Bộ GD-ĐT thừa nhận khó khăn khi dạy học trực tuyến

M. Hà

(Dân trí) - Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT đến ngày 6/9, nhiều địa phương thiếu thiết bị dạy học trực tuyến. TPHCM hiện còn thiếu 77. 000 máy tính; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến…

Khó khăn khi dạy trực tuyến

Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT đến cuối giờ chiều 6/8, gần 34% trường học trên cả nước giảng dạy trực tuyến và 8.719 trường chưa tổ chức dạy học.

Tuy nhiên, qua khảo sát nhanh của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập.

Đặc biệt, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả. Khó khăn này không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố lớn.

Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó có một số tỉnh lùi thời gian học đối với cấp tiểu học như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu...

Bộ GD-ĐT thừa nhận khó khăn khi dạy học trực tuyến - 1

Khó khăn khi học trực tuyến không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành phố lớn.

Nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến theo cách làm cũ, thời gian tiết học dài làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự tập trung học tập của học sinh, chưa theo đúng hướng dẫn của Bộ là tinh gọn, chỉ đưa vào bài giảng những kiến thức cốt lõi cho học sinh. Số giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1 nhiều.

Thống kê cho thấy, cả nước có 2.704 giáo viên và 9.458 học sinh thuộc diện F0; có 4.125 giáo viên và 11.563 học sinh thuộc diện F1. Trong đó, cao nhất là TPHCM, tính đến sáng 06/9/2021, có 2.096 giáo viên và 6.630 học sinh thuộc diện F0; 1.990 giáo viên và 6.424 học sinh thuộc diện F1 chưa kể số giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dạy - học ở một số địa phương.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục ở một số địa phương còn thấp, một số địa phương mới tổ chức tiêm mũi 1. Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nề nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn.

Học sinh miền núi thiếu thiết bị học trực tuyến

Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT tại các địa phương, không riêng miền núi mà nhiều thành phố lớn cũng thiếu thiết bị dạy học trực tuyến.

Chẳng hạn TPHCM hiện còn thiếu 77. 000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng Internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến…

Ở Thanh Hóa, nhiều  địa bàn tổ chức dạy học trực tuyến, tuy nhiên gặp không ít khó khăn. Thống kê của ngành chức năng và các địa phương cho thấy, ngày đầu tiên thực hiện, chưa có địa phương nào của Thanh Hóa có 100% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến.

Một hiệu trưởng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho biết: "Khảo sát cho thấy nhiều phụ huynh không đủ điều kiện cho con học trực tuyến. Lý do gia đình khó khăn không mua được máy móc hoặc nhà 2-3 con học nhưng chỉ có một máy, ngoài ra mạng internet không có.

Để có thể thực hiện được 100% học trực tuyến là điều rất khó. Trong khi trường chúng tôi ở trung tâm thành phố nhưng cũng chỉ thực hiện được 35%, đối với các trường vùng ven, học sinh đủ điều kiện học có thể sẽ thấp hơn".

Ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn thành phố, nhiều trường đều có số lượng học sinh đăng ký học trực tuyến dưới 50%.

Bộ GD-ĐT thừa nhận khó khăn khi dạy học trực tuyến - 2

Lường Thị Thắm, một học sinh miền núi Tuần Giáo, Điện Biên lên đồi "hứng sóng" để học trực tuyến trước đây. 

Tại TPHCM, trong những ngày đầu tiên học trực tuyến, học sinh rơi vào tình trạng nghẽn đường truyền, tài khoản bị "văng" ra ngoài.

Thành phố này phải ngay lập tức nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%. Hiện nay, mỗi trường học ở TPHCM đều có 2 đường truyền khác nhau, nên nếu một đường truyền gặp sự cố, sẽ có đường truyền còn lại. 

Ở Đắk Lắk, có những buôn làng chỉ có 2 nhà có tivi, sóng điện thoại chập chờn và hoàn toàn chưa có mạng internet nên rất khó khăn khi dạy học trực tuyến.

Ông Đinh Tiến Dũng - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'Đroh) cho biết, trước thềm năm học mới, nhà trường đã tiến hành khảo sát 174 học sinh về việc học trực tuyến, chỉ khoảng 20% học sinh có thể mượn điện thoại thông minh của bố mẹ để học.

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk - cũng nhận định, việc dạy học trực tuyến sắp tới trong tình hình dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các bậc tiểu học, các em vùng sâu vùng xa.

Do đó, Sở đề nghị trong thời gian này, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm rõ điều kiện cụ thể của học sinh nhằm triển khai kế hoạch, phương pháp dạy học cho phù hợp.

Tại Nghệ An, nhiều địa bàn miền núi khó khăn khi học trực tuyến. Theo ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương cho rằng, việc học trực tuyến đối với học sinh của địa phương là vô cùng bất cập và khó khăn, nan giải. Xã Tam Hợp có 100% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, cuộc sống chưa đảm bảo, nói đến việc học trực tuyến là điều vô cùng xa xỉ với học sinh nơi đây. 

Một số thôn bản mạng internet yếu hoặc không có. Với xã Tam Hợp chúng tôi đến nay 3/5 bản chưa có mạng internet.

Đối với học sinh, phụ huynh, hiện vẫn thiếu điều kiện cần thiết để học online như: Máy tính, điện thoại thông minh. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh thiếu, yếu năng lực sử dụng CNTT để áp dụng việc học trực tuyến.

Huy động ủng hộ thiết bị học trực tuyến

Bộ GD-ĐT cho biết, trước khó khăn chung của ngành GD-ĐT, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh, giáo viên như: Hà Nội huy động được hơn 2.000 máy tính, thiết bị dạy học; TPHCM tổ chức quyên góp, huy động ủng hộ máy tính, điện thoại; Thừa Thiên - Huế trích ngân sách hỗ trợ thiết bị học tập; Hà Tĩnh huy động doanh nghiệp ủng hộ phương tiện học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Nghệ An cử cán bộ biên phòng đến các bản làng để hỗ trợ điện thoại và giúp đỡ học sinh học trực tuyến… 

Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo để khắc phục khó khăn như dạy học và hướng dẫn việc học qua hình thức tin nhắn học đường, qua nhóm trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook…); dạy học và hướng dẫn việc học qua tài liệu do giáo viên chuẩn bị và photo gửi đến gia đình học sinh… 

 Kho học liệu của Bộ GD-ĐT đã được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.

Hiện nay có gần 7.000 bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng.

Có 14 kênh truyền hình của Trung ương và địa phương thường xuyên phát chương trình ôn tập và dạy học cho học sinh.