Bùng nổ ChatGPT, đừng xem AI như một mối đe dọa thay thế

Hoài Nam

(Dân trí) - Chúng ta nên giữ thái độ cởi mở để tìm ra mọi cơ hội học tập với công nghệ mới, thay vì xem công nghệ như một mối đe dọa, hay sự thổi phồng của những người đam mê công nghệ.

"AI mới với cả thế giới chứ không chỉ mới đối với Việt Nam. Tất cả chúng ta có cơ hội khởi động từ chung một xuất phát điểm và ai tận dụng được cơ hội học tập với AI thì sẽ đi xa trên chặng đường hướng tới tương lai. Việt Nam cũng có cơ hội bứt phá về giáo dục nhờ AI thay vì phải đi sau bất cứ nước nào".

Bùng nổ ChatGPT, đừng xem AI như một mối đe dọa thay thế - 1

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên (Ảnh : NVCCC).

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên chia sẻ với Dân trí về những góc nhìn quanh tác động của AI, đặc biệt là phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT đến giáo dục.

Trường học phải là nơi đầu tiên học về cái mới

Là nhà hoạt động giáo dục, khi trải nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT , điều đầu tiên ông nghĩ đến? 

- Vâng, tôi có tìm hiểu và rất phấn khích với những gì ChatGPT có thể làm được. Tôi cũng thích sự chuyên nghiệp, thân thiện và cả lịch thiệp của cỗ máy này trong giao tiếp. 

Làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đã được cảnh báo từ lâu rằng, sẽ có một lúc trí tuệ nhân tạo tham gia vào cuộc sống và hoạt động giáo dục nên tôi không ngạc nhiên. Nhưng, tôi thích thú vì được mắt thấy tai nghe, tay chạm vào những tương tác với trí tuệ nhân tạo của phiên bản thông minh hơn nhiều so với các ứng dụng sơ khai và riêng lẻ trước đây.

Tôi nhớ lại cách đây hơn 20 năm, vào những năm 1998 - 2000 khi Internet còn khá mới mẻ tại Việt Nam và không ai ngờ được nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như ngày nay. Chúng ta hiện có báo chí điện tử, ai cũng có thể có tài khoản mạng xã hội, ai cũng có thể coi YouTube, có hàng vạn khóa học online cho tất cả mọi người, chúng ta đi chợ online, chúng ta gọi taxi công nghệ, chúng ta bỏ sổ hộ khẩu để dùng căn cước điện tử…  

Bùng nổ ChatGPT, đừng xem AI như một mối đe dọa thay thế - 2

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, nhiều mô hình giáo dục truyền thống sẽ sụp đổ trước tác động của AI (Ảnh minh họa).

Trong 20 năm tới, cuộc sống có thể sẽ vô cùng khác với ngày nay mà chúng ta khó có thể hình dung ra hết ở thời điểm này. Trường học và giáo dục cũng không thể nằm ngoài những biến đổi có tính cách mạng ấy.

Cá nhân tôi coi AI như một bộ trưởng giáo dục chung của thế giới, một chuyên gia giáo dục thông thái, một đối tác thường trực của người học và một con người có thể sai và có khả năng sửa chữa để trở nên hoàn hảo.

Sau trải nghiệm trên, trong bài viết mới đây, ông bày tỏ "Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một cuộc cách mạng giáo dục và rất nhiều mô hình trường học truyền thống sẽ sụp đổ"?

- Sự "sụp đổ" ở đây mang tính biểu tượng, nghĩa là trường học không nhất thiết phải là thực thể với tường gạch, mái ngói, bảng đen phấn trắng mà chúng ta quen thuộc trong nhiều thế kỷ qua. Trường học của tương lai sẽ là bất cứ không gian nào có hoạt động học tập xảy ra, bao gồm không gian mạng. 

Nếu chúng ta vẫn ứng xử với thời đại mới với thái độ "cố chấp" rằng, phải đến trường mỗi ngày mới có thể dạy và học được, có thể sẽ làm lãng phí nguồn lực của xã hội và lỡ mất cơ hội học tập của học sinh. Thay vào đó, chúng ta nên giữ thái độ cởi mở để tìm ra mọi cơ hội học tập với công nghệ mới, thay vì xem công nghệ như một mối đe dọa, hay sự thổi phồng của những người đam mê công nghệ.

Có rất nhiều giải pháp khác nhau trong giáo dục và chúng cần được xem xét cân nhắc bất cứ khi nào có cơ hội để làm lợi cho người học. Trẻ em vùng cao, vùng xa ở Việt Nam được khuyến khích ra khỏi nhà mỗi ngày dù phải trèo đèo lội suối bất chấp thời tiết khắc nghiệt để đi "tìm con chữ" ở các điểm trường. Nhưng, trẻ em ở Australia có thể được học từ xa, học tại nhà đối với những vùng thời tiết sa mạc hoặc đường sá cách trở (vùng outback).

Tức là luôn luôn có nhiều hơn một giải pháp để lựa chọn và tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ tìm hiểu các giải pháp phù hợp cho con em mình.

Việt Nam chưa có trường phổ thông chính quy nào theo hình thức online nhưng ở trên thế giới thì trường học hoàn toàn online rất nhiều. Học sinh ở Anh, Mỹ, Australia… và nhiều nước khác vẫn có lựa chọn học chương trình phổ thông quốc gia tại trường học online và tốt nghiệp phổ thông như mọi học sinh khác.

Ứng dụng ChatGPT thực sự "nổ một phát súng" đầu tiên tuyên bố một kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo. Không ai biết chúng ta sẽ đi xa đến đâu trên hành trình này, nhưng, hơn 100 triệu người tiên phong trải nghiệm, khám phá và đánh giá mức độ thông minh của nó là một phản ứng rất tích cực.

Trường học là nơi cổ vũ cho việc học, do vậy tôi rất mong các trường chủ động khám phá, tìm hiểu việc học những cái mới, rất mới, nếu không muốn nói trường học phải là nơi đầu tiên học về cái mới. Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp mà trường học, trong một tâm thế thận trọng vốn có của giáo dục truyền thống, đã từ chối cái mới và trở thành những thực thể đi sau cuộc sống, đi sau thời đại.

Người thầy, trước giờ vẫn được xem là người truyền thụ kiến thức nhưng giờ đây  AI đang làm việc này một cách xuất sắc hơn. Vậy người thầy cần làm gì để chuyển đổi vai trò một cách hiệu quả, thưa ông?

- Có thể còn quá sớm để biết người thầy truyền thống và người thầy AI, ai dạy giỏi hơn ai nhưng chắc chắn cả hai đều có ưu và nhược điểm của mình.

AI sẽ có siêu bộ nhớ, siêu trí tuệ với khối lượng bộ nhớ, tốc độ tư duy lớn hơn người thầy bằng xương bằng thịt rất nhiều. Nó cũng có khả năng làm việc không cần ăn, ngủ, nghỉ và có năng lực di chuyển toàn cầu, nói được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau, gặp gỡ hàng vạn người khác nhau cùng lúc. Rõ ràng đó là các lợi thế. 

Bùng nổ ChatGPT, đừng xem AI như một mối đe dọa thay thế - 3

AI có thể thay thế con người xử lý khối lượng kiến thức học thuật (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, AI cũng có thể chưa có những tư duy, cảm xúc, tâm lý, tình yêu thương giống như của con người. Nhưng chúng ta không nên nhìn nhận sự xuất hiện của AI như một mối đe dọa thay thế, trong đó chúng ta phải lựa chọn hoặc là người thầy truyền thống, hoặc là người thầy AI. 

Nếu kết hợp cả hai thì sao, có thể tối ưu không? Và người giáo viên cũng vậy, hoàn toàn có thể tìm cách chung sống với AI thay vì phủ nhận nó. Nếu người thầy và AI trở thành một cặp đôi ăn ý trong việc cùng giáo dục học sinh thì sao? 

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng nhìn thấy AI có thể giúp làm thay khá nhiều thứ cho người thầy ở trường học, từ việc điểm danh, chấm điểm, soạn giáo án, ra đề thi, phát hiện đạo văn, chuyển đổi giữa hàng trăm ngôn ngữ, theo dõi tiến bộ học sinh, giải đáp các câu hỏi. Thậm chí AI giảng dạy cho học sinh trong khi người thầy truyền thống đang ăn, đang ngủ, đang đi họp… 

Khi người thầy truyền thống thoát khỏi những công việc trên, họ có thể làm những việc khác như trở thành người dạy cách học, người tư vấn, người truyền cảm hứng học tập, người quản lý robot giáo viên...

Bùng nổ ChatGPT, đừng xem AI như một mối đe dọa thay thế - 4

Người thầy cần tìm cách chung sống với AI thay vì xem đây là mối đe dọa (Ảnh: H.N).

Nhồi nhét kiến thức là việc học kém hiệu quả 

Khi AI có thể xử lý hàng loạt vấn đề về kiến thức, học thuật. Ông nghĩ sao về hình ảnh học trò miệt mài học thêm, học ngày học đêm nhồi nhét kiến thức vốn rất quen thuộc với học sinh Việt Nam?

- Lượng kiến thức của nhân loại đã tăng lên nhanh chóng, cứ 12 giờ đồng hồ sẽ tăng lên gấp đôi, do vậy học sinh ngày nay cần những kiến thức cốt lõi, nền tảng, cập nhật và liên quan để học tập hiệu quả, để sống và để hành động. Việc học chỉ tập trung vào khối lượng kiến thức ngày nay không còn nhiều ý nghĩa. Tức là việc học rộng không thay thế được cho việc học sâu, hay học phương pháp học.

"Có những thứ vẫn luôn quan trọng với tất cả mọi đứa trẻ Việt Nam như tiếng Việt, tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác, công nghệ thông tin, học cách học, rèn luyện các phẩm chất tốt", chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nói.

Đâu đó vẫn đang có rất nhiều trường học đang học tập hăng say bằng nhồi nhét kiến thức, nhưng việc học chỉ dừng lại ở cấp độ 1 - 2 trên thang tư duy của Bloom (Nhớ và Hiểu), chứ chưa hề chạm tới các mức độ cao hơn như phân tích, đánh giá, sáng tạo và cao hơn thế nữa… 

Nếu việc học nhiều nhưng chỉ tập trung vào cấp độ 1 là ghi nhớ, thì mớ tri thức khổng lồ đó cũng không giúp ích gì cho cá nhân để biết cách hành động, để làm cho cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Tức là biết chỉ để biết, vậy thôi. Việc học như vậy, theo định nghĩa ngày nay là việc học kém hiệu quả và làm tăng chi phí cơ hội trong học tập.

Ông nói rằng đây sẽ là thời đại "vừa đi vừa học, vừa ăn vừa học...". Chúng ta cần học gì ở thời đại này?

- Vâng, thực tế là việc học sẽ không chỉ diễn ra ở trong trường và vào giờ hành chính như trước nữa. Chúng ta sẽ vừa đi vừa học, vừa ăn vừa học, vừa chơi vừa học… Do vậy, việc học sẽ xảy ra với nhiều chiều kích hơn là một ngôi trường với thầy và trò ngồi đối diện nhau từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Học sinh có cơ hội được học một cách hiệu quả hơn và các em có rất nhiều thứ để học. Nhưng quan trọng nhất với việc học chính là học cách học, học cách sử dụng các phương pháp, các công nghệ hỗ trợ để đạt được mục tiêu. 

AI sẽ không học giùm chúng ta, nó chỉ có thể giúp chúng ta nếu chúng ta giúp nó. AI có thể mang lại một câu trả lời tốt nếu chúng ta biết cách đặt một câu hỏi tốt. AI có thể đưa ra các giải pháp hữu ích nếu chúng ta đặt vấn đề đúng hướng cho nó hay mô tả chính xác và tinh tế nhu cầu của mình. Và trong quá trình tương tác, AI cũng sẽ thể hiện chính chúng ta chứ không phải ai khác.

Bùng nổ ChatGPT, đừng xem AI như một mối đe dọa thay thế - 5

Việc học nhồi nhét theo kiểu truyền thống không còn phù hợp với thời đại trí tuệ nhân tạo (Ảnh minh họa: H.N).

Với những phụ huynh đang hoang mang trên con đường giáo dục khi trí tuệ nhân tạo bùng nổ, ông có lời khuyên nào cho họ?

- Theo tôi phụ huynh không nên hoang mang quá vì dù sao chúng ta cũng sẽ đi cùng nhau. Chúng ta có cả một cộng đồng gần 8 tỷ người sẽ đi cùng nhau, cùng khám phá, cùng học hỏi, cùng chia sẻ. Trong thời gian tới, tất cả chúng ta đều phải học, học tiếp, học lại… để làm chủ tương lai với sự tự tin và hài lòng. Có thể chúng ta sẽ phải bỏ đi rất nhiều những định kiến, những nhận thức sai lầm nhờ mình được học cái mới, nhưng điều đó cũng là bình thường.

AI mới với cả thế giới chứ không chỉ mới đối với Việt Nam. Tất cả chúng ta có cơ hội khởi động từ chung một xuất phát điểm và ai tận dụng được cơ hội học tập với AI thì sẽ đi xa trên chặng đường tới tương lai. Việt Nam cũng có cơ hội bứt phá về giáo dục nhờ AI thay vì phải đi sau bất cứ nước nào.

Tuy nhiên, có những thứ vẫn luôn quan trọng với tất cả mọi đứa trẻ Việt Nam như tiếng Việt (để chung sống với cộng đồng người Việt), tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác (để đọc hiểu, để học tập và làm việc như những công dân toàn cầu), công nghệ thông tin (để sử dụng các ứng dụng, bao gồm cả AI), học cách học (để trở thành người học hiệu quả và suốt đời), cũng như rèn luyện các phẩm chất tốt (để trở thành những phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình).

Trân trọng cảm ơn ông!