Bộ GD&ĐT lên tiếng về một số trường đại học tự chủ tăng học phí quá cao

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa có phản hồi trước thông tin, một số trường ĐH tự chủ đưa ra mức học phí tăng cao khiến gia đình nhiều sinh viên gặp khó khăn.

Bộ GDĐT lên tiếng về một số trường đại học tự chủ tăng học phí quá cao - 1

Bộ GD&ĐT cho rằng, lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ.

Trả lời trước ý kiến của cử tri tỉnh Ninh Thuận trước việc nhiều trường ĐH tự chủ có mức học phí tăng cao thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDĐH, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH làm căn cứ pháp lý để các trường đại học mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học, gắn chặt giữa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, trong đó có trách nhiệm giải trình về chi phí đào tạo và mức thu học phí.

 Bộ GD&ĐT cho rằng, căn cứ theo quy định tại khoản 17 điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, cơ sở giáo dục đại học được thực hiện tự chủ khi đáp ứng các điều kiện sau:

Đã thành lập hội đồng trường, đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quy định;

 Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định.

 Bộ GD&ĐT cũng thông tin, trong kỳ tuyển sinh ĐH năm học 2020-2021, lộ trình tăng học phí của một số trường đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản đều đã được công bố.

Các trường đã thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước kỳ tuyển sinh để xã hội, phụ huynh và thí sinh nắm bắt.

Tuy nhiên, việc tăng học phí cao hơn so với các năm học trước cũng đã làm cho một số gia đình có con em có nguyện vọng học đại học tại các trường này gặp khó khăn.

Bộ GD&ĐT cho rằng, lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, cùng với việc tăng học phí, kỳ tuyển sinh năm nay các trường tự chủ cũng đã sử dụng nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, chính sách học phí, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho sinh viên, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định quy định khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo của cơ sở giáo dục công lập; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2021-2022 (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ).

Theo đó, mặc dù các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính, có lộ trình tăng học phí nhưng vẫn phải bảo đảm mức học phí trong khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định của Chính phủ hoặc phương án tự chủ tài chính phải được cơ quan chủ quản phê duyệt.