Vũ Diệu Thảo làm mới "Cô đôi thượng ngàn" với đàn tỳ bà
(Dân trí) - Đón Tết Ất Tỵ 2025, nghệ sĩ đàn tỳ bà Vũ Diệu Thảo ra mắt hơn 30 MV độc tấu, hòa tấu với nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau. Cô chia sẻ rằng, đã dốc toàn lực gần 4 tháng làm việc cùng các nhạc sĩ.
Trong hơn 30 MV được Vũ Diệu Thảo giới thiệu dịp này, có những làn điệu dân gian cổ được làm mới như: Cô đôi thượng ngàn, Đào liễu, Tứ quý, Còn duyên… hay những bản nhạc xưa quen thuộc như: Đón xuân này nhớ xuân xưa, Câu chuyện đầu năm… và những ca khúc được giới trẻ quan tâm, yêu thích như: Năm qua ta đã làm gì, Bao giờ lấy chồng…
Nữ nghệ sĩ đàn tỳ bà bộc bạch rằng, việc thực hiện 30 MV thật sự là một thử thách. "Tôi đã dốc toàn lực, căng như dây đàn đúng nghĩa. Trong gần 4 tháng, hầu như tôi không có ngày nghỉ, làm việc với các nhạc sĩ liên tục và thu âm kín ngày từ sớm tới khuya", Vũ Diệu Thảo chia sẻ.
Tuy vất vả, Diệu Thảo cho biết, quá trình ghi hình các MV tương đối thuận lợi, dù thời gian gấp gáp. Một phần bởi nữ nghệ sĩ đã hình dung và chuẩn bị rất kỹ càng để biểu diễn, ghi hình, mặt khác, do ê-kíp có kinh nghiệm nên công tác thực hiện nhanh gọn và diễn ra thuận lợi.
Đáng chú ý, bài hát văn Cô đôi thượng ngàn vốn quen thuộc với tiếng đàn nguyệt, được Diệu Thảo chuyển sang chơi đàn tỳ bà.
Diệu Thảo cho biết, ban đầu cô có chút đắn đo bởi bài hát văn này vốn đã quen thuộc với tiếng đàn nguyệt. Nhưng cô quá yêu và đã "nằm lòng" giai điệu bài hát nên vẫn quyết tâm chọn.
Cô chia sẻ: "Đàn nguyệt và đàn tỳ bà có nhiều điểm tương đồng, thậm chí khi gảy lên, người nghe phải rất tinh mới phân biệt được âm thanh. Từ sự tương đồng đó, cùng tình yêu với âm nhạc dân gian Việt Nam, tôi quyết định thử sức với Cô đôi thượng ngàn".
Sau khi nhận được sự đón nhận của khán giả, Diệu Thảo bày tỏ niềm hạnh phúc và cho biết sẽ tiếp tục tìm tòi, khám phá những điều đặc biệt trong âm nhạc dân gian Việt Nam.
Trong những ngày Tết cận kề, Vũ Diệu Thảo chia sẻ thêm rằng, đối với cô, Tết là những ngày cuối năm bận rộn lo toan từ công việc đến gia đình. Đây cũng là dịp để tổng kết lại một năm với những hoạt động sôi nổi, miệt mài.
"Tết là chu kỳ đều đặn để dừng lại một nhịp, bắt đầu cho khởi đầu mới. Tết là dịp để về nhà và ở bên người thân sau một năm bận rộn, vất vả ngược xuôi, bù đắp những yêu thương, xa nhớ, khởi động một năm mới đầy năng lượng và sáng tạo", Diệu Thảo nói.
Cũng theo Diệu Thảo, cô yêu phong tục truyền thống, những nét đẹp dung dị và những điều mộc mạc, giản đơn. Tết là giờ phút được thảnh thơi chăm sóc dọn dẹp trang trí nhà cửa, sửa soạn lại bàn thờ gia tiên, tảo mộ cuối năm, cúng ông Công ông Táo, chuẩn bị nguyên liệu để chế biến các món ăn ngày Tết như bánh chưng, kiệu muối, hành muối, măng, miến, thịt đông…
"Thảo thường thu xếp để có thể dạo chợ hoa Tết, tìm mua hoa đào, một cây mai nhỏ vì rất thích loài hoa này. Tôi cũng mua một cây quất và cả hoa lan nữa", cô tiết lộ.
Năm 2024 vừa qua đánh dấu 20 năm Vũ Diệu Thảo gắn bó với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong vai trò giáo viên đàn tỳ bà. Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, Diệu Thảo đã có nhiều hoạt động sôi nổi, trong đó phải kể đến album Bụi phấn quy tụ gần 100 nghệ sĩ tỳ bà và nghệ sĩ nhạc dân tộc thuộc nhiều thế hệ.
Chia sẻ về ước nguyện trước thềm năm mới, Diệu Thảo nói: "Ngoài mong muốn về sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình, tôi mong mình luôn giữ vững tình yêu, nhiệt huyết với cây đàn tỳ bà để có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng và đồng hành cùng các thế hệ học sinh".
Vũ Diệu Thảo (SN 1986) từng là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình qua các bộ phim: Phía trước là bầu trời, Khi đàn chim trở về, Chớm nắng…
Hiện nay, Diệu Thảo không tham gia diễn xuất. Cô tập trung hoàn toàn cho âm nhạc và được nhiều khán giả yêu mến.
Vũ Diệu Thảo đang là Thạc sĩ chuyên ngành đàn tỳ bà, giảng viên khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và làm MC cho một số kênh truyền hình.