DMagazine

Cần làm gì để "giải cứu" con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu?

(Dân trí) - Một số bậc cha mẹ rơi vào tình trạng tâm lý bất ổn, khiến họ gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Về cơ bản, sự trợ giúp càng đến sớm thì cuộc sống của các gia đình sẽ tốt đẹp hơn.

(Dân trí) - Một số bậc cha mẹ rơi vào tình trạng tâm lý bất ổn, khiến họ gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Về cơ bản, sự trợ giúp càng đến sớm thì cuộc sống của các gia đình sẽ tốt đẹp hơn.

Megan Smith, phó giáo sư tâm thần học và nghiên cứu trẻ em tại trường Đại học Yale, Mỹ, cho biết, có khoảng 20% người trưởng thành ở Mỹ rơi vào trạng thái buồn phiền, lo âu, chán nản và trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này nhiều nhất trong những năm nuôi dạy con cái.

Thống kê từ năm 2017 cho thấy hơn 15,6 triệu trẻ em ở Mỹ sống với cha hoặc mẹ bị rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất mát. Con số này hiện nay còn có thể cao hơn.

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 1

Rất nhiều bậc cha mẹ rơi vào trầm cảm, lo âu (Ảnh minh họa: Getty Images).

Theo nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận Kaiser của Mỹ, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, 49% phụ nữ có con dưới 18 tuổi và 40% ông bố có con cùng độ tuổi cho biết sức khỏe tâm thần của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết, tỷ lệ trầm cảm ở người lớn đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2019.

Nhưng ngay cả khi phải trải qua những thời điểm thử thách hay chịu áp lực bởi cảm giác sợ hãi, buồn bã và phiền muộn dường như không thể vượt qua, thì vẫn có hy vọng trong cuộc sống. Hiện nay là thời điểm mà việc điều trị sức khỏe tâm thần được xã hội quan tâm nhiều hơn và có rất nhiều hình thức trị liệu, thuốc men cũng như ít có sự kỳ thị liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Một thời, những rối loạn sức khỏe tâm thần được coi là bí mật đáng xấu hổ nhưng bây giờ các cuộc trò chuyện công khai về sức khỏe tâm thần của cha mẹ được diễn ra thường xuyên.  

Nếu bạn nằm trong số đó, các chuyên gia y tế muốn bạn biết rằng: Luôn có sự trợ giúp và nó có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của bạn và gia đình bạn.

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 3

Trầm cảm và lo lắng là hai vấn đề có thể xảy ra cùng một lúc với một người, có thể biểu hiện dưới dạng cáu kỉnh, hay quên và tức giận. Sarah Oreck, bác sĩ tâm lý ở Mỹ, cho biết: "Khi một người mẹ cảm thấy không được lắng nghe và quá tải hay nhu cầu của cô ấy không được đáp ứng thì chứng rối loạn tâm trạng tiềm ẩn có thể đang hình thành".

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ sử dụng thuật ngữ trầm cảm lâm sàng và rối loạn trầm cảm để chỉ trạng thái tâm trạng cực kỳ tồi tệ kéo dài trong một thời gian dài.

Những rối loạn này vượt ra ngoài cảm giác choáng ngợp hoặc buồn bã khiến một người không thể nuôi dạy con cái hoặc làm các công việc như họ đã từng làm.

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 5

Cuộc sống áp lực khiến nhiều người bị rối loạn trầm cảm (Ảnh minh họa: iStock).

Megan Smith, phó giáo sư tâm thần học và nghiên cứu trẻ em, giải thích rằng, trầm cảm có thể là do di truyền, tính cách, chất hóa học trong não, tiền sử các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc các sự kiện bất lợi trong cuộc sống cùng hội tụ.

Megan Smith, phó giáo sư tại Đại học danh tiếng Yale, Mỹ, cho biết, việc nuôi dạy con cái chắc chắn có thể gây ra nhiều căng thẳng, lo lắng và những cảm xúc tiêu cực khác hẳn với trải nghiệm của những người không phải là cha mẹ.

Pooja Lakshmin, trợ lý giáo sư về tâm thần học tại Đại học George Washington, Mỹ, chia sẻ, cha mẹ có cảm giác tội lỗi hoặc theo chủ nghĩa cầu toàn dễ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, họ dễ cảm thấy yếu đuối và bị cô lập kể cả thực tế là họ đang ở trong tình trạng tốt.  

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 7

Nuôi dạy con cái khiến nhiều bậc cha mẹ bị căng thẳng (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Tiến sĩ Oreck cho biết, cảm giác luôn bị choáng ngợp, kiệt quệ về thể chất và tinh thần, chìm đắm trong sự hoài nghi hoặc bị ám ảnh bởi niềm tin rằng bạn là cha mẹ kém cỏi là những dấu hiệu cho thấy sự kiệt sức của cha mẹ. Nếu không được điều trị, tình trạng kiệt sức có thể tiến triển thành trầm cảm hoặc lo lắng.

Các bậc cha mẹ khác có nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng bao gồm các bà mẹ đơn thân hoặc bà mẹ trẻ, những người có hoàn cảnh khó khăn, người nuôi dạy con cái mà đứa trẻ cần phải có sự chăm sóc đặc biệt...

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 9

Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Tâm thần học của Mỹ cho thấy, cha mẹ bị trầm cảm, lo buồn, đau đớn về tinh thần, thiếu động lực, mất niềm vui trong cuộc sống có thể khiến con cái cũng rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc lạm dụng chất kích thích.

Tiến sĩ Tâm lý học của Mỹ, LaToya Gaines nói rằng, tất cả trẻ em đều muốn có cảm giác được gắn bó an toàn với một người lớn an toàn, chu đáo, có cha mẹ luôn hiện diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu cha mẹ có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không được điều trị sẽ không có khả năng đáp ứng những nhu cầu này của con cái.

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 11

Tâm trạng của cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp tới con cái (Ảnh minh họa: Getty Images).

Kristen Granchalek, một nhà trị liệu tại Mỹ, nói: "Khi chúng ta chán nản, chúng ta gặp khó khăn trong việc kết nối với con cái, điều mà chúng cần để phát triển lành mạnh và cảm thấy được bố mẹ quan tâm chăm sóc. Khi đó, những đứa trẻ có thể tiếp thu nỗi lo lắng kinh niên của cha mẹ và dần có niềm tin rằng cuộc sống này không ổn".

Điều trị sức khỏe tâm thần sẽ góp phần làm thay đổi cuộc sống và giúp cha mẹ bảo vệ con cái

Những tác động tiềm ẩn của chứng trầm cảm, lo âu ở cha mẹ đối với con cái là rất rõ ràng và vì thế, việc điều trị là cấp thiết. Các nghiên cứu sâu rộng cho thấy, trầm cảm lâm sàng có khả năng đáp ứng cao với điều trị.

"Trong thực tế, chỉ khoảng một nửa số người trưởng thành bị rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất mát được chăm sóc thích hợp. Tỷ lệ này đối với các bà mẹ có thể còn thấp hơn", Megan Smith, phó giáo sư tâm thần học và nghiên cứu trẻ em tại trường Đại học Yale, cho biết.

Kristen Granchalek, một nhà trị liệu tại Mỹ, chia sẻ: "Nhiều bà mẹ sợ mọi người xung quanh khó chịu khi đề nghị giúp đỡ" còn tiến sĩ Tâm lý học của Mỹ LaToya Gaines nói, nhiều phụ nữ được dạy phải nghĩ đến người khác trước, phải chăm sóc gia đình mình hết sức bởi vì "nếu tôi không làm thì ai sẽ làm?".

Đối với tất cả các bậc cha mẹ bị rối loạn tâm thần, có hai rào cản là ít thời gian và ít năng lượng. Họ cảm thấy không thể dành ra một giờ mỗi tuần để trị liệu khi quá bận rộn và kiệt sức vì chăm sóc gia đình.

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 13

Gia đình vui vẻ là điều mọi người đều mong ước (Ảnh minh họa: iStock).

Tiến sĩ Gaines nói: "Bước đầu tiên để phục hồi là tin rằng bệnh về sức khỏe tâm thần cũng là một vấn đề sức khỏe giống như bất kỳ bệnh nào khác, không có gì phải xấu hổ".

Theo tiến sĩ Gaines: "Trị liệu là một không gian an toàn để trút bầu tâm sự và giúp cha mẹ giải quyết những suy nghĩ gây tổn hại, như "tôi vô dụng" hoặc "các con tôi sẽ tốt hơn nếu không có tôi".

Đối với nhiều người, sử dụng thuốc cũng hữu ích. Một số người lo lắng rằng dùng thuốc chống trầm cảm sẽ thay đổi tính cách của họ, nhưng thực tế nó khiến bệnh nhân cảm thấy là chính mình hơn.

Thuốc sẽ không loại bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực, nhưng nó có thể giúp tâm trạng của một người ổn định hơn, giúp họ thoát ra khỏi sự tuyệt vọng và đưa cảm xúc đến gần hơn với sự trung lập.

Tiến sĩ Smith nói rằng điều quan trọng cần phải biết là bố mẹ bị trầm cảm hoặc lo lắng không có nghĩa là con cũng vậy. Nói chuyện với con cái về cảm xúc từ khi con còn nhỏ sẽ khiến con bạn có nhiều khả năng biết yêu cầu giúp đỡ nếu cần.

Một bước tiến lớn trong việc giảm thiểu các yếu tố rủi ro về di truyền và môi trường liên quan đến việc chia sẻ những khó khăn với con bạn theo cách phù hợp với lứa tuổi để chúng biết rằng mọi cảm xúc đều là bình thường. Có những cách mang tính xây dựng để cha mẹ đối phó với những cảm giác khó chịu và có thể yêu cầu giúp đỡ.

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 15

"Vừa đủ" đã là rất tốt

Đôi khi "vừa đủ" đã là hoàn toàn tốt. Bạn không cần lúc nào cũng phải cống hiến 100%. Một số ngày, bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn những ngày khác. Bạn nên hiểu rằng mình không cần phải trở thành những ông bố bà mẹ siêu đẳng mỗi giờ, mỗi ngày.

Lập nhóm của bạn

Hãy lập ra một nhóm những người nhận thức được tình trạng của bạn và có thể giúp bạn vượt qua hoàn cảnh. Đây có thể là một nhóm trực tuyến nhưng một nhóm gặp gỡ trực tiếp sẽ tốt hơn. Đó nên là những người bạn có thể gọi khi con quấy khóc và bạn thì tức giận, bối rối. Đây là nhóm những người có thể nhắc nhở bạn rằng cảm xúc của bạn là bình thường hoặc cho bạn biết khi bạn đang phản ứng thái quá.

Tìm bác sĩ tâm lý

Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, bạn cần một chuyên gia hiểu rõ cách sử dụng thuốc chống trầm cảm phù hợp, ảnh hưởng của thuốc đến con bạn như thế nào. Cũng đừng bỏ thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Sự thật là một số thuốc chống trầm cảm an toàn hơn những loại khác.

Coi chừng trầm cảm sau sinh

Các bà mẹ cần giáo dục bản thân về sự khác biệt giữa hội chứng baby blues và chứng trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần toàn diện sau sinh.

Sự khác biệt giữa trầm cảm sau sinh và hội chứng baby blues là thời gian xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu bạn vẫn cảm thấy buồn bã, lo âu hoặc căng thẳng dù đã sinh con hơn nửa tháng thì đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh bởi hội chứng baby blues thường không kéo dài quá hai tuần.

Học cách tha thứ cho bản thân và con cái của bạn

Ai cũng mắc sai lầm. Hãy nhẹ nhàng với bản thân và những người xung quanh bạn bởi trầm cảm thường ngụy trang dưới dạng kích động, cáu kỉnh hoặc tức giận.

Hãy nhớ rằng, chứng trầm cảm, lo âu không phải là tất cả mọi thứ bạn sở hữu và không phải là điều quan trọng nhất. Bạn còn là cha mẹ, bạn bè, nhân viên, đồng đội... của người khác và bạn có ý nghĩa với rất nhiều người.

Cần làm gì để giải cứu con trẻ khi cha mẹ bị trầm cảm, lo âu? - 17

Sống tích cực và lạc quan sẽ có lợi cho tất cả mọi người (Ảnh minh họa: Freepik).

Đừng ngần ngại đề nghị được giúp đỡ

Hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ vợ/chồng, bạn bè, họ hàng, bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Bạn có thể cần vài phút để nói chuyện, đi mua thuốc hoặc nhờ ai đó đưa con bạn đi chơi trong vài giờ để bạn tới gặp bác sĩ trị liệu.

Chọn cách sống nhẹ nhàng

Hãy ngừng xem những tin tức gay cấn của xã hội, những dạng tin vốn có xu hướng tập trung vào những điều nặng nề và khó chịu. Nghe, đọc và xem những thứ khiến bạn cảm thấy vui vẻ, hài hước và không làm bạn căng thẳng sẽ có ích hơn.

Không sợ hãi

Đừng để chứng trầm cảm ngăn cản bạn làm mọi việc hoặc gặp gỡ mọi người. Nói luôn dễ hơn làm nhưng hãy bước ra khỏi "vòng an toàn", sống thoải mái, chan hòa và trải nghiệm cuộc sống cùng những người thân yêu của bạn.

Không giấu giếm con cái tình hình của bản thân

Tùy thuộc vào độ tuổi của con, bạn có thể nói với con những điều khác nhau về tình trạng của bạn. Khi con quá nhỏ thì bạn không cần phải nói bất cứ điều gì nhưng khi con khoảng 4 tuổi, bạn có thể chia sẻ với con một vài thông tin.

Bạn có thể giải thích rằng bố mẹ đôi khi rất buồn và cần được giúp đỡ. Bạn có thể liên hệ điều đó với việc khi con bạn buồn thì bạn sẽ ôm hoặc an ủi chúng. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể sử dụng từ "trầm cảm".

Hãy chắc chắn rằng, con bạn biết đó không phải là lỗi của chúng mà chỉ là bạn đang tự chăm sóc bản thân. Nếu bạn phải nhập viện, bạn có thể chọn nói với con mình lý do tại sao bạn vào viện và điều đó sẽ giúp ích như thế nào.

Khi con bạn ở tuổi thiếu niên, hãy sử dụng chứng trầm cảm của bạn như một cách để giải thích tình trạng bệnh và những điều cần theo dõi. Khuyến khích con cởi mở chia sẻ với bố mẹ nếu chúng cảm thấy chán nản hoặc vô vọng. Hãy cho chúng biết rằng nếu chúng cần bác sĩ hay chuyên gia tâm lý, bạn sẵn lòng hỗ trợ.