Bản chất phí - giá và câu chuyện Tiếng Việt

(Dân trí) - Những bảng treo “Trạm thu giá” trên các quốc lộ khắp Việt Nam đang là chủ đề đàm tiếu về việc sử dụng khái niệm chưa từng có. Rất nhiều phân tích mổ xẻ việc sáng tạo ra một từ mới trong tiếng Việt mang đầy tính bi hài.

Những bảng treo “Trạm thu giá” trên các quốc lộ khắp Việt Nam đang là chủ đề đàm tiếu về việc sử dụng khái niệm chưa từng có. Rất nhiều phân tích mổ xẻ việc sáng tạo ra một từ mới trong tiếng Việt mang đầy tính bi hài.

“Thu giá” theo cách hiểu của người dân thì hoàn toàn vô nghĩa và đó chỉ là cách những người làm luật tìm mọi cách để trốn tránh luật về phí cần phải thông qua rất nhiều cấp. Tuy nhiên với những cán bộ sáng tác ra cụm từ “thu giá” lại cho rằng cần phải viết đầy đủ là “thu giá sử dụng dịch vụ”.

Nếu đơn thuần xét về khía cạnh kinh tế, hai việc này khá là khác nhau. Một mặt thu theo quy định nhà nước một cách hành chính, còn một mặt thu theo chi phí sản xuất theo thị trường. Do đó, nếu xét về khía cạnh thị trường, thu tiền theo chi phí sản xuất sẽ mang tính thị trường hơn là phương thức sử dụng mệnh lệnh hành chính. Đó cũng là lý do những nhà quản lý như các Bộ và các chuyên gia về kinh tế tỏ ra ủng hộ phương thức thu mới.

Tuy nhiên, việc sử dụng từ ngữ lại gây ra phản ứng dữ dội và bị cho là ngô nghê và lách luật. “Thu giá” là chưa có trong từ điển và khái niệm này cũng không thuyết phục được người dân. Vẫn biết là ngôn ngữ là một quá trình phát triển và các từ mới vẫn liên tục được ra đời nhằm đáp ứng sự phát triển.

Trong vài chục năm trở lại các từ ngữ Tiếng Việt mới vẫn có sự phát triển và được xã hội chấp nhận như: phần mềm, mạng xã hội, quan hệ công chúng, thương mại điện tử, … đều là các khái niệm mới gần đây.

Tuy nhiên khái niệm “thu giá” thì bị cho rằng quá ngô nghê và không thể sử dụng rộng rãi. Việc đưa khái niệm mới trong các văn bản pháp luật rõ ràng cần được tính toán cẩn trọng và tham khảo thực tế trước khi sử dụng.

Việc hàng hoạt bảng hiệu trên quốc lộ được thay từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” rõ ràng là bước đi vội vàng. Bộ trưởng Bộ giáo dục & đào tạo khi tuyên bố muốn học phí được thu theo nguyên tắc giá dịch vụ đào tạo cũng ngay lập tức phải đính chính là không thể đổi “học phí” thành “học giá”. Nhưng dường như từng đó là chưa đủ khi dư luận đang ồn ào về việc “thu giá”.

Do đó, cho dù bản chất tốt đẹp là dẫn dắt các hoạt động kinh tế dần tuân theo nguyên tắc thị trường và loại bỏ các can thiệp hành chính vào thị trường nhưng không quan tâm thoả đáng đến các vấn đề văn hoá và ngôn ngữ thì kết quả vẫn là sự phản đối gay gắt từ xã hội.

Chúng ta cần tránh dân tuý thái quá khi đưa ra những khái niệm mới nhưng cũng phải tránh việc hàn lâm, sách vở mà không quan tâm đến phản ứng của dư luận xã hội.

TS Đàm Quang Minh - Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE)