1. Dòng sự kiện:
  2. Diễn viên Từ Hy Viên qua đời

Phim chiếu rạp

"Vô Ảnh Kiếm"

(Dân trí) - Xét về độ hoành tráng, Vô ảnh kiếm chẳng thua kém gì Anh hùng cũng như Thập diện mai phục, trong khi đó còn hơn hẳn những “siêu phẩm” kia về khoản ... lãng mạn.

Dẫu khó lòng so sánh Vô Ảnh Kiếm với các siêu phẩm mang thương hiệu Lý An hay Trần Khải Ca đã ngoạn mục chinh phục cả kinh đô điện ảnh Hollywood khó tính, nhưng cũng không vì thế mà không nhìn nhận những điểm nổi trội của bộ phim xứ Hàn Young Joon Kim.

Tình yêu trong “Vô ảnh kiếm” không mang hơi thở phương Tây nồng cháy và cuồng nhiệt, nó dịu dàng và thuần khiết theo phong cách phương Đông truyền thống. Cả bộ phim không hề có một nụ hôn, ấy vậy mà tình cảm đôi lứa, tình yêu chân thành vẫn được thể hiện đầy xúc động xuyên suốt chiều dài câu chuyện đầy kịch tính.

Đó là tình yêu thầm kín  giữa nữ chiến binh quả cảm với chàng hoàng tử mang trong mình nhiều mâu thuẫn, từ nhiệm vụ khó khăn là bảo vệ tính mạng cho chàng trái tim cô đã “lạc nhịp” từ lúc nào chẳng hay. Đó cũng là tình yêu đơn phương của nữ sát thủ máu lạnh với chỉ huy của mình, tất cả chỉ còn lại trong ánh mắt buồn và cam chịu khi cô bị chính người mình yêu nhẫn tâm xuyên kiếm qua tấm thân mà cô vừa hy sinh cho anh. Những chuyện tình chưa đủ để gọi tên cứ phảng phất đâu đó.   

Ngoài sự hấp dẫn về cốt chuyện, phần kỹ xảo hình ảnh của Vô ảnh kiếm khiến nền điện ảnh xứ Hàn “ngẩng cao đầu” với thế giới. Những cảnh quay tuỵệt hảo đầy tính nghệ thuật với những kỹ xảo bậc thầy đóng góp không nhỏ vào thành công của bộ phim. Cảnh đẹp nhất của Vô ảnh kiếm chắc chắn là cảnh quay dưới nước khi nữ chiến binh quên mình cứu hoàng tử.

 

"Vô Ảnh Kiếm" - 1

Với bộ phim của Hàn Quốc khác, các nhà làm phim đặt máy quay ở dưới nước hoặc kỹ thuật quay giả nước (kỹ thuật dry for wet), quay ở trên bờ và dùng sương để tạo hiệu quả đặc biệt, nhưng các nhà làm phim của Vô ảnh kiếm đã sử dụng phông xanh và kỹ xảo vi tính (Chroma-key shooting) để quay cảnh dưới nước. Kỹ thuật này được sử dụng lần đầu tiên trong bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn. Chỉ với cảnh quay này, Vô ảnh kiếm xứng đáng được so sánh với Thập diện mai phục cùng những màn đấu kiếm trong rừng tre.

Là một bộ phim dã sử võ thuật, Vô ảnh kiếm đã thành công trong việc để lại ấn tượng sâu sắc và thán phục trong lòng khán giả với những pha hành động tuyệt mỹ. Dù vẫn biết những cảnh võ thuật đều được cường điệu hoá, nhưng sự cường điệu ấy dễ dàng được chấp nhận bởi tính nghệ thuật cao và kỹ xảo hoàn hảo.   

Đạo diễn Young Joon Kim đã thành công trong việc tuyển lựa diễn viên cho Vô ảnh kiếm, với sự quy tụ của các tên tuổi sáng giá như Yoon So Yi (Arahan), Lee Seo Jin (Sao Băng) , Shin Huyn Joon (Lấy chồng Mafia 2)  và Lee Ki Yong. Có lẽ chỉ riêng bảng casting đã đủ khiến các quầy vé nội địa Hàn Quốc phải làm việc hết công suất.

Điều đáng tiếc là vai nam chính - Hoàng tử Daejonghyun do Seo Jin Lee đóng - dù được thể hiện khá tốt nhưng quá “đuối” so với trình độ của các bạn diễn. Ngoài sự “toả sáng” của Yoon So Yi trong vai nữ chiến binh xuất sắc nhất của triều đại Palhae - người bảo vệ và thức tỉnh hoàng tử Daejonghyun- Vô Ảnh Kiếm, “sự tung hoành” của cặp diễn viên tuyến hai Hyun Joon Shin và Ki Yong Lee.

 

"Vô Ảnh Kiếm" - 2

Đặc biệt, Ki Yong Lee trong vai nữ sát thủ dù không thực sự có nhiều đất diễn nhưng đã xuất sắc để lại dấu ấn sâu sắc trong từng cảnh quay ngắn ngủi cô xuất hiện.

  thể nói Vô ảnh kiếm đã tiếp thu được “tinh tuý” của những siêu phẩm Châu Á như Anh hùng, Thập diện mai phục Hơn thế nữa, Vô ảnh kiếm đã khắc phục yếu điểm của những bộ phim đó: sự khô khan.

Những người mê võ thuật và những cảnh quay tuyệt đẹp đương nhiên sẽ hài lòng. Những người muốn chiêm nghiệm về cuộc sống qua điện ảnh đương nhiên…cũng hài lòng. Và nếu những người nói trên muốn đưa một người khác giới cùng vào rạp thì những khán giả vốn thích thưởng thức một chút lãng mạn thay vì võ thuật cùng kỹ xảo ấy sẽ… rất hài lòng.    

Vô ảnh kiếm được công chiếu từ ngày 14/7 tại các rạp ở Hà Nội.

 BM