Bộ Giáo dục kiến nghị Chính phủ không tăng học phí năm học 2021 - 2022

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022.

Trao đổi với báo chí ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã khẳng định như vậy về đề xuất tăng học phí năm học 2021 -2022 vừa qua.

Bộ Giáo dục kiến nghị Chính phủ không tăng học phí năm học 2021 - 2022 - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, vì sao Bộ GDĐT xây dựng dự thảo Nghị định “Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo”, thay thế cho Nghị định số 86?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Chính sách học phí và hỗ trợ chi phí học tập đang được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (ngày 02/10/2015) của Chính phủ, quy định về “Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021”.

Do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020-2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GDĐT thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng Nghị định thay thế.

Bên cạnh đó, quy định về học phí hiện nay đã thay đổi. Từ thời điểm 31/12/2016 trở về trước, học phí thuộc danh mục “Phí” nên mức học phí còn thấp, ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ để bù đắp chi phí đào tạo đối với các cơ sở giáo dục công lập.

Tuy nhiên, Luật Phí và lệ phí năm 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2017) đã đưa học phí ra khỏi danh mục “Phí” để chuyển sang thực hiện theo cơ chế “giá”. Căn cứ quy định tại Luật Giá năm 2012, dịch vụ giáo dục, đào tạo thuộc danh mục nhà nước định giá, Chính phủ quy định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tại Luật Giáo dục 2019 cũng quy định: Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo; Chính phủ quy định cơ chế thu và quản lý học phí. Như vậy, bản chất học phí hiện nay là giá dịch vụ giáo dục và thực hiện theo cơ chế giá do Chính phủ hướng dẫn.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86.

Thời hạn trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 theo kế hoạch là tháng 12/2020. Bộ GDĐT đã dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở GDĐT và toàn xã hội để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân. Bộ GDĐT đã tổng hợp đầy đủ kết quả báo cáo của 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo. Bộ GDĐT cũng đã thực hiện khảo sát chi phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật trong trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ cấp mầm non đến đại học, làm căn cứ đề xuất mức học phí giai đoạn tiếp theo.

Dự kiến năm học 2022-2023 mới tăng học phí

Phóng viên: Dự thảo lần 2 của Nghị định ngay sau khi đăng mạng lấy ý kiến dư luận đã có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn kinh tế như hiện nay, việc tăng học phí ở các cấp học là chưa phù hợp. Bộ GDĐT sẽ có giải pháp như thế nào để vừa hài hòa được yêu cầu của việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế, vừa chia sẻ khó khăn chung với phụ huynh và học sinh?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 là việc phải thực hiện để đảm bảo tính liên tục của quy định pháp luật. Quá trình xây dựng và đề xuất mức tăng học phí đã được tính toán dựa trên kế hoạch và các căn cứ hợp lý.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Trước phản ánh của dự luận khi Bộ GDĐT xin ý kiến về dự thảo Nghị định, để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GDĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 đối với năm học 2021-2022 với mức học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức học phí của năm học 2020-2021 đã được quy định tại Nghị định số 86;

Mức học phí mầm non, phổ thông áp dụng theo khung của năm học 2020-2021 và tiếp tục giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét phê duyệt.

Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86 và các văn bản liên quan đã ban hành.

Đồng thời, cho phép Bộ GDĐT được lùi thời gian trình ban hành Nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Như vậy, năm học 2020-2021 hiện đang áp dụng mức học phí đã được quy định tại Nghị định số 86. Nếu đề xuất của Bộ GDĐT về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì hai năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022-2023) và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.

Không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học

Phóng viên: Học sinh tiểu học công lập lâu nay vẫn được áp dụng chính sách miễn học phí. Luật Giáo dục 2019 cũng duy trì chính sách này và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học của các trường ngoài công lập. Vậy vì sao trong dự thảo Nghị định mà Bộ GDĐT chủ trì xây dựng vẫn quy định khung học phí đối với cấp tiểu học, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Nghị định số 86 của Chính phủ quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có mức cấp bù ngân sách cho đối tượng học sinh tiểu học không phải đóng học phí.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học chỉ được Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên để duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường. Mức cấp ngân sách này trên thực tế còn hạn chế, do đó các cơ sở giáo dục tiểu học còn gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách nhà nước được chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Luật Giáo dục 2019 tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Bộ GDĐT xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 tuân thủ yêu cầu này của Luật.

Tuy nhiên, để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh ngoài công lập, đồng thời có căn cứ và minh bạch ngân sách cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học, dự thảo Nghị định có quy định khung giá dịch vụ (khung trần học phí đối với các cơ sở giáo dục tiểu học).

Điều này nhằm tiến tới việc Nhà nước cấp ngân sách theo đối tượng thụ hưởng (cấp trực tiếp cho học sinh) để đóng cho nhà trường hoặc Nhà nước nếu cấp ngân sách theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Đảng.

Bổ sung lộ trình miễn học phí cho học sinh THCS

Phóng viên: Được biết, trong dự thảo Nghị định mới đã bổ sung thêm đối tượng hưởng chính sách miễn giảm học phí và nâng mức hỗ trợ chi phí học tập. Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về quy định này?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho đối tượng học sinh nghèo, học sinh dân tộc, học sinh vùng sâu vùng xa… và triển khai quy định của Luật Giáo dục 2019, dự thảo Nghị định tiếp tục kế thừa các đối tượng được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã quy định tại Nghị định số 86 hiện hành.

Ngoài ra còn bổ sung một số đối tượng mới. Cụ thể, bổ sung lộ trình miễn học phí cho trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Học sinh trung học cơ sở ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2021-2022 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2021) được miễn học phí.

Trẻ em mầm non 05 tuổi ngoài đối tượng ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2023-2024 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2023) được miễn học phí.

Học sinh trung học cơ sở ngoài đối tượng ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2025-2026 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2025) được miễn học phí.

Bổ sung đối tượng hỗ trợ đóng học phí cho học sinh tiểu học học trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập. Bổ sung đối tượng và nâng mức hỗ trợ chi phí học tập.

Bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để giúp học sinh đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sắm đồ dùng và dụng cụ học tập, đặc biệt là sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó, đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Ngoài ra, tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục còn quy định chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách cho học sinh, sinh viên theo lộ trình tăng của học phí và mức lương cơ sở.

Như vậy, dự thảo Nghị định mới sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh, sinh viên ở các vùng khó khăn và các cơ sở giáo dục. 

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!