Vũ Thu Phương nhớ những cái Tết nghèo…

(Dân trí)- “Khi tôi học lớp 6, gia đình gặp biến cố lớn, gia sản mất trắng. Nhà chẳng còn lại gì. Gia đình ly tán. Tôi ở lại Nam Định một mình. Bố mẹ phải đi làm ăn xa để mong thay đổi được cuộc sống…”- “Chân dài” Vũ Thu Phương tâm sự.

 
Vũ Thu Phương nhớ những cái Tết nghèo… - 1
 
Khi tôi còn nhỏ, gia đình cũng có “của ăn của để”, anh em tôi được nuôi dạy khá đủ đầy, sung túc. Khoảng thời gian tôi học lớp 6, gia đình gặp biến cố lớn, gia sản mất trắng. Nhà chẳng còn lại gì. Nghèo túng, thiếu thốn. Gia đình phải ly tán. Bố tôi vào Nam làm việc. Anh trai xuống Hà Nội học Đại học. Mẹ tôi theo anh về Hà Nội, mong kiếm được việc làm thêm để có tiền nuôi hai anh em tôi ăn học. 

Khoảng thời gian ấy thật buồn. Tôi ở lại Nam Định một mình, tiếp tục học cấp 2 tại đây. Nhà rộng nhưng trống trơn, không có đồ đạc gì. Bố mẹ cố gắng giữ lại căn nhà để gia đình có chỗ đi về, sum họp. Đồ đạc trong nhà phải bán hết. Tôi nhớ, ngày đi học, đêm về tôi nhớ bố mẹ không thể ngủ được. Căn nhà như rộng ra, trống trải đến đáng sợ. Tính tôi lại nhát, sợ ma kinh khủng, giấc ngủ cứ chập chờn, mộng mị, đôi khi trong giấc mơ thấy mình đang khóc…  

Những ngày ấy, bà con cô bác láng giềng rất thương tôi. Ít tuổi đã phải tự lập mọi thứ một mình. Các cô các bác sang nhà hỏi thăm luôn. Có gì ăn, các bác cũng mang sang cho. Xa Nam Định lâu rồi, tôi vẫn mong một ngày được về thăm quê cũ, thăm lại ngôi nhà xưa và các cô bác láng giềng tốt bụng… 
 
Vũ Thu Phương nhớ những cái Tết nghèo… - 2

Tháng năm nghèo khổ, mẹ tôi ở Hà Nội kinh doanh đủ mọi mặt hàng, rất vất vả. Bố tôi làm lụng quên ngày quên tháng ở trong Nam. Có một năm, Tết bố không được về nhà. Đó là cái Tết duy nhất gia đình tôi không được sum họp. Gia cảnh lại nghèo khổ, thiếu thốn đủ thứ… Tôi vẫn nhớ mãi. Bố về, bao giờ bố mẹ cũng cố gắng lo cho anh em tôi một cái Tết chu toàn, dù nghèo đến mấy.  

Anh em tôi thì mong mỏi đến Tết. Bởi Tết gia đình được sum họp. Tết được ăn ngon, ăn no. Tết sẽ có áo mới. Cả năm gia đình tôi miệt mài làm việc và mong ngóng đến Tết để gia đình đoàn tụ. Cứ như thế, thời gian trôi qua, gia đình tôi ly tán suốt 7 năm ròng. 

Đến khi tôi học lớp 9. Có lần bố về Nam Định thăm tôi, vô tình bố đọc được nhật ký của con gái, đọc xong thấy thương quá, bố đón tôi vào Sài Gòn ở cùng. Tôi vào Nam từ năm ấy, học lên cấp 3 và thi vào khoa Báo Chí- ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM. Khi tôi học cấp 3, mẹ và anh trai vẫn tiếp tục ở Hà Nội. Nhiều năm sau, gia đình tôi mới được đoàn tụ ở Sài Gòn. 
 
Vũ Thu Phương nhớ những cái Tết nghèo… - 3

Khi tôi có ý định theo nghề người mẫu, bố mẹ không cho, với bố mẹ tôi, việc học của các con rất quan trọng. Dù làm gì, cũng phải học hành đến nơi đến chốn. Bố mẹ vất vả đến mấy cũng muốn anh em tôi phải vào Đại học. Tôi lại đam mê nghề người mẫu. Học khoa Báo chí trường ĐH KHXH &NV quá bận, tôi thi sang khoa Đông Nam Á chuyên ngành kinh tế ĐH Mở để có thể vừa đi học vừa đi làm phụ thêm bố mẹ. Nghề người mẫu đến với tôi từ đây, tôi mở thêm cửa hàng kinh doanh thời trang, và vẫn theo học ĐH, năm vừa rồi, tôi đã tốt nghiệp và có bằng ĐH Mở với chuyên ngành Kinh tế. Bố mẹ vẫn căn dặn anh em tôi phải học, học để lấy kiến thức cho mình, chứ không học để lấy bằng cấp “trang trí” cho bản thân.  

Hiện tại, gia đình tôi sống ở Sài Gòn. Anh trai tôi vẫn “chưa chịu” lấy vợ. Cả nhà bốn người sống rất vui và hạnh phúc. Gia đình chúng tôi vẫn sống theo cách của người Bắc, ăn Tết như người Bắc, và nói giọng “đặc sệt” Nam Định.   
 
Vũ Thu Phương nhớ những cái Tết nghèo… - 4

Tôi xa Nam Định đã 10 năm trời. Mười năm tôi chưa một lần được về thăm. Tôi vẫn nhớ ngôi nhà cũ rộng thênh thang. Con đường tới trường. Những cô bác láng giềng tốt bụng, các thầy các cô trường cũ đã luôn giúp đỡ, đùm bọc cho tôi… Cuộc sống bận rộn cứ cuốn tôi đi, không còn thời gian để về thăm quê cũ. Nhưng nhất định, tôi sẽ trở về, trở về để được sống lại những ngày xưa cũ. Trở về để nói lời cảm ơn chân thành tới cô bác láng giềng tốt bụng, tới thầy cô, bạn bè đã đùm bọc cho tôi. Trở về để thoả lòng nhớ thương quê cũ. Nhất định, tôi sẽ trở về, trong một ngày không xa nữa đâu…

 

Vũ Thu Phương

(L.L ghi)