trao đổi kinh nghiệm, các kỹ năng cần thiết để công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Các nhà nghiên cứu trẻ đánh giá cao phần trình bày này.

Theo PGS. TS Bùi Anh Tuấn, sự thành công của hội thảo là cơ sở để trường Đại học Ngoại thương và BAASANA thống nhất mở ra một chương (Chapter) về Việt Nam của BAASANA, và trường Đại học Ngoại thương sẽ tổ chức hội thảo quốc tế này hai năm một lần.

Lệ Thu