Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền

(Dân trí) - Xuân Bắc, Long Nhật hào hứng thử những món ăn vừa quen vừa lạ mùa Tết, như bò kho mật mía, canh măng chân giò… Cả 2 còn có dịp xắn tay vào bếp để đọ sức với Phạm Quỳnh Anh và Lâm Vỹ Dạ.

Bất chấp lịch trình bận rộn ngày giáp Tết, nghệ sĩ Xuân Bắc đã dành 7 tiếng bay vào Sài Gòn để cùng Lâm Vỹ Dạ và Phạm Quỳnh Anh chia sẻ hương vị Tết Bắc, với những món ăn đặc trưng là bánh chưng, thịt đông và canh măng chân giò.

Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 1
Xuân Bắc hào hứng chia sẻ về kí ức mùa Tết. Anh sinh ra ở Phú Thọ, sau đó chuyển vào Hà Nội nên rất thấm thía hương vị Tết Bắc.
Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 2
Không chỉ dừng ở việc “ăn”, Xuân Bắc còn trổ tài nấu nướng khiến hai bà nội trợ là Lâm Vỹ Dạ và Phạm Quỳnh Anh cũng phải gật gù.

Với những ý nghĩa tốt đẹp, hai món ăn nổi bật mà các nghệ sĩ muốn giới thiệu chính là thịt đông và canh măng chân giò bổ dưỡng. Với thịt đông, phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự an lành, trong trẻo cả một năm. Còn canh măng chân giò, ngụ ý vạn sự an lành, no đủ cả năm; miếng giò tròn, dày tượng trưng cho phúc lộc đến nhà.

Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 3
Sự hòa quyện, gắn kết giữa các thành phần như một lời chúc may mắn dành cho những ai đang và sẽ yêu.
Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 4
Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về Tết các vùng miền

Dàn nghệ sĩ thử các trò chơi dân gian như đập niêu, viết câu đối, dựng cây nêu... Là người gốc Bắc nên Phạm Quỳnh Anh cũng rất hào hứng khi tham gia chương trình.

Nối tiếp cuộc hành trình của “Tết nay ăn gì”, Lâm Vỹ Dạ đã tiếp tục hội ngộ Long Nhật để chia sẻ về Tết miền Trung. Là nơi đã sinh ra bao nhiêu vần thơ, áng văn mơ mộng và tình cảm, Huế có lẽ chính là trái tim của miền Trung khô cằn chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt. Thế nhưng, đây cũng chính là nơi mang bản sắc dân tộc đậm đà nhất vì là cố đô nước Việt.

Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 5
Long Nhật và Lâm Vỹ Dạ đều là 2 người con của Huế. Cũng như Xuân Bắc, Long Nhật đã phải bắt vé máy bay từ sáng sớm vào Sài Gòn để quay hình.

Nhắc đến Tết miền Trung, không thể không kể đến những loại bánh truyền thống được làm thủ công ngon miệng, đẹp mắt. Người miền Trung có quan niệm, ngày đầu tiên của năm mới thì nên đón chào những thứ thanh tao ngọt ngào.

Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 6

Sau khi thử 8 loại bánh truyền thống, Long Nhật xắn tay vào bếp để thực hiện hai món ăn cũng ngọt ngào không kém là bò kho mật mía và mứt gừng.

Với bò kho mật mía xuất xứ từ xứ Nghệ, món này hội tụ đầy đủ ngọt, mặn, chua, cay, bùi, đắng, chát và thơm nồng nàn mùi gia vị từ rừng, là tinh hoa của ẩm thực xứ Nghệ nói riêng và miền Trung nói chung. Ngoài ra, với ý nghĩa mang lại cuộc sống đầm ấm hạnh phúc, mứt gừng là một trong những loại mứt có vị ngọt thanh, cay nhẹ rất ngon. Gừng cũng là vị thuốc dân gian chữa được nhiều loại bệnh.

Bên cạnh đó, mứt gừng chấm muối còn là món ăn truyền thống trong đêm động phòng của cô dâu chú rể người Huế. Trong đêm tân hôn, đại diện người trong gia đình có cuộc sống viên mãn hạnh phúc sẽ là người mang gừng và muối vào phòng cô dâu chú rể, gừng sẽ chấm muối sau đó cô dâu chú rể mỗi người cắn một nửa với ý nghĩa “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, mong muốn họ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc bên nhau mãi về sau.

Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 7

Long Nhật còn mang đến một mâm cơm ngày Tết vừa ngon miệng, vừa ý nghĩa, với đầy đủ nem chua, thịt heo ngâm nước mắm, bánh tét, giò chả bò, dưa món, tré.

Xuân Bắc, Long Nhật giới thiệu về món ăn Tết các vùng miền - 8

Có “ăn” thì phải có “chơi”, với Long Nhật, bài chòi là trò chơi dân gian đã gắn liền với tuổi thơ anh. Bài chòi cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Băng Châu - Minh Thái