Việt Hương: Cuộc đời cũng có lúc "nắng mưa"
Việt Hương kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu ví von đầy triết lý này. Chị còn làm chúng tôi ngỡ ngàng vì đã tiết lộ nhiều chuyện về bản thân và cả những bí mật gia đình chưa từng công bố với báo chí.
Hẹn 12 giờ 30 và đúng boong 12 giờ 30, Việt Hương gặp tôi tại quán cà phê Grammy (TPHCM) với một "tiểu thư con nhà" chứ không còn vẻ bốp chát và "khùng ơi và khùng" trên sân khấu nữa. Chị đội một chiếc rộng vành màu kem rất điệu, tay cầm chiếc túi thời trang lớn bằng cói. Tôi mở đầu câu chuyện bằng lời khen: "Rõ ràng trông Việt Hương đẹp một cách kinh ngạc, khác trước rất nhiều".
Việt Hương đáp lại bằng nụ cười rõ tươi: "Mấy hôm nay mẹ đang bắt Hương uống thuốc bắc giải nhiệt, da mặt nhờ thế có lẽ cũng sáng sủa hơn. Thêm vào đó, tâm lý thoải mái cũng là một nguyên nhân giúp mình trông trẻ trung, yêu đời hơn.
Từ bé đến giờ đây là thời gian Hương cảm thấy hạnh phúc nhất. Một tuần, Hương cho phép mình nghỉ một ngày để đi Spa, shopping, chơi thể thao, xem phim hay hát karaoke... Chẳng hiểu vì sao từ ngày lập gia đình, Hương chưa từng dành thời gian để giải trí cho riêng mình".
"Thật thú vị là Hương đã làm được những "điều ấu trĩ nhất" (từ của Việt Hương dùng) mà Hương vốn rất thích như cắt tóc ngắn, sơn móng tay (phải là các màu cá tính như đen, nâu, tím đấy nhé!).
Chị còn hồ hởi kể thành tích đã biết nếm các loại rượu, trước đây chị chỉ thích mùi rượu thôi chứ không phân biệt được từng loại. Có lẽ vì thế mà khả năng pha cocktail của chị đã từng được bạn bè khen ngợi đáng kể.
Nói về cuộc hôn nhân đổ vỡ vừa rồi, Việt Hương tâm sự không có người phụ nữ nào dám nói chỉ thích làm việc hoài rồi bỏ rơi gia đình của mình. Thế nhưng, Việt Hương từng vì nhiều việc quá mà đã đánh mất hạnh phúc của riêng mình chứ không phải vì chị muốn đánh mất nó để chọn công việc. Bây giờ, chị đã biết cân bằng giữa công việc và chăm sóc bản thân, điều đó làm cho chị vui và tươi trẻ trở lại.
Khi còn là sinh viên khoa sân khấu, Hương mê nghề đến nỗi 8 giờ 30 tối vẫn ở lại trường để tập kịch. Trường cũ rất tối và sân khấu tận tầng ba không một bóng người. Một mình Hương độc thoại cảnh Võ Tắc Thiên bóp chết con để đổ thừa cho hoàng hậu.
Sau khi vật vã, lăn lê bò toài, bóp cổ búp bê vật xuống đất. Việt Hương nhìn quanh chỉ thấy mình và con búp bê. Lúc ấy thì mới thấy sợ ma, thậm chí không dám cầm con búp bê để lên ghế vì vừa bóp cổ nó xong. Giả sử lúc ấy búp bê... chớp mắt, chắc chị ngất xỉu luôn.
Gần hai năm nay, Hương không bị ngất vì làm việc quá nhiều nữa. Bác sĩ từng dọa: "Cô đừng để bị ngất nữa vì có thể một ngày nào đó cô sẽ bị ngất luôn" nên Hương rất sợ.
Chị lại kể lần may mắn thoát chết sau khi xe ôtô bị lật văng xuống vực. "Lúc ấy, nằm trong bệnh viện, mình nghĩ nếu chết đi mình sẽ không giữ được một đồng tiền nào do mình làm ra. Như thế có nên đánh đổi cuộc sống của mình với công việc để rồi có khi chẳng được tận hưởng điều gì hay không?".
Sau lần gặp tai nạn đó, Việt Hương không dám chạy show sát nút giờ diễn nữa mà thường đi trước 1,2 giờ. Mặc dù chị vẫn luôn tự hào khoe mình có một anh tài xế "phi tốc độ" thuộc dạng nhất nhì trong giới chạy show Sài Gòn: chạy từ nhà thi đấu Quân khu 7, Q. Phú Nhuận, TPHCM ra Vũng Tàu, hơn 100km mà chỉ mất 1 tiếng 25 phút, tính cả thời gian bị tắc đường.
Trong khi Việt Hương đang cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống độc thân thì mẹ chị lại lo lắng. Đọc báo, thấy những người phụ nữ Nhật thành đạt có xu hướng không thích lấy chồng, bà rất sợ con gái mình cũng có suy nghĩ như thế. Mẹ chị lo chị cũng sẽ có quan niệm giống những người phụ nữ Nhật hiện đại kia, sợ việc chăm sóc chồng con tốn thời gian trong khi họ làm ra được nhiều tiền và đang có cuộc sống rất thoải mái.
Chính vì vậy, khi Việt Hương mang về nhà thêm bất kỳ giải thưởng nào, mẹ chị ban đầu rất mừng, thậm chí là mừng đến phát khóc. Thế nhưng, sau giây phút đó, bà lại nói với chị: "Mẹ thấy giải thưởng như vậy là đủ rồi đó Hương, bây giờ thì lo sinh con đi!".
Tuy ngoài mặt lo lắng chuyện chồng con của con gái, nhưng bà không hề thúc giục chị lấy chồng lần nữa vì trong thâm tâm, bà cũng hiểu chị không muốn lập gia đình vào thời điểm này.
Việt Hương có suy nghĩ riêng: "Con cái là do ông trời sắp đặt. Bây giờ mình chọn số phận cho nó, mình yêu thương và sinh ra nó nhưng biết đâu lớn lên nó sẽ hỏi: Tại sao mẹ lại chọn sinh ra con mà không có bố? Mình dám sinh ra nó nhưng có chắc nó được hạnh phúc không?".
Việt Hương bảo tính chị hay lo xa nên khi nào muốn có con, chị phải để dành một số vốn thật vững để con chị có cuộc sống tương lai tốt nhất. Có lẽ chị không có bố từ nhỏ và sớm bôn ba giữa cuộc đời nên thường hay "thủ thế".
Khi Việt Hương vừa tròn ba tháng tuổi, bố mẹ chia tay nhau, hai chị em Việt Hương sống với mẹ. Năm Hương 13 tuổi, người chị gái chuyển về sống với bố, còn Việt Hương ở với mẹ cho đến tận bây giờ.
Trong quán cà phê vắng người, lần đầu tiên Việt Hương tiết lộ một câu chuyện tưởng như sẽ chôn chặt trong lòng.
Một lần Việt Hương bị ốm nặng và bỗng thèm một ly sữa nóng, chị ước gì lúc ấy có bố ở đấy, thế nào bố cũng mua cho chị một hộp sữa Ông Thọ.
Từ bé tới giờ, mẹ không dạy chị trách móc hay giận hờn bố. Thế nhưng, ngay lúc nằm bẹp trên giường và trán nóng ran, Việt Hương chỉ miên man một suy nghĩ rằng hộp sữa bố mua sẽ tốt hơn vì mẹ đã quá vất vả rồi.
Sau bao nhiêu năm, mọi thứ trong cuộc đời lướt qua như một cuộn phim làm chị chẳng còn quan tâm đến hộp sữa thiếu thốn ngày thơ bé nữa. Thế nhưng, trong một lần đi siêu thị, chị phải đi tìm mua sữa, cũng là lần đầu tiên chị bỏ tiền ra mua sữa cho mình. Việt Hương đã đứng ngắm hộp sữa Ông Thọ rất lâu rồi quyết định mua hai hộp.
Chị bồi hồi nhớ lại: "Lúc đó Hương tự hỏi tại sao hộp sữa chỉ chưa đến 10.000 đồng mà mình lại trân trọng nó vô cùng. Khi uống hết một hộp, Hương đã ngắm hộp thứ hai rất lâu rồi mới dám mở tiếp".
Từ nhỏ đến lúc 13, 14 tuổi, Việt Hương vẫn chưa cảm nhận được sự bất hạnh vì vắng bố. Chị bảo có lẽ vì khi đó còn nhỏ quá nên thấy chuyện có bố hay không có bố cũng giống nhau. Đến năm 15 tuổi, chị bước vào giai đoạn "dữ dội" khi tự mình phải kiếm từng đồng lẻ một để giúp đỡ mẹ vì bà đang ở giai đoạn suy sụp nhất về tâm lý.
Việt Hương đi hát ở nhà hàng, vũ trường ban đêm, thậm chí là phải làm những công việc thấp kém nhất để kiếm tiền. May thay, khi vào trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, Hương luôn là sinh viên xuất sắc nên được học bổng 55.000 đồng/tháng. Số tiền đó với Hương ngày đó to như một căn nhà nên lúc nào cũng phải cố gắng hết sức để được 10 điểm chuyên môn.
Việt Hương kể, nhiều khi tự mình tập diễn xong mới thấy đói quặn bụng. Vậy mà chị chẳng có nổi 1.500 đồng để ăn tô hủ tiếu không (hủ tiếu thịt giá 3.000 đồng). Về nhà, Hương chỉ ăn cơm măng khô trộn mè cho qua bữa.
Việt Hương chiêm nghiệm được rằng cái nghề diễn không chỉ dành cho những đứa trẻ có gia đình đỗ vỡ mà là nghề dành cho những người bản lĩnh và cứng rắn, dù bị vùi dập, chà đạp đến đâu cũng sẽ tìm mọi cách để vươn lên.
Chị ví von để có được Việt Hương của ngày hôm nay, có lẽ chiếc ly lớn để trước mặt cũng không đựng đủ nước mắt. Nói đến đây, chị bật khóc ngay: "Bị người ta dẫm đạp đến mức thấp nhất, vừa đau vừa ức, chạy xe ngoài đường mà nước mắt chan hòa với mưa, nhưng tính Hương lì lợm vô cùng. Hương không cho phép mình gục ngã. Mình phải vươn lên để họ không đạp mình xuống được nữa".
Việt Hương là một người khá thẳng thắn, nóng giận đó nhưng hôm sau lại quên ngay. Chị nói nửa đùa nửa thật: "Nếu có ai nói Hương thế này thế kia, đúng thì Hương nghe, còn nếu sai, Hương sẽ hỏi chuyện đấy do ai nói. Nếu "thủ phạm" là người thứ ba thì gọi ra đây, Hương sẽ tát thẳng vào mặt người đó. Còn nếu là người đang đứng trước mặt Hương thì Hương sẽ tát họ ngay".
Hương công nhận là mình nóng tính và hơi dữ (dù chỉ là dữ miệng), nhưng giờ thì đằm hơn: "Thời hai mươi mấy tuổi, ai mà "đu dây điện" (tức kiêu căng, tự phụ) là lập tức Hương phải tới "cắt dây", lôi họ xuống và "xả" ngay vào mặt họ. Thế nhưng, đến tuổi này thì Hương không làm thế nữa. Hương sẽ cho thêm 50.000 đồng để họ mua thêm "sợi dây điện", cho họ đu thật cao rồi tự ngã. Chẳng việc gì phải kéo họ xuống để họ lại ghét mình".
Giờ Việt Hương bình thản nghĩ về cuộc sống, có gặp phải chuyện không hay cũng lạc quan: "Đúng rồi, cuộc đời lúc nào chẳng có nắng có mưa!".
Chị bảo trong công việc chị đã biết nói lời từ chối. Trước kia, người ta giao một vai dở, chị cũng nhận rồi mang về nhà nghiền ngẫm, "lăn lê bò lết" để làm cho vai của mình hay hơn. Thế nhưng, bây giờ phải là vai hay chị mới nhận.
Chị lại nhấn mạnh: "Hương đang hạnh phúc lắm. Bây giờ, với Việt Hương chẳng có gì là ghê gớm nữa, cả về vật chất, tiền bạc lẫn chuyện bị giật vai diễn".
Theo Lương Mạnh Hải
Phong Cách