Biết ơn, tự hào về mái trường xưa, về các thầy cô và bè bạn

(Dân trí) - Sáng 6/10/2015, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN kỷ niệm 70 năm truyền thống, 20 năm thành lập trường. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu quan trọng và thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai cho Trường. Lãnh đạo nhà trường và đại diện các thế hệ cán bộ giảng dạy và sinh viên của Trường đã có những phát biểu chia sẻ.

Dưới đây là phát biểu của cựu sinh viên Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện cho các thế hệ sinh viên Trường tại buổi lễ:

Hôm nay, tôi rất xúc động, vinh dự và may mắn được trở về mái trường thân yêu mà tôi và nhiều cựu sinh viên khác không muốn gọi là “trường xưa” - Trường Đại học Văn khoa 70 năm trước; Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà chúng tôi từng học tập, nghiên cứu và 20 năm gần đây, là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nói gì, kể gì lúc này cũng khó có thể tả hết tình cảm yêu thương, kính trọng, tự hào của lớp lớp thế hệ sinh viên chúng tôi đối với Trường, với các thầy các cô, với truyền thống vẻ vang 70 năm của Trường.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG HN.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG HN.

Năm 1977, tôi và các đồng môn của mình bước chân vào ngưỡng cửa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được nhận vào các khoa khác nhau: Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý, Triết, Kinh Tế - Chính Trị, Luật.. và các khoa của khối khoa học tự nhiên. Sinh viên vào trường lúc đó chủ yếu từ 2 nguồn: (1) Học sinh phổ thông độ tuổi 17, 18; (2) Bộ đội xuất ngũ và đang tại ngũ, vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ đầy hy sinh, gian khổ. Nhìn trong lớp học, rất ít áo trắng (vì áo trắng lúc đó là của hiếm, là “độc quyền” của một số bạn sinh viên người Hà Nội và vài ba đô thị khác), mà chủ yếu là màu sẫm, màu nâu và màu quân phục. Nhưng sự vui sướng, tự hào của chúng tôi thì lớn lao và vẹn nguyên đến bây giờ.

Tên của Trường lúc đó đã rất nổi tiếng; tên tuổi của nhiều thầy, cô  - thế hệ nhà giáo Vàng, là niềm ngưỡng mộ, không chỉ của sinh viên mà cả xã hội. Không khí, chất lượng dạy và học lúc đó thật tuyệt vời. Duy chỉ điều này thì không ai hài lòng, nhưng nhớ mãi: thiếu thốn nhiều thứ - sách vở, tài liệu, giấy bút, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân..

... Cái thời lọ mực sẻ ba

Đĩa rau muống luộc nửa già, nửa ôi

Cơm mỳ hai bát chơi vơi

Lâm râm cái đói suốt thời sinh viên...” (Thơ NTK)

Cái thời đó, vào thư viện của Trường, của Khoa, đôi khi, trong đầu nảy sinh một vài ý nghĩ không lấy gì lành mạnh cho lắm: giá như mình sở hữu cuốn sách kia, giá như mình có riêng cuốn sách nọ. Và trong thực tế, một số cuốn sách trong thư viện theo cách nào đó đã “đội nón” ra đi.

Thời đó, cánh sinh viên chúng tôi học ở Trường, chỉ mơ ước được về quê thăm cha mẹ, người thân mỗi năm 2 lần: hè và tết; nhưng không ít người chỉ có thể về nhà một lần vào dịp hè vì không có tiền mua vé tàu xe. Quê tôi cách Hà Nội gần 300km về phía nam, đi tàu hỏa thời đó, tàu “bò” mất 2 ngày, xuống tàu, đi bộ 20km mới về đến nhà. Mà đi tàu thì chủ yếu là trốn vé:

... Nhớ bè bạn bao lần trốn vé

Đêm nóc tàu nằm ngắm sao sa

Bụng lép kẹp đọc thơ Nga, Pháp

Và mơ em Hà Nội ngọc ngà...” (Thơ NTK)

Con tàu của cuộc đời, của Trường đã chở chúng tôi đi qua một thời gian khó, vươn về tương lai như thế đó: luôn lạc quan, yêu đời; luôn khát khao chiếm lĩnh tri thức, văn hóa của dân tộc và nhân loại; luôn say mê giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; “thầy ra thầy”, “trò ra trò”... Rất nhiều thầy, cô giáo trở thành tượng đài trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của đất nước. Rất nhiều sinh viên có những cống hiến đáng quý cho đất nước, thành danh ở nhiều lĩnh vực công tác, đời sống xã hội. Đặc biệt, nhiều sinh viên các khoa, các khóa thập niên năm mươi, sáu mươi, bảy mươi đã xếp bút nghiên ra trận, nhiều người anh dũng hy sinh trên các chiến trường như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Hồng…; nhiều người trở thành nhà khoa học hàng đầu, thành nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà lãnh đạo, quản lý... Chỉ tính riêng khối Khoa học Xã hội, có nhiều sinh viên của Trường sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng, từng là Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Xuân Tùng, từ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và nhiều đồng chí là lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, nhà trường, học viện.

Lãnh đạo ĐH KHXH&NV tri ân những cán bộ, nhà giáo lão thành đã có nhiều cống hiến đóng góp cho nhà trường.
Lãnh đạo ĐH KHXH&NV tri ân những cán bộ, nhà giáo lão thành đã có nhiều cống hiến đóng góp cho nhà trường.

Bản thân tôi, phát huy truyền thống của nhà trường; tiếp thu kiến thức, tri thức, phương pháp học tập, nghiên cứu mà các thầy cô đã truyền dạy, sau khi tốt nghiệp, tôi trở về quê và làm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ Tĩnh, sau đó là Đài Nghệ An, rồi làm Phó Giám đốc Đài, làm Tổng biên tập Báo Nghệ An, làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn. Năm 2008, vẫn công tác ở Nghệ An, tôi may mắn được trở lại Hà Nội, trở lại Trường lần thứ hai để  làm nghiên cứu sinh ngành Ngữ Văn - lớp Nghiên cứu sinh do Viện Ngôn ngữ học và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức. Đó là một cơ may và vinh dự mà không phải ai ở xa Trường cũng có được. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Ngữ Văn, tôi được điều động ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, năm 2010 được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2013 được phong học hàm Phó Giáo sư. Cùng với công việc được giao là chỉ đạo, quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, tôi vẫn đều đặn viết báo, làm thơ, tham gia đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cho khoa Báo chí và Truyền thông của Trường và một số đơn vị khác. Mấy năm gần đây, còn viết thêm cả kịch bản sân khấu. Nhìn lại, suy ngẫm về con đường mình đã đi qua, ngoài các yếu tố từ quê hương, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy mình có được một tố chất khá rõ, giúp mình, nâng bước mình đi lên - đó là tố chất, là hành trang của một sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay. Có lẽ, nhiều anh chị, các bạn, các em lớp sau cũng có suy nghĩ tương tự.

Bài phát biểu của tôi chủ yếu thể hiện cảm nghĩ, cảm xúc cá nhân. Nhưng cá nhân đó luôn luôn nhớ về Trường, gắn bó mãi mãi với Trường, mãi tự hào, biết ơn Trường, nhớ ơn các thầy cô; nhớ và yêu quý các anh chị, các bạn sinh viên của Trường; yêu quý và tin tưởng ở sức vươn mạnh hơn, cao hơn của các em sinh viên hôm nay, mai sau của Trường ta.